Đìu hiu làng nghề

Kinh tế - Ngày đăng : 09:04, 18/04/2020

Do khó khăn trong nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề bị ngưng trệ, hàng nghìn lao động không có việc làm.

Xem clip

Từ Tết đến nay, xưởng gỗ của gia đình ông Lê Văn Bình ở làng nghề mộc Phương Độ, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) chưa có doanh thu

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các làng nghề ở nông thôn. Do khó khăn trong nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề bị ngưng trệ, hàng nghìn lao động không có việc làm.

Làng nghề mộc Phương Độ ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) nổi tiếng với các sản phẩm bàn, ghế gia dụng bằng gỗ. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các đầu mối ngừng nhận hàng, bàn ghế sản xuất ra phải xếp kho, các xưởng cho thợ nghỉ việc. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 1.4 đến ngày 15.4), việc sản xuất ở đây cũng dừng hẳn.

Bình thường, mỗi tháng xưởng sản xuất gỗ của gia đình bà Lê Thị Hoan ở làng nghề mộc Phương Độ bán được từ 20-30 bộ bàn ghế, thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Từ đầu tháng 3, hoạt động sản xuất của gia đình bà cũng chững lại. Tương tự, xưởng sản xuất bàn ghế gỗ của gia đình ông Lê Văn Bình đã dừng sản xuất từ nhiều tuần nay. Ông Bình cho biết từ Tết đến giờ, gia đình ông chưa thu được đồng nào, vì hàng giao chịu, bàn ghế ế ẩm do dịch hoành hành. Trong khi đó, ông vẫn phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Đây cũng là khó khăn chung của các hộ làm mộc ở làng Phương Độ, bởi từ đầu năm có đồng nào họ dồn mua gỗ hết, nhà ít thì bỏ vốn vài trăm triệu, nhà nhiều đến vài tỷ đồng. Giờ dịch bệnh, bàn ghế không bán được, gỗ cũng nằm đó. 

Chung tình trạng trên, ông Vũ Hữu Sơn, chủ cơ sở sản xuất bạc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (cùng huyện Bình Giang) cho biết khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu mua sản phẩm bạc giảm hẳn. Xưởng sản xuất của nhà ông nói riêng và các hộ khác ở làng nghề vàng bạc Châu Khê nói chung đều gặp khó khăn. Từ tháng 2, các sản phẩm bạc như nhẫn, vòng tay, khuyên tai, dây chuyền... đã rất khó bán. Giá nguyên liệu cũng tăng, thậm chí không thể nhập được. Nhiều xưởng trong làng cố gắng duy trì sản xuất nhưng sản lượng giảm. Có xưởng chuyển sang bán hàng online, giới thiệu mẫu, nhận đặt hàng qua mạng rồi trả hàng nhưng số lượng cũng không nhiều.

Ông Phạm Duy Cơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Châu Khê cho biết toàn thôn có khoảng 240 hộ với gần 800 khẩu, 95% số hộ trong thôn làm nghề chạm khắc vàng bạc. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây cũng từ nghề này. Từ tháng 3, hầu như các hộ làm nghề đều nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh. "Người lao động trong thôn hiện không có việc làm cũng chưa biết tính toán chuyển hướng sản xuất như thế nào, chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để mọi người quay trở lại sản xuất", ông Cơ nói.

Hiện nay, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) có 3 làng nghề ở các thôn An Xá, Đông Thôn, Trực Trì. Khi chưa có dịch Covid-19, các làng nghề thường xuyên có khoảng 100 hộ sản xuất, thu hút hàng trăm lao động làm việc. Từ đầu tháng 3 đến nay, hầu hết các hộ làm hương đều "án binh bất động", chỉ còn ít hộ sản xuất cầm chừng. Cơ sở sản xuất hương của gia đình anh Đàm Đức Lợi ở thôn Đông Thôn bình thường mỗi ngày có hơn 20 người làm việc, sản xuất từ 30 - 40 vạn nén hương, mang lại doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng. Hơn 1 tháng nay, nhà xưởng của gia đình anh cũng  cửa đóng then cài, sân phơi hương lâu ngày không sử dụng đã mọc rêu. Anh Lợi cho biết hương của nhà chủ yếu tiêu thụ tại TP Hà Nội. Từ khi có dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Sau khi xuất hiện bệnh nhân số 17 ở Hà Nội, xưởng nhà anh dừng hoạt động hẳn. Hiện nay, xưởng của anh Lợi còn tồn hàng tấn nguyên liệu và mấy trăm vạn nén hương, trị giá gần 1 tỷ đồng. Anh Lợi còn nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng. 

Trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, người dân các làng nghề mong muốn các cấp, các ngành sớm triển khai chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.

TRUNG NGA