Mong ngóng gói hỗ trợ cho người khó khăn vì dịch

Xã hội - Ngày đăng : 12:02, 17/04/2020

Nhiều người dân đang mong gói hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ sớm được triển khai.

Do dịch Covid-19, bà Trần Thị Bảo ở phường Minh Tân (thị xã Kinh Môn) không thể đi nhặt ve chai để kiếm sống. Trong ảnh: Hội Phụ nữ phường Minh Tân hỗ trợ gạo cho bà Bảo 

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt xã hội, nhất là kinh tế và cuộc sống của người dân. Ngày 9.4, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn này. Để sự hỗ trợ này đến đúng đối tượng, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần làm tốt các bước, trong đó việc rà soát cần bảo đảm kịp thời, khách quan, trung thực.

Phấn khởi

Nghị quyết số 42/NQ-CP thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước với người dân và doanh nghiệp, cơ sở kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nghị quyết này được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, những người thuộc diện được hỗ trợ rất phấn khởi. Sức khỏe của bà Trần Thị Bảo, 51 tuổi, ở khu Bích Nhôi 1, phường Minh Tân (thị xã Kinh Môn) không tốt. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, thường ngày bà đi nhặt ve chai. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, bà Bảo gần như không còn thu nhập, cuộc sống trở nên chật vật. Bà Bảo cho biết: "Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì tôi không biết phải xoay xở ra sao để sống. Nếu dịp này tôi đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ thì sẽ bớt phần khó khăn hơn".

Những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng cũng vui mừng khi biết mình thuộc diện được nhận hỗ trợ sắp tới. Theo Nghị quyết 42/NQ-CP, đối tượng này được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng, thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và được chi trả 1 lần. Ông Vũ Ngọc Tới, 68 tuổi, ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) là thương binh đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Biết thông tin có chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với người có công với cách mạng trong dịp này, ông Tới rất vui. Bởi dịp này cuộc sống của gia đình chỉ còn trông chờ vào tiền trợ cấp thương binh hằng tháng của ông.

Làm gì để hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời?

Đến sáng 15.4, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP. Việc hướng dẫn sẽ sớm được cơ quan chức năng triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên tinh thần của Nghị quyết 42/NQ-CP, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có phương án chuẩn bị sẵn sàng. Đại diện Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết đã rà soát, nắm bắt đối tượng theo danh sách đang thực hiện chế độ chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng và hưởng chế độ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh để lên phương án khi thực hiện. Cùng với nhóm đối tượng này thì cơ quan chức năng cũng đã có danh sách quản lý những người có công với cách mạng đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Khó khăn nhất là việc rà soát những người thuộc diện lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Ông Trương Văn Lừng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương cho biết để nắm bắt những người lao động thuộc diện được hỗ trợ, thành phố đã có chủ trương rà soát chặt chẽ từ các khu dân cư. Sau khi rà soát sẽ niêm yết công khai danh sách những người đủ tiêu chuẩn ở từng khu dân cư. Khi được người dân đồng thuận mới lập danh sách hỗ trợ chính thức.

Như vậy để triển khai gói hỗ trợ dự kiến 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nhanh chóng vào cuộc. Việc rà soát phải thực hiện chặt chẽ từ các thôn, khu dân cư. Khi rà soát trường hợp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần phải sâu sát, khách quan, công bằng nhằm tránh tiêu cực dẫn đến việc trục lợi chính sách.

SONG THANH

Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đề cập đến 7 nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, trong đó có 5 nhóm đối tượng trực tiếp là người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, người nghèo và cận nghèo, người hưởng chế độ chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tính từ ngày 1.4 và không quá 3 tháng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng (thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6). Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Những người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31.12.2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/hộ/tháng. Nhóm người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ với mức trên trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6), theo hình thức hỗ trợ 1 lần.