Cần có quy định đặc thù để triển khai đầu tư theo phương thức công tư
Kinh tế - Ngày đăng : 15:43, 20/04/2020
Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ảnh minh họa
Sáng 20.4, sau khai mạc phiên họp thứ 44, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư (PPP).
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đến nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật song cũng đồng tình có những quy định đặc thù để khi triển khai PPP một cách hợp lý và thu hút được đầu tư.
Về áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3), PPP liên quan đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài, do đó phải chỉ rõ ra đâu là đặc thù, xung đột thì áp dụng điều luật nào, có dẫn chiếu. Do đó cần quy định cụ thể, chặt chẽ, từ đó đặt ra yêu cầu phải rà soát mặc dù mất nhiều thời gian.
Điều 5 về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP vẫn tiếp tục theo hướng thu gọn lĩnh vực và khẳng định nguyên tắc là chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước phải thực hiện nhưng doanh nghiệp không làm hoặc không đủ sức làm mới áp dụng hình thức PPP có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua: giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư...
Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kết hợp hai phương án. Đối với dự án giáo dục y tế, dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì mức tối thiểu là 100 tỷ đồng, còn ngoài khu vực này là 200 tỷ đồng.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 19), chỉ có 1 phương án bảo đảm vừa nâng cao trách nhiệm người thẩm định, người ra quyết định đầu tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chỉ điều chỉnh khi sử dụng hết nguồn dự phòng rồi mà quy mô dự án tăng thêm trên 10%, đồng thời phải có quy định mức trần...
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhằm thu hút đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình sẽ có cơ chế chia sẻ rủi ro nhưng với điều kiện chia sẻ khi tăng, giảm kết quả sản xuất kinh doanh, hoặc giảm doanh thu khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh thì có chia sẻ.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc cần tiếp tục rà soát lại thêm một số điều; cân nhắc phương án do nhà đầu tư đề xuất; đề nghị có quy định quy trình tiếp nhận vấn đề quản lý Nhà nước đối với tài sản mà Nhà nước bỏ ra...
Theo TTXVN