Nghệ sĩ trẻ đam mê sáng tác nghệ thuật truyền thống
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 19:05, 13/04/2020
Chị Hạnh dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu để viết kịch
Chị Trần Phương Hạnh, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trở thành một nhà viết kịch có tiếng. Hàng chục tác phẩm kịch do chị sáng tác đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi.
Người viết kịch đa tài
Năm 2016, khi mới bước sang tuổi 31, chị Hạnh đã đoạt giải A tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VII (2011-2015) với chùm 3 tác phẩm kịch ngắn gồm: "Bến đợi", "Trái tim của đại tướng", "Tình muộn".
Nhắc đến chị Hạnh là nhắc đến một nhà viết kịch đa tài. Các tác phẩm do chị sáng tác mang nhiều chủ đề khác nhau, từ chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử, đương đại đến gia đình, tình yêu đôi lứa... Đề tài thiên về chính kịch, được giới chuyên môn đánh giá cao. Chị tự nhận bản thân khá nhạy cảm với những câu chuyện nhân tình thế thái trong xã hội. Đây là chìa khóa giúp chị ấp ủ và cho ra đời nhiều tác phẩm kịch hay. Đến nay, chị Hạnh không nhớ mình đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm, nhưng hầu như tác phẩm nào cũng được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng, thậm chí phát đi phát lại nhiều lần.
Chị Hạnh sinh ra và lớn lên tại xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Từ nhỏ, chị đã ham đọc truyện, thích nghe 2 chương trình phát thanh Quân đội nhân dân và Sân khấu truyền thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cứ vào cuối tuần, khi 2 chương trình này phát sóng là chị lại ôm khư khư chiếc đài cassette cũ của mẹ để nghe. Chị bảo lúc đó quê chị còn nghèo, sách, báo, ti vi gần như rất hiếm, chiếc đài là kênh giải trí duy nhất chị có. Chị Hạnh thích nghe các câu chuyện truyền thanh trên đài nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà viết kịch.
Tốt nghiệp THPT, chị Hạnh đăng ký thi ngành sư phạm theo mong muốn của mẹ. Tuy nhiên, đúng đến phút chót, chị lại chọn thi vào Khoa Biên kịch sự kiện của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh vì thấy bản thân học tốt môn văn học. 4 năm học tập tại đây, chị Hạnh trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất trường, thi tốt nghiệp đạt điểm 10 chuyên ngành. Trong thời gian là sinh viên, chị viết khá nhiều kịch gồm cả kịch ngắn, kịch dài, một số bài lý luận phê bình sự kiện, giới thiệu vở dẫn... Một số tác phẩm của chị được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, phát sóng như "Giấc mơ", "Lòng mẹ", "Tình đời"... Chị nhớ nhất tác phẩm kịch dài đầu tay có tựa đề "Một tuần của một đời" viết về câu chuyện tình yêu của một anh lính đảo với một nữ nhạc công chơi đàn piano. Tình yêu của họ gặp bao sóng gió, trắc trở nhưng cuối cùng 2 người vẫn đến được với nhau cùng xây đắp hạnh phúc. Vở kịch mang thông điệp nhắn nhủ mọi người trong tình yêu hãy luôn sống chân thành bằng cả trái tim, dù có gặp khó khăn thế nào thì sự chân thành ấy cuối cùng cũng sẽ được đền đáp. Tác phẩm này được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, phát đi phát lại nhiều lần, thu hút sự quan tâm theo dõi của thính giả.
