Có cần tiếp tục cách ly xã hội sau ngày 15.4?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:02, 13/04/2020

Đến ngày 13.4 là còn 3 ngày cần thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ tuần trước, Bộ Y tế đã đề xuất tiếp tục cách ly nếu có thể để bảo đảm ngăn dịch.

Một quán nước rau má trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh lắp đặt hàng rào cách xa 2 m và chỉ bán mang về 

Cũng đã có nhiều nước có quyết định kéo dài giãn cách xã hội thêm 2-3 tuần sau khi thấy hiệu quả của biện pháp này, nhằm bẻ gãy chuỗi lây nhiễm. Nhưng ở Việt Nam có nên thực hiện cách ly xã hội như hiện nay sau ngày 15.4?

Chờ phiên họp ngày 15.4

Lẽ ra hôm nay 13.4 là thời điểm Bộ Y tế sẽ báo cáo kết quả sau gần 2 tuần cách ly xã hội và Thủ tướng thông báo quyết định có cách ly tiếp hay không như đã công bố trong phiên họp giữa tuần rồi nhưng trao đổi với phóng viên ngày 12.4, một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cả nước vẫn tiếp tục cách ly đến hết ngày 15.4 như Chỉ thị 16 của Thủ tướng và việc có tiếp tục biện pháp này hay không còn phải chờ phiên họp vào ngày 15.4.

Rõ ràng việc thực hiện cách ly xã hội đã mang lại những hiệu quả về ngăn dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, cụ thể là số mắc mới đã giảm liên tục từ ngày 4.4 đến nay.

Trong gần 10 ngày qua, ba ngày có số mắc cao nhất ghi nhận 4 bệnh nhân/ngày, cũng đã có 2 ngày ghi nhận 1 bệnh nhân, trong khi ở thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4, số bệnh nhân ghi nhận mỗi ngày đều trên 10 người (ngày 22.3 ghi nhận tới 19 bệnh nhân), các ổ dịch mới mất dấu ca F0 liên tiếp xuất hiện...

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói những con số về các ca nhiễm bệnh đến nay là "con số biết nói". Việt Nam đứng thứ 108 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 với 258 ca bệnh cho đến nay, trong khi ở thời điểm cách đây hơn 1 tháng, Việt Nam đứng thứ 77 về số mắc. 

"Điều đó chứng tỏ đường hướng của chúng ta là đúng, chúng ta phải có lòng tin để tiếp tục. Chúng ta chưa bao giờ bị động và có đầy đủ các kịch bản" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Có nên tiếp tục?

Đã có những ý kiến về việc ứng xử như thế nào để phòng dịch sau mốc ngày 15.4 và có nên tiếp tục giải pháp đã tạo ra hiệu quả. Một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ nếu xem việc "không còn ca bệnh nào phát sinh sau ngày 15.4" là mốc để quyết định có nên giãn cách tiếp hay ngưng giãn cách thì sẽ rất khó, vì rất có thể có thêm ca bệnh ở những ổ dịch nhỏ lẻ.

"Rất khó xác định là khi nào hết những ca bệnh như vậy, nhưng chiến lược của Việt Nam là ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và trị, khi có ổ dịch mới thì khoanh vùng, cách ly ngay sẽ hợp lý hơn là giãn cách xã hội tuyệt đối như hiện nay" - chuyên gia này cho biết.

Cách ly xã hội đem lại những hiệu quả về y tế, sau đó về xã hội. "Một trong những yếu tố khiến thời gian qua chúng ta chống dịch tốt là nhờ niềm tin của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp của Chính phủ. 

Đến thời điểm này có thể đánh giá về số ca mắc mới, khả năng kiểm soát, đánh giá nguy cơ nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội lên kinh tế - xã hội. Nếu thiên về y tế thì giãn cách sẽ có hiệu quả do sẽ kiềm chế ca bệnh, nhưng lúc này nên đánh giá trên tất cả các yếu tố để có biện pháp phù hợp" - vị chuyên gia nêu ý kiến.

Theo ông, nên chia các tỉnh thành ra các nhóm. Các nhóm có mối giao lưu đi lại hạn chế, chưa có ca bệnh nên nới để các cháu có thể đến trường, các doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh, nhưng kiểm soát chặt các khu vực có biên giới và đầu mối giao thông, bên cạnh đó tiếp tục thực hiện tránh tụ tập đông người và đeo khẩu trang, rửa tay phòng dịch. 

Thời gian qua, Việt Nam đã kiềm chế được số mắc mới, có thời gian để xem những mô hình của các nước xung quanh, theo chuyên gia này, không áp dụng đồng loạt biện pháp với các địa phương, mà là nên mở dần.

Theo Tuổi trẻ