Thời kỳ "thủ phủ ô tô" Detroit biến thành xưởng vũ khí lớn nhất thế giới

Tư liệu - Ngày đăng : 15:47, 18/04/2020

Ngành công nghiệp lớn nhất nước Mỹ đã chuyển từ sản xuất ô tô sang chế tạo máy bay ném bom, xe tăng và nhiều vũ khí khác, với tốc độ và quy mô chưa từng thấy.

Nhà máy sản xuất máy bay quân sự của hãng xe Ford tại "thủ phủ xe hơi" Detroit, bang Michigan

Dwight Eisenhower, Tư lệnh tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh, sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đôi giày của ông chạm xuống cát trong Chiến dịch Overlord, cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy (Pháp) năm 1944. Ngay sau khi đổ bộ, Tướng Ike đã đi thị sát bãi biển ngổn ngang những chiếc xe bị đạn xé nát. Bãi biển Normandy giống như một bãi phế liệu, nhưng cũng có thể là bằng chứng cho thấy phần thắng của cuộc chiến đã thuộc về lực lượng Mỹ nhờ những dây chuyền sản xuất vũ khí cách xa đó hàng ngàn dặm.

“Không có cảnh tượng nào trong cuộc chiến khiến tôi ấn tượng với sức mạnh công nghiệp của nước Mỹ như đống đổ nát trên bãi biển Normandy khi đó”, Eisenhower nhớ lại trong hồi ký.

Cuộc đổ bộ D-Day đã sử dụng khoảng 50.000 phương tiện các loại, hơn 5.000 tàu và gấp hơn hai lần con số đó là máy bay. Có xe tải đổ bộ, xe tăng, xe vận tải quân sự, xe bọc thép phóng lửa, xe jeep, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom. Không có thực thể nào có thể sản xuất số máy móc đó nhiều hơn ngành công nghiệp ô tô Mỹ, vào thời điểm Thế chiến thứ Hai.

Cùng nhìn lại thời kỳ Detroit trở thành công xưởng vũ khí lớn nhất thế giới.

William Knudsen là Chủ tịch của General Motors (GM), tập đoàn lớn nhất trong lịch sử, vào năm 1940 khi Tổng thống Franklin Roosevelt chỉ định ông đứng đầu chiến dịch sản xuất quân sự ở Mỹ. Chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD, ngay sau đó, tại Triển lãm ô tô New York, Knudsen đã có bài phát biểu quan trọng thắp sáng ngọn lửa công nghiệp Detroit. “Nửa đầu năm 1941 rất quan trọng”, ông Knudsen phát biểu, “Thưa các quý ông, chúng ta phải chế tạo vượt Hitler”.

Chú thích ảnh
William Knudsen (phải), Chủ tịch General Motors, gặp Tổng thống Franklin D. Roosevelt tại Nhà Trắng, tự nhận mức lương 1 USD để giúp chỉ huy nỗ lực sản xuất chiến tranh tại Detroit. Ảnh: AP

Nhờ những nỗ lực điều hành sản xuất quân sự, ông Knudsen trở thành một trung tướng Quân đội, và là người Mỹ dân sự đầu tiên, duy nhất, nhận vinh dự này. Từ Chủ tịch của tập đoàn ô tô GM, Knudsen trở thành người đã xây dựng các lực lượng vũ trang Mỹ thành một cỗ máy quân sự lớn nhất trong lịch sử.

Máy bay ném bom B-24 ra đời tại xưởng của Ford

Vào mùa Xuân năm 1941, vài tháng trước trận Trân Châu Cảng và sau khi chiến tranh bắt đầu ở châu Âu, Edsel Ford (con trai duy nhất của Henry Ford) và Charlie Sorensen, chuyên gia sản xuất hàng đầu của công ty, đã bắt đầu huy động dự án công nghiệp tham vọng nhất trong lịch sử cho đến thời điểm đó: một nhà máy có thể chế tạo ra máy bay ném bom lớn nhất, có sức tàn phá lớn nhất trong kho vũ khí Mỹ, B-24 Liberator, với tốc độ một chiếc mỗi giờ. Ford chưa bao giờ chế tạo máy bay ném bom bốn động cơ và các chuyên gia hàng không khẳng định họ không thể thực hiện được.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy ném bom Willow Run của hãng xe Ford. Đến năm 1945, Ford đã tung ra máy bay B-24 Liberators với tốc độ một chiếc mỗi giờ

Việc xây dựng nhà máy ném bom Willow Run bắt đầu vào mùa xuân năm đó và nơi này nhanh chóng trở thành nhà máy lớn nhất dưới cùng một mái nhà trên thế giới. Mục tiêu của Willow Run là áp dụng các nguyên tắc sản xuất tự động hàng loạt cho máy bay ném bom tốc độ 300 dặm/h, tải trọng 25.000kg (khi được nạp đầy vũ khí). Tờ Washington Post gọi là Willow Run là nhà máy sản xuất vĩ đại nhất mà thế giới từng thấy, trong khi Tạp chí Phố Wall gọi đó là "phép màu sản xuất của cuộc chiến".