Hơn 10 năm tham gia viết kịch chuyên nghiệp, chị Hạnh đã có nhiều tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi
Chị Hạnh tốt nghiệp ra trường nhưng không xin được việc. Trong thời gian này, chị làm nhân viên truyền thông cho một doanh nghiệp ở Hà Nội nhưng vẫn duy trì đam mê sáng tác kịch để cộng tác với báo, đài. Năm 2008, chị xin về công tác tại Phòng Quản lý văn hóa, rồi chuyển sang Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Từ đó đến nay, chị nhiều lần chuyển công tác, lúc thì lên Nhà hát kịch nói Quân đội, khi về Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh và cuối cùng lại về cơ quan cũ. Dù trải qua rất nhiều cơ quan nhưng niềm đam mê viết kịch trong chị luôn cháy bỏng. Ngoài quan sát thực tiễn cuộc sống, chị Hạnh đọc rất nhiều sách, các bài phê bình của giới chuyên môn viết về lĩnh vực của mình. Chị dành thời gian lên tận Hà Nội xem trực tiếp các vở diễn. "Sân khấu là nghệ thuật tổng hợp, mình xem không biết chán. Mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ âm nhạc, mỹ thuật, tính tổng thể, mảng miếng trên sân khấu đến phục trang, tiếng nói sự kiện... Tất nhiên những cái học được phục vụ rất đắc lực cho công việc sáng tác của mình", chị Hạnh nói.
Nhiều nhà phê bình nhận xét chị Hạnh viết kịch khá "chắc tay". Đặc biệt, tính mâu thuẫn, xung đột, hợp lý nội tại của nghệ thuật có trong tác phẩm mà chị sáng tác rất chân thực, thuyết phục, bảo đảm tính logic, dễ tác động đến cảm xúc của người đọc, người xem.
Lấn sân sang nghệ thuật chèo
Năm 2015, chị Hạnh lấn sân sang mảng sáng tác kịch bản chèo. Chị được Tiến sĩ Trần Đình Ngôn - một nhà viết kịch bản chèo nổi tiếng trực tiếp truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm. Chị Hạnh cho biết việc sáng tác kịch bản chèo khác nhiều so với viết kịch. Các vở kịch thường thiên về tính kịch, nội dung luôn có mâu thuẫn xung đột. Kịch bản chèo cũng có những yếu tố này nhưng thêm cả tính tự sự, trữ tình, ước lệ. Bởi vậy mà ngoài học, chị Hạnh dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, xem các vở chèo trên truyền hình, mạng internet...
Năm 2018, sau một thời gian dài ấp ủ, chị Hạnh đã cho ra đời kịch bản chèo đầu tay có tựa đề "Chuyện tình Hàn Sĩ - Đào Nương". Kịch bản chèo này được Hội đồng Nghệ thuật tỉnh đánh giá cao và được Nhà hát Chèo tỉnh chuyển thể thành vở chèo cùng tên. Nội dung vở chèo này nói về câu chuyện tình có thật trong lịch sử giữa Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (tên nhân vật trong vở là Vũ Lương) và một cô đào hát tên Thu Hương. Thông qua vở chèo, ngoài ca ngợi cái đẹp của tình yêu đôi lứa, tác giả còn muốn đấu tranh, phê bình sự coi thường của chế độ cũ với nghệ sĩ nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung. Từ đó, mong muốn Nhà nước hãy quan tâm hơn nữa tới chính sách phát triển văn học nghệ thuật, với những người nghệ sĩ trong xã hội đương đại.
Vở diễn "Chuyện tình Hàn Sĩ - Đào Nương" do chị Hạnh viết kịch bản đã đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tổ chức tại tỉnh Bắc Giang. Cá nhân chị được Ban tổ chức trao giải "Tác giả triển vọng".
Chị Hạnh khiêm tốn cho rằng dù viết nhiều nhưng chuyên môn, hiểu biết của mình liên quan đến viết kịch, kịch bản chèo còn hạn chế. Chị sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu, trau dồi, tích lũy để cho ra đời những tác phẩm có chất lượng hơn. Dự kiến trong thời gian tới, chị Hạnh sẽ sáng tác kịch bản chèo về danh tướng Yết Kiêu. "Tôi sẽ viết không ngừng nghỉ vì đam mê và cũng vì mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc", chị Hạnh nói.
TIẾN MẠNH