Chống dịch xuyên đêm

Pháp luật - Ngày đăng : 07:02, 14/04/2020

Vượt qua những vất vả, rủi ro về lây nhiễm bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng...lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch vẫn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Chốt kiểm dịch cấp tỉnh trên đường Ngô Quyền gần nút giao với quốc lộ 5 (TP Hải Dương) hoạt động 24/24 giờ

Lực lượng công an, quan đội, y tế, thanh niên... làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch là những mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Đoàn kết, trách nhiệm

Đêm xuống, khi mọi người chìm dần trong giấc ngủ thì ngoài kia các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, nhân viên y tế, đoàn viên thanh niên… vẫn đội mưa gió, sương lạnh để thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch (CKD).

23 giờ đêm, dưới ánh đèn đường hiu hắt, chúng tôi đi xe hướng về CKD cấp huyện ở đường dẫn cầu Hàn, thuộc địa phận xã Hồng Phong (Nam Sách). Thượng úy Đinh Xuân Quý (Công an huyện Nam Sách), tổ trưởng CKD tại đây chia sẻ đây là đêm thứ 3 anh làm nhiệm vụ. Chốt này trực 24/24 giờ, gồm 15 người, trong đó có 4 cán bộ, chiến sĩ công an, 3 người là bộ đội, 5 nhân viên y tế và 3 đoàn viên thanh niên. Họ chia nhau luân phiên trực 3 ca/ngày.

Tại đây, các chiến sĩ công an yêu cầu dừng tất cả các phương tiện, sau đó nhân viên y tế đo thân nhiệt từng người trong xe, cán bộ quân đội kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, hỏi lịch trình di chuyển, ghi chép thông tin vào sổ theo dõi, đoàn viên thanh niên tuyên truyền phòng chống dịch… Không ai bảo ai, mỗi người đều tận tụy thực hiện nhiệm vụ. 

Anh Hoàng Tuấn Tài đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách cho biết nếu phát hiện người có biểu hiện ho, sốt thì sẽ phải cách ly ngay theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Tại CKD cấp tỉnh ở đường Ngô Quyền giao với quốc lộ 5 (TP Hải Dương) lúc 22 giờ đêm 8.4, đại úy Nguyễn Doãn Đức (Trạm Kiểm soát giao thông Hải Dương), tổ trưởng chốt này cho biết công việc tuy vất vả nhưng tất cả mọi người cùng động viên nhau, cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Chị Trần Thị Diệu Linh (sinh năm 1995) là người trẻ nhất tại chốt nêu trên và chưa có gia đình. Chị Linh làm nhiệm vụ ghi chép thông tin vào sổ theo dõi. Chị chia sẻ vì là con gái nên hôm nào cũng được các anh đề nghị về sớm, nhưng với tinh thần trách nhiệm nên chị thường làm đến 0 giờ mới về.

Tại CKD xã Tuấn Việt (Kim Thành), ông Vũ Văn Thuế, Phó Trưởng thôn Bùng Dựa của xã này chia sẻ ông đã làm nhiệm vụ ở chốt 4 đêm, mặc dù đã 60 tuổi nhưng ông không quản ngại đêm hôm, mưa gió để thực hiện công việc.

Kiểm tra giấy tờ tùy thân người đi qua chốt kiểm dịch cấp huyện ở đường dẫn cầu Hàn (Nam Sách)

Vất vả, hiểm nguy

Công việc đã vất vả nhưng những người trực tại các CKD còn phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Trong các ca trực thì ca đêm là vất vả nhất. Những cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bị muỗi đốt, dễ bị cảm vì mưa, lạnh, mệt mỏi, buồn ngủ…

Họ còn phải đối mặt với rủi ro về lây nhiễm bệnh, bị lăng mạ, xúc phạm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đơn cử như hồi 20 giờ 25 ngày 6.4, tại CKD khu vực ngã ba Quán Gỏi (Bình Giang) trên quốc lộ 5, một nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ đo thân nhiệt thì bị hai thanh niên trên đường đi nhậu về đâm vào. Rất may nữ cán bộ y tế chỉ bị xây xước nhẹ.

Không phải ai cũng may mắn như nhân viên y tế nêu trên. Khoảng 7 giờ ngày 4.4, sau khi từ chốt trực về nhà, anh Hoàng Văn Tuấn (sinh năm 1995, ở khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân, TP Chí Linh) bị tai nạn giao thông chấn thương rất nặng. Anh Tuấn được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), tình trạng nguy kịch.

Một số CKD còn gặp sự chống đối của những người ý thức kém. Ngày 3.4, tại CKD thôn Tây An, xã Chí Minh (Tứ Kỳ), lực lượng làm việc tại đây nhắc nhở một trường hợp đeo khẩu trang nhưng đối tượng này không chấp hành và dùng lời lẽ thô tục lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, chống đối người thi hành công vụ. 

Anh Vương Văn Thịnh, Bí thư Đoàn xã Hồng Phong (Nam Sách) làm nhiệm vụ tại chốt đường dẫn cầu Hàn cho biết cũng lo lắng vì hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều người nên có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19. Nhiều hôm anh về nhà mà không dám gần vợ con.

Gian nan là vậy nhưng họ vui vì được nhiều tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành động viên, chia sẻ. Chị Trần Thị Diệu Linh cho biết ngày 3.4, một bác làm bảo vệ gần chốt chủ động pha nước chè mang ra cho các cán bộ, chiến sĩ uống để đỡ buồn ngủ. Hành động này làm cho mọi người cảm thấy rất ấm lòng giữa màn đêm lạnh lẽo.

THẾ ANH