Chưa có hồi kết cho những "khẩu chiến" về nguồn gốc SARS-CoV-2
Bình luận - Ngày đăng : 23:42, 20/04/2020
Bên ngoài chợ hải sản Hoa Nam bị phong tỏa ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
Cho đến nay, nguồn gốc của SARS-CoV-2- virus gây ra cái chết của hơn 165 nghìn người và làm hơn 2,4 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới-vẫn là một bí ẩn và đây cũng luôn là một chủ đề gây tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi con virus này xuất hiện. "Cuộc chiến” đổ lỗi giữa hai nước quanh nguồn gốc của SARS-CoV-2 những ngày gần đây lại chứng kiến thêm những diễn biến căng thẳng mới.
“Khẩu chiến” gay gắt về nguồn gốc SARS-CoV-2
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc là mối quan hệ song phương quan trọng trên thế giới nhưng cũng gặp rất nhiều trắc trở trong những năm qua. Sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất đã phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới. Sau nhiều cuộc đàm phán, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ tạm yên khi hai bên ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I hồi đầu năm nay, nhưng đại dịch COVID-19 lại xuất hiện và dường như lại một lần nữa kích hoạt một cuộc chiến “đổ lỗi” mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vào thời điểm đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới và nhiều chính phủ tỏ ra lúng túng trong công tác đối phó, thì việc “đổ lỗi” về nguồn gốc virus giữa hai nước lại nóng lên. Cuộc “khẩu chiến” bắt đầu từ hồi giữa tháng 3.2020 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố, chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp “bị ảnh hưởng đặc biệt bởi virus Trung Quốc”, ông cũng lặp lại những bình luận trước đây của các nghị sĩ Cộng hòa khi gán nguyên nhân làm bùng phát COVID-19 sang phía Trung Quốc, nơi xác định ca nhiễm đầu tiên. Thực ra, trước đó Tổng thống Mỹ vẫn gọi loại virus gây ra đại dịch là “coronavirus” hoặc đơn giản là “virus”. Nhưng sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc rằng chính quân đội Mỹ đã mang virus này tới Vũ Hán thì khiến Tổng thống Trump đáp trả bằng cách gọi “virus Trung Quốc”.
Cách gọi “virus Trung Quốc” của ông Trump ngay lập tức đã vấp phải búa rìu dư luận vì coi đây là sự kỳ thị. Không thể phủ nhận trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19, có thể thấy hàng triệu người trên khắp Trung Quốc đã vô cùng nỗ lực để ngăn chặn COVID-19 khi dịch bắt đầu, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nơi khen ngợi. Tuy nhiên, có một sự thật cay đắng là họ vẫn bị đổ lỗi, khiến các quan chức Trung Quốc vô cùng phẫn nộ.
Tổng thống Trump đã giải thích rằng “không có sự phân biệt chủng tộc nào ở đây cả”, chỉ là vì nó (dịch COVID-19) đến từ Trung Quốc”. Ông lập luận rằng virus Corona “đã tới từ Trung Quốc, vì vậy đây là thuật ngữ đúng”. Ông còn bảo vệ việc dùng từ “virus Trung Quốc” là vì Trung Quốc trước đó đã đổ lỗi sự lây lan của dịch bệnh là do quân đội Mỹ, thông tin mà theo ông Trump là hoàn toàn sai lệch. Cùng với cách gọi “virus Trung Quốc”, Tổng thống Trump còn đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc về việc chậm trễ thông tin về dịch COVID-19 giai đoạn đầu khiến thế giới phải “trả giả rất đắt”, với hệ quả là việc Mỹ hiện nay đang là nước dẫn đầu thế giới về số ca tử vong với hơn 40,5 nghìn người và hơn 764 nghìn ca nhiễm.
“Cuộc chiến’ đổ lỗi khó có hồi kết
"Cuộc chiến” đổ lỗi của Mỹ và Trung Quốc quanh nguồn gốc SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lại chứng kiến thêm diễn biến căng thẳng mới những ngày gần đây.
Kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 15.4 đã dẫn nguồn tin khẳng định, người đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 đã làm việc ở phòng thí nghiệm của Viện Virus học tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. Fox News nêu rõ: “Các nguồn tin cho rằng vụ lây truyền virus đầu tiên từ dơi sang người và “bệnh nhân số 0” đã từng làm việc ở phòng thí nghiệm, rồi sau đó mới xuất hiện trong dân chúng Vũ Hán”. Tuy nhiên đây không phải chỉ là nguồn tin của Fox News, mà đích thân Tổng thống Donald Trump cũng xác nhận đang điều tra về việc này.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 18.4, Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với hậu quả nếu “cố ý gây ra” đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Ông Trump nêu rõ: “Đại dịch đã có thể được ngăn chặn ở Trung Quốc trước khi nó bắt đầu lây lan nhưng họ đã không làm điều đó… Và giờ thì toàn thế giới đang phải hứng chịu hậu quả từ việc làm của Trung Quốc”. Đồng thời ông cảnh báo, Trung Quốc có thể đối mặt với hậu quả nếu bị phát hiện cố ý tạo ra SARS-CoV-2.
Trước khi chĩa mũi dùi sang Trung Quốc, Tổng thống Trump trước đó vào ngày 14.4 cũng đã quyết định ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với những cáo buộc cho rằng tổ chức này đã thiên vị Trung Quốc và xử lý đại dịch COVID-19 một cách tồi tệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Mỹ thời gian qua đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát ở thành phố Vũ Hán, nơi được coi là tâm dịch đầu tiên.
Không chỉ Mỹ, mới đây Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch trong công bố thông tin về virus gây nên đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về những cáo buộc rằng SARS-CoV-2 được chế tạo trong một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 16.4 cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Bắc Kinh cũng lên tiếng đáp trả những lời cáo buộc nước này che giấu thông tin về SARS-CoV-2, và tuyên bố rằng, Trung Quốc ngay từ đầu đã giữ lập trường công khai và có trách nhiệm trong việc công bố số liệu về bệnh dịch, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc của các nước phương Tây. Ông Triệu Lập Kiên cũng cho rằng, các nước không nên tìm cách "chính trị hóa" dịch bệnh để đổ lỗi cho Trung Quốc, việc tìm hiểu nguồn gốc của loại virus corona chủng mới này là công việc của các nhà khoa học và chuyên gia y tế.
Cho đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc và cả giới chuyên gia dịch tễ học trên thế giới vẫn cho rằng, virus Corona này bắt nguồn từ Trung Quốc, tại một chợ buôn bán động vật ở Vũ Hán. Tuy nhiên việc hai cường quốc vẫn lên tiếng đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Không những vậy, nó còn khiến cho nhiều người Mỹ gốc Á phải đối mặt với những rủi ro. Sau những tranh cãi về nguồn gốc virus corona, thực tế thời gian qua một số người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Hoa, đã phải đối mặt với việc bị kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử vì virus corona, bao gồm các cuộc tấn công và xúc phạm công khai. Sự cố tương tự cũng đã xảy ra đối với người gốc Hoa một số vùng của châu Âu. Theo các nhà phân tích, cuộc chiến “đổ lỗi” nếu cứ tiếp diễn sẽ càng làm gia tăng sự phân biệt và hận thù đối với người châu Á không chỉ ở nước Mỹ mà cả trên thế giới. Vì vậy, nhiều người đã phản đối mạnh mẽ và yêu cầu không gây thêm chia rẽ.
Thực tế là bất cứ virus nào đều không có quốc tịch. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, bản thân Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã tránh việc gọi các mầm bệnh mới theo tên khu vực hoặc quốc gia vì lý do này. Bởi việc lựa chọn đặt tên trước đó - như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã dẫn đến “sự kỳ thị các cộng đồng nhất định”. Đối với SARS-CoV-2 hiện nay, dù nó có thể xuất phát đầu tiên ở Vũ Hán, nhưng Trung Quốc bằng những nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh đã và đang trên đà chiến thắng virus này trong khi tâm dịch mới đã chuyển sang châu Âu và Mỹ. Vì vậy trong lúc này, điều mà Mỹ và nhiều nước cần làm không phải là “đổ lỗi” nguyên nhân do đâu mà là cần tập trung chống đại dịch, chung tay đoàn kết. Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu và càng không nên làm điều gì gây chia rẽ thêm nữa.
Theo TTXVN