12 ngày đêm phá “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Sài Gòn

Tin tức - Ngày đăng : 11:24, 14/04/2020

Ngày 9.4.1975, quân ta tiến công Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông bắc; ngày 21.4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở.

Ngày 9.4.1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 2.4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng đông bắc đã được mở

Cuối tháng 3.1975, khi quân địch thất thủ ở Tây Nguyên và các chiến trường Phan Rang, Phan Thiết rồi Chi khu Dầu Tiếng, Chơn Thành, Di Linh được giải phóng, đã hình thành nên vòng cung siết chặt, buộc quân địch phải co cụm lại và chúng quyết “tử thủ” tại cửa ngõ Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh cũ) để bảo vệ Sài Gòn.

Tuy nhiên, với khí thế “tiến công ào ào như thác đổ,” sau 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta, “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã được mở tung, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Khí thế tiến công ào ào như thác đổ

Ngày 28.3.1975, Tham mưu Trưởng lục quân Hoa Kỳ, tướng Weyand cùng phái đoàn quân sự Nhà Trắng vội vã đến Sài Gòn để bàn cách chống đỡ các mũi tiến công của quân ta.

Chúng đã chọn Xuân Lộc làm “tuyến phòng thủ thép” và tập trung rất lớn lực lượng với vũ khí hiện đại, trong đó có Sư đoàn bộ binh 18 với các chiến đoàn 43, 52, 48, Thiết đoàn 22 kỵ binh, tiểu đoàn biệt động, 9 tiểu đoàn bảo an được chi viện hỏa lực pháo binh, máy bay...

Về phía ta, ngày 2.4.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc.

Quân đoàn 4, dưới sự chỉ huy của Trung tướng Hoàng Cầm, được giao nhiệm vụ tiến công vào Xuân Lộc.

Bác Phạm Quang Thân (nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4; hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Long Khánh, Đồng Nai) bồi hồi: “Ngày 9.4.1975, tất cả các đơn vị nhận được lệnh tiến vào giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Lúc này cùng với nhân dân, các đơn vị bộ đội đánh đến đâu giải phóng đến đó, khí thế tiến công như một cơn lốc. Các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào Xuân Lộc, Long Khánh, đi đến đâu cũng được bà con chào đón, tiếp tế lương thực, thực phẩm.”

Bác Trần Văn Phú, nguyên chiến sĩ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh nhớ lại, sáng 9.4.1975, bộ đội chủ lực bắt đầu nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc.

Lúc bấy giờ, các đơn vị bộ đội địa phương cũng tiến lên, đánh từ trong đánh ra; người dân vùng lên, hỗ trợ, tiếp tế cho lực lượng bộ đội, đánh đến đâu tiếp quản đến đó.

Trong khí thế giằng co ác liệt, Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh “tử thủ” giữ Xuân Lộc-Long Khánh bằng mọi giá. Địch huy động toàn bộ lực lượng với máy bay oanh tạc, xe tăng, pháo và những loại vũ khí hiện đại nhất như bom CBU 55 (loại bom cháy có sức hủy diệt rất lớn), khiến quân ta thương vong khá lớn.


Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch

“Với vị trí chiến lược của Xuân Lộc-Long Khánh, quân địch xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Đối với quân ta, xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Chính vì vậy, chiến trường Xuân Lộc-Long Khánh trở thành chiến trường vô cùng ác liệt, địch sử dụng một lượng lớn vũ khí hiện đại và chống trả quyết liệt,” bác Phạm Quang Thân chia sẻ.

Nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được tiếp tế từ Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương thay đổi chiến thuật, đánh cắt ngang hướng từ Dầu Giây tới, chiếm cao điểm núi Thị, nhằm cô lập Xuân Lộc khỏi sự chi viện của địch từ hướng Tây.

Sau 12 ngày đêm tấn công toàn lực, đồng thời thực hiện cắt tiếp viện, quân ta đã đánh quân địch tan tác ra nhều nơi.

“Với khí thế tiến công ào ào như thác đổ, các mũi tấn công của quân ta đã làm chủ được trận địa. Tại địa phương, các đơn vị bộ đội cùng với bà con đánh từ trong đánh ra, khiến sỹ quan, binh lính nguỵ quân tháo chạy tán loạn, tìm đường thoát thân,” bác Trần Văn Phú nhớ lại.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta, đến sáng 21.4.1975, “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã được mở tung, quân ta đã giải phóng toàn bộ tỉnh Long Khánh, diệt trên 2.000 tên địch, bắt trên 2.700 tên khác, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí của địch.

"Đất thép" nở hoa

Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Long Khánh có 2 quận là Xuân Lộc và Định Quán. Sau giải phóng, đến năm 1991, tỉnh Long Khánh được tách thành 2 đơn vị cấp huyện gồm huyện Long Khánh (là TP Long Khánh hiện nay) và huyện Xuân Lộc.

Từ vùng đất bom đạn, mang nặng thương tích của chiến tranh, ngày nay huyện Xuân Lộc và TP Long Khánh (trực thuộc tỉnh Đồng Nai) đã và đang vươn mình phát triển thành những vùng đất trù phú, giàu nghĩa tình.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhân huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh trở thành hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

“Vùng đất thép” năm xưa nay đã là mảnh đất của hoa thơm, trái ngọt.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, từ thu nhập 1,5 triệu đồng/người/năm (năm 1991), đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Xuân Lộc đạt 63 triệu đồng/năm.

Huyện Xuân Lộc đã có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận GAP, trong đó có sầu riêng, chôm chôm, bưởi, tiêu, xoài...

Huyện cũng có 46 cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, 10 chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng.

Nông nghiệp của Xuân Lộc tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập của nông dân.

Nhiều vùng sản xuất tập trung đã đạt giá trị từ 300-500 triệu đồng/ha/năm.

Xuân Lộc là một trong 2 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận Huyện nông thôn mới vào năm 2014. Đến nay, Xuân Lộc là một trong những huyện được Trung ương chọn thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.

Hiện có 3/14 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Để đạt được những thành quả nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho rằng, ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt của địa phương trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, việc người dân cùng đồng sức, đồng lòng, cùng chung tay với chính quyền địa phương, đóng góp xây dựng quê hương có ý nghĩa rất lớn trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Đối với Long Khánh, sau 45 năm xây dựng và phát triển từ cấp huyện rồi lên thị xã và tháng 6.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập TP Long Khánh.

Từ một huyện nghèo, đến nay thu nhập bình quân đầu người của TP Long Khánh đã đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.

“45 năm qua là một bước tiến dài của quân và dân Long Khánh trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương. Long Khánh đã trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp và hiện đại với tương lại rộng mở,” cựu chiến binh Phạm Quang Thân phấn khởi cho biết.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng những ký ức về 12 ngày đêm kiên cường và anh dũng của quân và dân ta, của những người lính như các cựu chiến binh Phạm Quang Thân, Trần Văn Phú như vẫn còn nguyên vẹn.

Vào những ngày tháng 4 lịch sử này, những người cựu chiến binh năm xưa không quên nhắc đến đồng đội, những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, đã ngã xuống khi ngày giải phóng, ngày thống nhất non sông đang cận kề.

Tại hai nghĩa trang Long Khánh và Xuân Lộc có hàng ngàn liệt sỹ đang yên nghỉ. Vào những ngày tháng 4 lịch sử, đồng đội, người thân và chính quyền các cấp vẫn đến đây, bên các chú, các anh, để tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc, những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh thân mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, để “vùng đất thép” năm xưa cho hoa thơm trái ngọt như hôm nay.

Theo TTXVN