Đến năm 1945, Ford đã thành công trong việc cho ra lò những chiếc Liberators với tốc độ 1 chiếc/giờ, chế tạo tổng cộng 8.685 chiếc B-24. Nhờ Ford, B-24 vẫn là máy bay quân sự Mỹ được sản xuất hàng loạt lớn nhất mọi thời đại.

Xe jeep: "Trung thành như một con chó, mạnh mẽ như một con la"

Vào năm 1940, Quân đội Mỹ đã yêu cầu các công ty xe hơi sáng tạo một thiết kế xe bốn bánh nhẹ (1 tấn trở xuống) có thể được sản xuất hàng loạt và về cơ bản thay thế những con ngựa đã tham chiến trong nhiều thế kỷ. Chiếc xe đó phải chinh phục tất cả các loại địa hình, và nó phải có khả năng mang tải trọng 300kg.

Ba công ty chế tạo các nguyên mẫu gồm Willys-Overland, Ford và Bantam. Cuối cùng, hai công ty Willys-Overland, Ford đã sản xuất 660.000 chiếc jeep một cách "chớp nhoáng".

Do hai mẫu xe của cả hai công ty phải sử dụng các bộ phận hoán đổi được cho nhau, chúng rất giống nhau. Thật kỳ diệu, chiếc xe jeep đầu tiên mà Ford chế tạo - chiếc GP Pygmy số 1 - đến nay vẫn còn tồn tại, nó được trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ ở Huntsville, Alabama.

Chú thích ảnh
Một chiếc xe jeep của Bantam vượt qua địa hình gồ ghề. Ảnh: Getty

Ngày nay xe jeep được gọi là "ông nội" của tất cả các xe SUV. Phóng viên chiến tranh Thế chiến II nổi tiếng Ernie Pyle đã viết về xe jeep: “Ơn Chúa Lòng lành, tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục cuộc chiến mà không cần xe jeep. Nó làm mọi thứ. Nó đi khắp nơi. Nó trung thành như một con chó, mạnh mẽ như một con la và nhanh nhẹn như một con dê”.

Chrysler chế tạo dàn xe tăng

Năm 1940, William Knudsen gọi điện cho K.T. Keller, GIám đốc điều hành hãng xe Chrysler, hỏi rằng liệu Chrysler có thể chế tạo xe tăng không. “Tôi chưa tưởng tượng được điều đó”, Keller đáp.

Ngay sau đó, Chrysler đã khởi công xây dựng Nhà máy xe tăng Detroit, nằm ở vùng ngoại ô Warren. Mục tiêu của dự án là chế tạo các loại xe tăng, thứ chưa từng được hoàn thành trước đây.

Ngay cả trước khi nhà máy được xây dựng xong, chiếc xe tăng Chrysler M3 đầu tiên đã lăn khỏi dây chuyền lắp ráp. Các bức tường của nhà máy thậm chí còn chưa được dựng lên, vì vậy các kỹ sư đã mang đầu máy hơi nước vào để giữ ấm cho công nhân trong mùa Đông khắc nghiệt 1940-41.

Khi nhà máy mở rộng lên gần 400.000 mét vuông, công ty chuyển sang sản xuất xe tăng M4 Sherman, có động cơ được cung cấp bởi Frankenstein. Các kỹ sư đã lấy 5 động cơ sáu xi-lanh, vốn được sử dụng trong những chiếc xe Chrysler Royal và Windsor trước chiến tranh và hàn chúng lại với nhau thành một động cơ 30 xi-lanh có công suất 425 mã lực cho xe tăng.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc bên dây chuyền lắp ráp xe tăng tại một nhà máy của Chrysler. Ảnh: Getty Images

Cuối cùng, nhà máy Detroit Arsenal đã chế tạo ra nhiều xe tăng hơn tất cả xe tăng mà Đức sản xuất trong những năm chiến tranh - những chiếc xe tăng của họ gầm rú qua các chiến tuyến quân địch suốt chặng đường tới sào huyệt Hitler tại Berlin.

'Vịt' đổ bộ

Có lẽ điều phi thường nhất trong tất cả các sáng tạo thời Thế chiến II của Detroit là một phương tiện kỳ ​​lạ có thể đi trên mặt nước.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1942, khi các kỹ sư GM phối hợp với một kiến ​​trúc sư hàng hải và một số sĩ quan quân đội để giải quyết một vấn đề quan trọng. Quân đội đã lên kế hoạch cho các đổ bộ khổng lồ, cực kỳ nguy hiểm và sẽ không có các cơ sở cảng phục vụ. Chẳng mấy chốc, một bản phác thảo trên giấy cho một chiếc xe có thể phóng từ tàu, tách sóng bằng sức mạnh chân vịt, sau đó chạm đất và lái đi với tốc độ 50 dặm/giờ, trên sáu bánh xe, đã ra đời.

