Lấp lánh hình ảnh những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:04, 19/04/2020

Có lẽ chưa bao giờ trong thi ca, hình ảnh người chiến sĩ và người thầy thuốc lại xuất hiện đồng hành, gắn bó như những ngày chống dịch Covid -19 này.

Có lẽ chưa bao giờ trong thi ca, hình ảnh người chiến sĩ và người thầy thuốc lại xuất hiện đồng hành, gắn bó như những ngày chống dịch Covid -19 này. Vẻ đẹp của người chiến sĩ áo trắng hiện lên thật lộng lẫy, kỳ vĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Chính hiện thực đời sống đã góp phần làm nên một mạch ngầm tuôn chảy giữa dòng sông thi ca của văn chương nước Việt. Trong bài viết nhỏ này, tôi xin điểm qua những vần thơ ngợi ca, cổ vũ mà các nhà thơ chuyên nghiệp cũng như các tác giả thơ không chuyên viết về người lính và người thầy thuốc trên các báo chí chính thống hay trên các trang mạng xã hội. Thơ họ hướng về đại chúng nên giản dị và chân thành cảm xúc, qua đó khơi gợi niềm tin và tinh thần “Chống dịch như chống giặc” mà suốt thời gian qua Chính phủ và toàn dân đã cố gắng thực hiện, quyết tâm chiến thắng trong cuộc chiến không tiếng súng này.

Quả vậy, trong những vần thơ vừa hào sảng, vừa nhân văn viết về mùa đại dịch Covid-19, có lẽ mạch cảm xúc về những con người nơi tuyến đầu chống dịch dễ làm chúng ta xúc động hơn cả. Các nhà thơ chuyên nghiệp và những cây bút không chuyên hầu như đều cất lên tiếng nói trữ tình để động viên và ngợi ca những con người đẹp nhất, quả cảm nhất lúc này. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen có hẳn một chùm thơ viết về người chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch và người thầy thuốc áo trắng ngày đêm túc trực với bệnh nhân: "Lá thư gửi vợ hiền ở hậu phương", "Tâm sự người vợ lính nơi tuyến đầu", "Bếp củi của mẹ", "Những anh hùng áo trắng"… Mỗi bài thơ của chị là một nỗi niềm, một tâm sự, một cảm xúc đã được hóa thân thành tình yêu, lòng cảm phục và sự biết ơn sâu nặng đối với những con người can trường nơi tuyến đầu chống dịch.“Chống dịch trận này vất vả phải không anh?/ Kiểm soát đường mòn/ Tăng cường chốt chặn/ Phòng độc khử trùng/ Chăm sóc người nhập cảnh/ Anh ở tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh” (bài "Tâm sự người vợ lính nơi tuyến đầu"). Ở đó, có tâm sự người lính với nỗi nhớ nhà khi nhìn khói bếp chiều qua kẽ lá; có nỗi nhớ mẹ, cha, con thơ, vợ trẻ ở hậu phương nhưng chưa thể về thăm. Với người lính là vậy, người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch cũng hiểm nguy không kém, tác giả Nguyễn Thị Kim Sen đã dành những tình cảm khâm phục và yêu kính trước những “anh hùng áo trắng”: “Đêm nay tôi nằm đây/ Nghe tiếng nói rất gần/ Rất thân thương của những anh hùng áo trắng/ Nhân dân hãy ngủ yên/ Đã có chúng tôi canh giấc/ Cho những bệnh nhân trong cuộc chiến sống còn” (bài "Những anh hùng áo trắng"). Xuất phát từ tình cảm chân thành, trách nhiệm công dân trước những gian nan, thử thách mà đất nước phải đối mặt và vượt qua lúc này nên những vần thơ của nhà giáo Nguyễn Thị Kim Sen trên trang facebook cá nhân được cộng đồng mạng chia sẻ và yêu thích rất nhiều.

Cùng với cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen, cô Chu Ngọc Thanh, thầy Lương Đình Khoa cũng có những vần thơ đầy cảm xúc khi ca ngợi những tấm lòng yêu thương, san sẻ cho nhau trong những ngày dịch bệnh. Tác giả Chu Ngọc Thanh với cái nhìn đầy trách nhiệm công dân đã viết bài thơ “Đất nước ở trong tim” được nhiều người khen ngợi, trong đó xúc động nhất là những dòng thơ: “Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan/ Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại/ Bộ đội vào rừng chịu nắng sương dầm dãi/ Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường”. Theo tác giả, đó là bài ca sự sống, ngợi ca tình người trong gian khó nguy nan để làm nên tình yêu Tổ quốc. Tác giả Lương Đình Khoa bằng cái nhìn lạc quan hơn đã chắc chắn rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi nhưng tình người thiết tha vẫn đọng lại. Đặc biệt, với những người nơi tuyến đầu chống dịch, tác giả đã có những vần thơ cảm động đến rưng rưng nước mắt: “Giấc ngủ vội, manh chiếu cói trên sân/ Thở qua khẩu trang áo quần bảo hộ/ Anh nằm đó, chị nằm đó/ Sau những chuyến xe đêm mệt nhoài phụng sự/ Những chuyến xe mang nặng nghĩa đồng bào” (bài "Dịch bệnh rồi sẽ qua, những bài ca ở lại").

Ngoài ra, có thể kể đến các tác giả Nguyễn Trọng Đồng, Lê Anh Phong, Lê Chí, Huỳnh Thúy Kiều… đều có những vần thơ chứa chan cảm xúc khi viết về những con người dấn thân trong môi trường hiểm nguy để bảo vệ cho người bệnh trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Tình cảm, cảm xúc của họ được nâng lên thành ý thức và trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc mến yêu bằng những thông điệp lớn lao mang cảm hứng sử thi hào sảng. Nhà thơ Lê Anh Phong đã có bài thơ “Nghĩ về con từ khu cách ly dập dịch” rất cảm động. Đó là tình cảm của một người mẹ làm nghề y nhớ con thơ mà không sao về được khi phải đang chịu cách ly để chữa bệnh cho mọi người. Đứa con thơ dại chưa tròn tuổi phải bỏ bú mẹ nửa chừng: “Chợt thảng thốt/ Sữa căng lên bầu vú/ Thảng thốt từng cơn/ Nỗi thương nhớ dồn lên/ “Cách ly” mẹ, nhớ ngoan nhiều con nhé/ Trong cuộc chiến chống dịch này… có cả công con!” (bài "Nghĩ về con từ khu cách ly dập dịch").

Còn rất nhiều tác giả đã viết, đang viết và sẽ viết về đề tài đại dịch Covid-19 bằng những vần thơ chắt ra từ máu tim mình để ngợi ca những gì tốt đẹp, thiện lương, những con người hy sinh thầm lặng trên đất nước ta mà với bài viết nhỏ này không thể nào bao quát hết.

​ LÊ THÀNH VĂN