Nóng bỏng địa cầu thời Covid -19
Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 19/04/2020
Phun thuốc khử khuẩn các cửa hàng ven đường tỉnh 392B qua thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện) sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên (ngày 18.3)
Lịch sử thế giới đã ghi lại, cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kéo dài 5 năm cũng chỉ lan ra khoảng 10 nước, làm chết 10 triệu người. Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945) kéo dài gần 7 năm cũng chỉ có trên 70 quốc gia bị ảnh hưởng, làm 60 triệu người chết, 90 triệu người bị thương. Tính cả hai cuộc thế chiến tàn khốc cũng chỉ mới xảy ra ở 80 nước, bằng già một phần ba đại dịch Covid-19 trong khi đại dịch này mới diễn ra có hơn 3 tháng. Tính đến ngày 16.4, trên thế giới đã có 210 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh với hơn 2 triệu ca mắc, trong đó hơn 134.000 người chết. Đành rằng hai cuộc đại chiến thế giới làm chết và thương vong hơn trăm triệu người, tàn phá không biết bao nhiêu thành phố, làng mạc, nhà máy, công trình văn hóa... nhưng hiểm họa mà Covid-19 đem đến cũng nguy hiểm không kém. Với sự lây lan nhanh, nếu không ngăn kịp thời thì số người mắc bệnh và bị chết sẽ tăng chóng mặt. Sự tàn phá của nó cũng không thể lường hết, khủng khiếp vô cùng.
Chưa lúc nào nhân loại phải gồng mình lên để chống dịch Covid-19 như những tháng đầu năm 2020 này. Chưa lúc nào chính phủ các nước phải từng giây, từng phút tìm giải pháp chống dịch căng thẳng như vậy. Covid-19 là kẻ thù nguy hiểm bởi nó là “siêu kẻ thù", mắt thường không nhìn thấy được. Nó tấn công vào các quốc gia từ nước hàng tỷ dân đến nước chỉ dưới một triệu người, từ nước giàu mạnh đến nước nghèo, từ nước rộng mênh mông đến quốc gia nhỏ hẹp. Mọi loại vũ khí tối tân, kể cả bom nguyên tử cũng không làm gì được. Tiền của vàng bạc không mua chuộc được nó. Nó sẵn sàng tấn công vào mọi chủng tộc, mọi màu da, mọi người, mọi lứa tuổi, kể cả trẻ con, cụ già, người đẹp, người tài năng cho đến người giàu, người có chức quyền...
Dịch Covid-19 tuy mới diễn ra hơn ba tháng nhưng đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới. Cứ đà này, nếu không nhanh chóng dập dịch thì thế giới sẽ ra sao? Bao nền kinh tế suy thoái? Bao cơ sở kinh tế phá sản? Bao nhiêu người mất việc làm và không có thu nhập? Bao hoạt động xã hội bị đình trệ? Đời sống con người sẽ ra sao?... Chính vì thế mà cả thế giới phải lao vào chống dịch. Toàn cầu phải thành một cỗ máy lớn để dập dịch Covid-19. Nước Mỹ đã sớm ban bố lệnh khẩn cấp chống dịch. Triều Tiên công bố lệnh cách ly để ngăn bệnh. Ý treo cờ rủ mặc niệm hơn một vạn người đã chết vì Covid-19 ở nước này và ra lệnh đóng cửa hầu hết các cơ sở hoạt động. Ai Cập, Iran... đều có lệnh giới nghiêm. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất phạt nặng người nào không tuân theo quyết định phòng dịch. Pháp đóng cửa thủ đô Pari và hầu hết các cửa hàng, đồng thời phạt 130 euro nếu người nào vi phạm. Nga hô hào các cơ quan chuyển sang làm việc online. Thủ đô Matxcova có lệnh cấm mọi người ra đường. Tổng thống Putin kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch. Vương quốc Anh thành lập trung tâm điều phối chiến lược ở các cấp, thực hiện giãn cách xã hội. Toàn bộ nước Anh đặt trong tình trạng khẩn cấp. Hàn Quốc khi có dịch đã tiến hành xét nghiệm rộng. Cơ quan truyền thông tuyên bố: “Hàn Quốc bắt đầu cuộc chiến chống dịch Covid-19, đặt tất cả các cơ quan chính phủ trong tình trạng báo động 24 giờ”. Châu Âu ngày 16.3 đã đề xuất cấm du lịch 30 ngày. Các nước khu vực ASEAN như Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan đều cấm các cuộc tụ tập đông người. Lễ hội té nước cổ truyền của người Thái cũng không được tổ chức. Các nước đều nỗ lực tìm thuốc điều trị.
Thực hiện sàng lọc mẫu trước khi xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Có lẽ chưa bao giờ nhân loại có ý thức về sự sống còn của con người như lúc này. Cũng vì thế mà cũng chưa lúc nào các dân tộc, các quốc gia biết xích lại gần nhau như thời Covid-19!