Tên kỹ thuật của xe là DUKW (theo mã đặt tên của GM) nhưng nó thường được gọi thân mật là “Duck” (Vịt). GM đã chế tạo hơn 21.000 chiếc "Duck" cho chính phủ với chi phí 10.800 USD/chiếc.

Chú thích ảnh
Chiếc xe đổ bộ "Vịt", được thiết kế và chế tạo bởi GM, hoạt động cả trên mặt nước và đất liền. Ảnh: Getty

Với chiều dài 9,5 mét, “Vịt” có thể mang trọng tải hơn 2.270kg. Từng cặp “Vịt” được ghép lại với nhau để làm tàu đổ bộ cho xe tăng. Chiếc xe đã tạo ra dấu ấn đáng chú ý nhất trong cuộc đổ bộ Normandy. Theo Bảo tàng Vận tải Quân đội Mỹ, khoảng thời gian từ D-Day vào ngày 6.6.1944 đến 8.5.1945, những chú “Vịt” đã vận chuyển trên 5 triệu tấn hàng hóa đến lục địa châu Âu.

Những đóng góp bí mật của Chrysler cho bom nguyên tử

Người đi bộ qua Đại lộ Woodward ở Detroit vào năm 1943 có thể đã nhận thấy điều kỳ lạ về một nơi bỗng được tăng cường an ninh xung quanh tầng 1 của một cửa hàng bách hoá bỏ hoang. Trên thực tế, đó là nơi các kỹ sư của Chrysler thiết lập văn phòng của dự án mật X-100, và đặc vụ FBI liên tục tuần tra quanh cơ sở.

Công việc rất bí mật, không ai trong số các kỹ sư làm việc tại đây hiểu hết về dự án họ tham gia. Chỉ những giám đốc điều hành hàng đầu tại Chrysler mới biết rằng công ty đang giúp chế tạo bom nguyên tử.

Chú thích ảnh
Quả bom nguyên tử mang mật danh "Little boy" (Cậu bé) khi được đưa vào khoang bom của máy bay. Ảnh: Getty Images

Tại phòng thí nghiệm trên Đại lộ Woodward đó, các kỹ sư của Chrysler đã thiết kế các bộ khuếch tán bằng kim loại hình trụ, bộ phận không thể ăn mòn trong quá trình tách uranium-235 từ uranium-238 tại nhà máy nguyên tử Oak Ridge bí mật của quân đội ở bang Tennessee. Đến năm 1944, hàng ngàn công nhân tại nhà máy của Chrysler đã tham gia chế tạo 3.500 máy khuếch tán này. Theo Tổ chức Di sản nguyên tử, những bộ khuếch tán này được thiết kế rất tốt, chúng không chỉ là công cụ để chế tạo quả bom "Little Boy" được thả xuống Hiroshima, mà vẫn được sử dụng cho đến những năm 1980.

Vai trò khổng lồ của General Motors

Vào thời điểm xảy ra trận Trân Châu Cảng, General Motors đã lấn át mọi tập đoàn khác trên thế giới. Và đến cuối cuộc chiến, GM đã trở thành nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm hơn 12 tỷ USD sản xuất chiến tranh. Xe tăng đã được đưa ra khỏi nhà máy Cadillac của GM, nơi một số chiếc xe sang trọng nhất được chế tạo chỉ vài năm trước đó. Oldsmobile cung cấp khoảng 40 triệu quả đạn pháo. Còn Pontiac chế tạo súng phòng không Oerlikon rất phức tạp.

Chú thích ảnh
Một công nhân kiểm tra các vỏ đạn pháo tại nhà máy của GM. Ảnh: Tư liệu GM

Số lượng sản xuất thời Thế chiến II của GM đã kể một câu chuyện: 119.562.000 quả đạn pháo; 39.181.000 hộp đạn; 206.000 động cơ máy bay; 13.000 máy bay chiến đấu và máy bay thả ngư lôi của Hải quân; 97.000 cánh quạt máy bay; 301.000 con quay hồi chuyển máy bay; 38.000 xe tăng và tàu khu trục; 854.000 xe tải; 190.000 đại bác; 1,9 triệu súng máy và súng tiểu liên; 3,1 triệu khẩu carbines; 3,8 triệu mô tơ điện; 11 triệu cầu chì; 360 triệu vòng bi; 198.000 động cơ diesel; và nhiều hơn nữa.

Theo TTXVN