Phi đội Quyết Thắng và trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất: Bài 3: Những người hùng thầm lặng

Tin tức - Ngày đăng : 16:13, 20/04/2020

Để có được trận đánh bom “để đời” vào Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28.4.1975, phía sau những phi công anh hùng là một đội ngũ kỹ thuật tài năng, được tuyển chọn gấp rút cho kế hoạch lấy máy bay địch đánh địch.



Phục hồi tiêm kích Mỹ

Chú thích ảnh
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ giới thiệu về thiết bị điều khiển bay và cách thức ném bom của máy bay A-37

Khi chúng ta giải phóng Đà Nẵng, sân bay nơi đây còn một số máy bay do địch để lại, tuy nhiên gần như tất cả đều hư hỏng nặng, không còn chiếc nào sử dụng ngay được.

Ông Ngô Anh Tuấn, kỹ sư động cơ máy bay, thành viên “Đội đặc nhiệm kỹ thuật" không quân phục vụ Phi đội Quyết Thắng vẫn nhớ khá rõ về những ngày tháng không thể quên đó.

“Lúc đó, tôi là Thiếu úy, thuộc Kỹ thuật máy bay, Binh chủng Không quân. Khoảng đầu tháng 4.1975, bốn anh em gồm các anh Hồ Thanh Minh, Nguyễn Văn Soạn, Nguyễn Đình Thủy và tôi được lệnh vào Đà Nẵng để nghiên cứu, sửa chữa các máy bay chiến lợi phẩm. Lúc đầu theo kế hoạch, anh em sẽ tập trung vào các loại máy bay như tiêm kích F5, trực thăng OV-10, OH-1 hoặc tìm cách sử dụng thiết bị khởi động MD3 của máy bay Mỹ nhỏ gọn hơn của các máy bay Liên Xô đang dùng”, ông Ngô Anh Tuấn nhớ lại.

Sân bay Đà Nẵng lúc này có nhiều máy bay đủ loại như OH-1, OV-10, A-37... nhưng đều ở tình trạng bị hư hại, nhiều cái nhìn xa thì nguyên vẹn nhưng đến gần thì lỗ chỗ vết đạn, phần lớn đều trúng vào những “điểm chí mạng” là các thiết bị quan trọng của máy bay. Trong những ngày ở Đà Nẵng, các cán bộ kỹ thuật tập trung nghiên cứu, sửa chữa một chiếc OH -1 có thể bay được và lên kế hoạch tháo một chiếc A-37 mang ra Bắc để tiếp tục nghiên cứu. Vì phần lớn các cán bộ kỹ thuật đều quen làm việc với dòng tiêm kích Liên Xô như MiG, Su chứ chưa hề biết đến dòng cường kích của Mỹ.

Theo ông Ngô Anh Tuấn, sau khi có mệnh lệnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, thiếu tá Hồ Thanh Minh (đã mất, khi đó là Đội trưởng Đội đặc nhiệm) nhận lệnh từ chỉ huy, thông báo cho nhóm chuyển nhiệm vụ, tâp trung nghiên cứu khôi phục máy bay A-37 để sử dụng đánh địch khi cần. Tại Sân bay Đà Nẵng lúc đó có khá nhiều máy bay A-37 nhưng đều ở tình trạng hỏng hóc, thân vỏ bị bắn, móp méo, thiết bị trên máy bay bị phá, gỡ, hư hại. Cuối cùng, nhóm tìm được 2 chiếc A-37 tuy trúng vài viên đạn ở phần đầu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến phần thiết bị bay.

Trong quá trình khôi phục máy bay, "Đội đặc nhiệm" không có tài liệu tiếng Việt mà chỉ xem sơ đồ kỹ thuật máy bay, rồi nhờ anh em thu dung dịch tiếng Anh, giải thích. “Rất may là về nguyên lý hoạt động của các loại máy bay đều có những điểm căn bản, nên nhóm nhanh chóng nắm bắt được vấn đề. Mấy anh em chúng tôi là những người được đào tạo cơ bản, đều còn trẻ, ham học hỏi và cũng đã có kinh nghiệm làm việc thực tiễn với các dòng máy bay tiêm kích Liên Xô”, ông Ngô Anh Tuấn nhớ lại.

Khi sửa chữa được 2 chiếc máy bay A-37, phi công Trần Văn On và Nguyễn Văn Xanh bay thử rất tốt. Sau đó phi công Nguyễn Văn Lục và Từ Đễ vào tiếp nhận để học chuyển loại máy bay. Nhóm kỹ thuật cùng các anh em kỹ thuật thu dung đi tiếp vào Phù Cát để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Tại đây máy bay A-37 chiến lợi phẩm thu được có tình trạng tốt hơn ở Đà Nẵng. Vừa kiểm tra, sửa chữa, tháo ráp, chúng tôi đã chuẩn bị được 9 chiếc A-37 có thể sử dụng được và 4 trong số này đã được các phi công Phi đội Quyết Thắng dùng trong trận tấn công  Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28..4.1975.

