Những cánh cửa mở ra trong mùa dịch với các vận động viên
Quốc tế - Ngày đăng : 19:19, 19/04/2020
Một trong số đó là Chaunte Lowe - VĐV nhảy cao người Mỹ từng 4 lần tham dự Olympic. Lowe đang căng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú để hi vọng có thể trở lại ở Olympic Tokyo diễn ra vào năm 2021.
Chiến đấu với ung thư để đến Olympic
Hai năm trước, khi ở tuổi 34 và sự nghiệp đã bước qua sườn dốc, cảm thấy có một khối u nhỏ ở phần ngực của mình, Lowe đi khám bác sĩ. Vị bác sĩ đầu tiên đã khẳng định với Lowe khối u này hoàn toàn vô hại và "không muốn gặp lại cô trong 6 năm tới".
Nhưng càng ngày Lowe càng cảm thấy bất an, cô tiếp tục đeo đuổi tìm ra sự thật. Cuối cùng, một năm sau, Lowe được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú bộ ba âm tính - một dạng ung thư đặc biệt phát triển rất nhanh và nguy hiểm với phụ nữ gốc Phi.
Tổ bác sĩ làm việc lần thứ hai với Lowe khẳng định nếu phát hiện sớm, câu chuyện đã rất đơn giản và cô chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng phóng xạ. Nhưng giờ đây, Lowe phải hóa trị và cắt bỏ phần vú. Điều đó cũng gần như là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một VĐV đã bước qua tuổi 35. Thậm chí khi dịch COVID-19 bùng phát, Lowe còn bị xếp vào nhóm người dễ bị tổn thương.
Dù vậy, Lowe không quá oán trách vị bác sĩ đầu tiên. Bà mẹ ba con này đối mặt với căn bệnh quái ác bằng thái độ tích cực hơn nhiều người tưởng. "Tôi có thể sẽ sợ hãi và có nhiều nỗi lo mà những VĐV khác không có. Nhưng một khi bạn đã đặt cả cuộc đời mình vào chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, và có những ước mơ đến Olympic để đại diện cho gia đình, đất nước của bạn, thật khó khăn để tách rời nó ra khỏi cuộc sống của bạn" - Lowe nói.
Sau một năm điều trị, sức khỏe của Lowe ngày càng tốt hơn và cô khẳng định mình đang trên con đường trở lại với thể thao. Nếu Olympic Tokyo diễn ra như kế hoạch ban đầu vào mùa hè năm 2020, Lowe chẳng có hi vọng nào, nhưng bây giờ đại hội này đã bị hoãn lại một năm.
Tham vọng hiện diện tại kỳ Olympic thứ 5 của Lowe vì thế vẫn cháy bỏng. Và bây giờ Lowe muốn giành vé đến Nhật không chỉ vì tham vọng cá nhân của cô mà còn vì những thông điệp liên quan đến sức khỏe. Ung thư hay dịch COVID-19 không hề là dấu chấm hết với những VĐV giàu nghị lực.
Tranh thủ học hành
Những VĐV đang dở dang việc học cũng có thể tranh thủ sự đình trệ của thể thao thế giới để hoàn tất việc học của mình. "Dịch COVID-19 cho chúng ta thấy sự nghiệp của các VĐV mong manh đến thế nào. Nếu bị ám ảnh quá nhiều bởi một công việc và rồi nó bị thách thức bởi những thứ như dịch bệnh, chúng ta sẽ gặp vấn đề về tinh thần. Về lâu dài, việc cam kết với sự nghiệp thể thao là không bền vững" - chuyên gia nghiên cứu việc làm Emily Cartigny nói.
Hiệp hội bóng bầu dục, bóng bầu dục kiểu Mỹ và cricket (môn chơi gần giống bóng chày) là những tổ chức thể thao thế giới quan tâm đặc biệt đến tình trạng học vấn của các VĐV. Dưới sự vận động không ngừng của các tổ chức này, số lượng các VĐV đăng ký những khóa học đại học hoặc học những ngành nghề khác đã tăng từ 43% lên 57% trong vòng 10 năm qua.
Ở thời điểm nhiều hoạt động phải ngưng vì dịch bệnh, các VĐV chuyên nghiệp vẫn có thể tham gia những khóa học online. Câu lạc bộ cricket nổi tiếng Middlesex của Anh cho biết sẽ có đến 4 cầu thủ của họ hoàn tất việc học đại học sau khi kết thúc dịch.
Với các VĐV đỉnh cao ở phương Tây, việc sở hữu những tấm bằng đại học - thậm chí từ những đại học danh giá - là chuyện khá quen thuộc. Thống kê cho thấy có đến 80% VĐV Mỹ tham dự Olympic 2016 là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp ĐH, nhiều VĐV của họ còn có học thức cao như VĐV nhảy cao Chaunte Lowe từng tốt nghiệp Học viện Công nghệ Georgia trước khi lấy bằng thạc sĩ.
Trong giới cầu thủ, chuyện này cũng không hiếm. Điển hình như trung vệ người Tây Ban Nha Gerard Pique còn có bằng thạc sĩ kinh doanh của Đại học Harvard.
Theo Tuổi trẻ