Việt Nam, khách quan mà nói, là một chiến sĩ dũng cảm, sáng tạo trong cuộc chiến chống Covid-19. Giặc Covid-19 bắt đầu vào nước ta ngày 15.1. Giặc đã đến nhà, không thể chần chừ. Chính phủ lập tức tổ chức “kháng chiến” không tiếng súng với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”. Phương châm chiến lược được đặt ra là “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”. Rõ ràng mười chữ ấy thuộc về 5 bước, 5 việc lớn với mức độ từ thấp đến cao, từ phòng thủ đến đánh thắng. Kịch bản tổng thể của cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 đã sớm được ban hành. Bộ Chính trị nhanh chóng họp bàn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch Covid-19. Hàng loạt biện pháp hữu hiệu được tiến hành như lập các đội phản ứng nhanh để xử lý các tình huống khẩn cấp khi có dịch. Một cuộc diễn tập của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế được tổ chức với những tình huống giả định đất nước có khoảng 30.000 ca nhiễm Covid-19. Đội quân y tế trở thành chủ lực trực tiếp “chiến đấu” với bệnh. Quân đội, Công an sẵn sàng vào cuộc đón những người từ vùng dịch về nước, tổ chức giữ an ninh trật tự, thực hiện cách ly; kịp thời phát hiện những kẻ tung tin thất thiệt làm hại đến công cuộc chống dịch Covid-19... Các cơ quan truyền thông liên tục đưa thông tin về dịch bệnh, tuyên truyền và làm công tác tư tưởng cho toàn dân yên tâm, tin vào sự tất thắng của cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như phản bác, ngăn chặn những luận điệu sai trái, có hại đến Nhà nước và nhân dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các cấp chỉ đạo cả hệ thống trường học từ mầm non đến đại học trong cả nước tạm thời nghỉ học, tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến, tinh giản chương trình học. Các lễ hội trên cả nước suốt mấy tháng qua đều dừng. Các điểm du lịch không mở cửa. Hạn chế các chuyến bay chở khách đi các nước và cả ở trong nước. Các cơ quan, công sở, hành chính chuyển sang họp trực tuyến, làm việc online. Nhà nước chủ động ngăn chặn việc tăng giá hàng hóa, chống đầu cơ tích trữ, lo dự trữ gạo và hàng hóa thiết yếu đủ dùng cho nhân dân trong nước. Hàng loạt bệnh viện dã chiến được tạo lập phục vụ việc cách ly.
Cùng với cơ sở vật chất được phục vụ chu đáo, những người cách ly còn được chuẩn bị những suất ăn miễn phí, chăm sóc sức khỏe hằng ngày. Chính phủ đã hỗ trợ giãn thuế, giảm bớt lãi suất vay, cấp bách giải ngân hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, gia đình, người lao động... bị ảnh hưởng nặng do Covid-19. Ngày17.3.2020, Ủy ban MTTQ tổ chức phát động phong trào ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19... Không thể kể hết được những việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa của Đảng, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, chính quyền trong cuộc chiến chống dịch. Bởi vậy nên nhân dân cả nước luôn đoàn kết, tin tưởng và hành động theo sự chỉ đạo của chính quyền. Rất nhiều việc làm tốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã xuất hiện. Chẳng hạn như nhiều cụ già dù hoàn cảnh gia đình chẳng khấm khá nhưng cũng góp tiền, góp gạo. Có người tự bỏ tiền túi mua nguyên liệu may khẩu trang để phát miễn phí cho người đi đường. Có người nấu cơm miễn phí mang cho các bác sĩ ở bệnh viện, cho người trực tại các chốt kiểm dịch. Rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ quỹ hàng tỷ đồng để phục vụ cho công cuộc chống dịch Covid-19 còn dài ngày và cam go. Hàng triệu người dân nhắn tin ủng hộ Quỹ chống Covid-19. Bà con Việt kiều những lúc này đều hướng về Tổ quốc, vừa bảo nhau thực thi tốt việc chống dịch ở chính đất nước mình đang sống, vừa ủng hộ bà con quê nhà bằng tiền của, vật chất để chống dịch. Nhiều bài hát được sáng tác kịp thời tuyên truyền, động viên tinh thần chống dịch trong cả nước. Cùng với đó là hàng trăm bài thơ in trên báo, đăng trên mạng xã hội nhằm ca ngợi tinh thần chống dịch của cả nước.
Trong lúc tôi ngồi viết những dòng này thì ngoài kia, chiếc loa công cộng vẫn rành rọt tuyên truyền các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Thực hiện chủ trương này, đường tỉnh chạy qua phường tôi ở gần đây vắng ngắt. Chợ chỗ tôi vốn to và đông đúc nay cũng vắng khách. Đường trong xóm ít có người đi lại. Ra đường ai cũng mang khẩu trang, mũ đội kín mít, chỉ còn nhận ra nhau ở cái dáng người. Lối vào làng và cổng chợ đều kê bàn, có nhân viên làm nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn. Hàng chục xe taxi mọi hôm vẫn đậu chờ khách ở ngã tư cây xăng hôm nay làm theo chỉ thị cũng không xuất hiện nữa... Một không khí yên tĩnh bao trùm lên tất cả. Đó là điều đáng mừng của miền quê trong một quốc gia còn giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Đó cũng chính là điều để tôi tin rằng Tổ quốc ta sẽ sớm hết dịch, sẽ chiến thắng giặc Covid-19 như cách đây 45 năm chúng ta đã thắng giặc Mỹ xâm lược. Lúc đó chúng ta sẽ hân hoan khôi phục lại những thiệt hại do Covid-19 gây ra trong mấy tháng qua. Quanh bàn trà, chắc chúng ta sẽ bình tĩnh nhìn nhận lại đất nước mình, dân tộc mình. Rộng hơn là đặt lại những quan niệm về con người với tự nhiên, về con người với con người trong phạm vi cá nhân và phạm vi toàn cầu. Covid-19 sẽ bị đánh bại. Bài học thức tỉnh của nhân loại đã được hình thành.
Bút ký của VĂN DUY