Thần tốc

Chú thích ảnh

Bộ đồ bay của phi công Từ Đễ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Quân khu 7)

Đại tá Nguyễn Đình Thủy, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phòng không - Không quân tham gia “Đội đặc nhiệm kỹ thuật" lúc mới 31 tuổi với cấp bậc Trung úy, chuyên về vũ khí hàng không. Ông chia sẻ: “Khi vào Đà Nẵng, chúng ta thu dung thêm 12 thượng sỹ nhất của Việt Nam Cộng hòa để hỗ trợ việc sửa chữa máy bay. Do máy bay bị hư hỏng, đạn bắn, chúng tôi phải vá các lỗ thủng trên thân, thay thế các thiết bị hư hỏng. Cuối cùng đã khôi phục được 2 máy bay sử dụng được giao cho các phi công luyện tập chuyển loại máy bay tại Đà Nẵng”.

Xong nhiệm vụ tại Đà Nẵng, nhóm cán bộ kỹ thuật cùng lực lượng thu dung (chuyên về động cơ, điều khiển xe nâng bom, thiết bị hàng không, xăng dầu, vô tuyến…)  lại cấp tập vào Sân bay Phù Cát (Bình Định) để thực hiện công việc khôi phục tiêm kích Mỹ. Chiều 27/4, Tư lệnh Lê Văn Tri đến thăm, chỉ đạo chọn những chiếc tốt nhất sẵn sàng làm nhiệm vụ, phải kiểm tra kỹ từ nút ấn, giá bom và chuẩn bị mang ngòi nổ, phụ kiện ngòi nổ để cơ động vào căn cứ Phan Rang (Sân bay Thành Sơn), chuẩn bị cho trận đánh bất ngờ.

Nhớ về "Đội đặc nhiệm kỹ thuật", Đại tá Nguyễn Đình Thủy chia sẻ: Tôi được giao quản lý nhóm kỹ thuật thu dung gồm 12 thượng sỹ nhất, ban đầu họ khá e ngại. Tuy nhiên, khi chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm nên dần cũng thoải mái, làm việc nhiệt tình. Chúng tôi lên phương án chỉ đạo, kiểm tra, giám sát còn họ trực tiếp làm…

Lúc này, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị, kết quả huấn luyện, trình độ phi công, việc bảo đảm kỹ thuật chuẩn bị bom đạn. Tư lệnh nhấn mạnh, việc lắp, thả bom là khâu quyết định thắng lợi trận đánh, nếu phi công bay đến mục tiêu thả bom không được là hỏng trận đánh. Vì vậy, "Đội đặc nhiệm kỹ thuật" chuẩn bị kiểm tra thật tốt từng đầu nổ các loại bom, từng cái móc treo bom, nút thả bom thật tốt, phải thử đi thử lại nhiều lần đảm bảo thông suốt tốt, phi công đến mục tiêu chỉ việc ấn nút, bom rơi nổ vào mục tiêu địch là thắng lợi.

Cẩn thận là thế mà cuối cùng vẫn xảy ra “sự cố” khi hai quả bom đã không được ném xuống Sân bay Tân Sơn Nhất. Phi Đội trưởng Phi đội Quyết Thắng Nguyễn Văn Lục nhớ lại: “Khi ném bom, đã có những trục trặc nhỏ như anh Nguyễn Thành Trung bổ nhào tới 2 lần vẫn chưa cắt bom được; sau lần thứ 3, được anh Trần Văn On trao đổi, thì anh Trung chuyển sang chế độ ném bom khẩn cấp. Trong khi máy bay của tôi cũng bị kẹt, không cắt được 2 quả bom. Có thể là do các anh kỹ thuật cẩn thận xiết chặt bom quá hoặc cũng có thể do đoản mạch điện mà bom không ra được”.

Về "sự cố" này, Đại tá Nguyễn Đình Thủy chia sẻ, do anh em quá cẩn thận vặn chặt quá, quả bom đè nặng xuống lẫy thả bom, khiến máy bay của phi công Lục không bung được hai quả. Khi về, anh Hồ Thanh Minh hỏi nguyên nhân, tôi kiểm tra, tháo lỏng ốc ra, thả thử thì rơi. Chứng tỏ là do vặn chặt.

“Nói thì đơn giản nhưng thực tế để đưa loại máy bay cường kích chỉ mới làm quen trong thời gian ngắn, lại trong tình trạng chắp vá, trúng đạn mà không tài liệu hướng dẫn cụ thể hoạt động trở lại đảm bảo an toàn thì đó cũng là một sự nỗ lực “dám làm, dám chịu trách nhiệm” của đội ngũ kỹ thuật, các phi công và cả các đồng chí chỉ huy trận đánh”, đại tá Nguyễn Đình Thủy khẳng định.

Cùng nhận định này, ông Ngô Anh Tuấn tự hào: Sau này nhìn lại những ngày tháng 4 tại Đà Nẵng và Phù Cát ấy, anh em chúng tôi cùng nhất trí cho rằng, thành công lớn nhất của đội ngũ kỹ thuật chúng tôi chỉ đơn giản là “đưa được những chiếc A-37 chiến lợi phẩm trở lại bầu trời, đảm bảo yêu cầu sử dụng đánh địch bằng máy bay địch…

Với thời gian gấp rút, các cán bộ kỹ thuật của quân ta cùng sự hỗ trợ của lực lượng thu dung, quân ta đã có sự chuẩn bị đầy đủ, sẵn sáng cho trận ném bom chiều 28.41975, đúng như lệnh từ cấp trên. Phía sau các phi công tài ba là “những người hùng thầm lặng” góp công lớn vào trận ném bom lịch sử vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Những ký ức đó mãi lắng đọng trong tâm trí của họ.

Theo TTXVN


----------------------------
Bài cuối: Trận chiến khẳng định sự mưu trí, sáng tạo