Vẫn thi THPT nhưng chủ yếu xét tốt nghiệp

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 21:02, 21/04/2020

Kỳ thi THPT 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ngày thi từ 8-11.8.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc lên phương án tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020

Ngày 21.4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành Trung ương bàn phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trước tình hình dịch COVID-19 hiện nay.

Đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Tại cuộc họp, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ và các chuyên gia giáo dục đã họp bàn phương án do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sẽ tổ chức “kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020” để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mục đích chính của Kỳ thi nhằm xét tốt nghiệp phổ thông trung học cho học sinh; đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục trong cả nước; qua đó làm căn cứ điều chỉnh, nâng cao chất lượng nội dung chương trình phương pháp dạy học phổ thông ở từng môn học hiện nay.

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ do từng địa phương và UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi thống nhất trên toàn quốc với 1 đề thi chính và 1 đề thi dự phòng; sau đó in, sao, chuyển phát đề cho hội đồng thi địa phương. Với các môn thi trắc nghiệm, mỗi học sinh trong 1 phòng thi có 1 mã đề.

Các giáo viên của địa phương được huy động tham gia công tác coi thi dựa trên một số nguyên tắc như đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường, giáo viên dạy môn nào không coi thi môn đó... Các điểm thi có trách nhiệm thực hiện quản lý bài thi và sau kỳ thi trách nhiệm quản lý thuộc về sở giáo dục và đào tạo địa phương.

Liên quan đến việc đảm bảo tính trung thực, minh bạch của công tác chấm thi, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với hệ thống camera giám sát 24/24 giờ trong suốt quá trình chấm thi, các địa phương có trách nhiệm đưa quét mã đề vào máy chấm tập trung. Đối với các bài thi tự luận, các địa phương tự tổ chức chấm như những năm trước, theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, minh bạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổ chức thanh tra kỳ thi chặt chẽ theo 2 cấp Trung ương và địa phương, trong đó, các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với lực lượng thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương và Thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, thành phố giám sát kỳ thi chặt chẽ.

Trên quan điểm “học gì thi nấy,” kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tập trung đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thời gian và chương trình học, theo nguyên tắc "học gì thi nấy," đề thi sẽ được giảm độ khó và độ phân hóa phục vụ công tác tuyển sinh so với những năm trước. Các ý kiến thống nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề cương ôn tập để các trường tổ chức giảng dạy sau khi học sinh trở lại trường.

Dự kiến, thời gian thi tốt nghiệp THPT 2020 từ ngày 8-11.8.2020.

Bảo đảm kỳ thi trung thực

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4.2020, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp và một số địa phương xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPTnăm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo yêu cầu, mục đích kỳ thi: khách quan, trung thực và minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện cũng như các trường đại học, cao đẳng xét tuyển năm 2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử; các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, sau khi có kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc để lên phương án tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020

“Bộ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời sớm hoàn thiện để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét. Qua đó, Bộ sớm công bố phương án thi, chủ động trong các kế hoạch để cùng với các nhà trường, các địa phương đảm bảo chất lượng dạy và học, chất lượng kỳ thi trước dịch bệnh COVID-19,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Đối với việc tuyển sinh đại học, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong những năm qua, công tác tuyển sinh gắn liền đổi mới giáo dục đại học, đặc biệt việc thực hiện tự chủ đại học và kiểm định chất lượng đã có sự phân luồng các trường đại học.

Các trường đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp tự chủ thực hiện tuyển sinh năm 2020 theo Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1.7.2019, gắn với quá trình đổi mới giáo dục đại học trong những năm vừa qua. Theo đó, việc tổ chức tuyển sinh có thể được thực hiện theo nhiều đợt do các trường chủ động; Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành văn bản hướng dẫn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu rõ, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019, khoảng 62% tổng số trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh; 28% số trường sử dụng kết quả học bạ xét tuyển. Ngoài ra, khoảng 10% trường đại học, cao đẳng có yêu cầu về độ phân hóa sâu trong công tác tuyển sinh như một số trường công an, quân đội, y dược và một số trường có chất lượng đứng đầu cả nước tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng hoặc kết hợp giữa các phương thức thi, xét tuyển sinh thông qua các kỳ thi học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế…

“Dự kiến, với phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, khoảng 20% số trường đại học đứng đầu cả nước có nhu cầu xét tuyển thêm với các hình thức khác như xét học bạ, phỏng vấn… Các trường khác không cần độ phân hóa lớn có thể căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT và kết hợp xét tuyển học bạ,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Sớm hoàn thiện phương án thi tốt nhất

Tại cuộc họp, đại diện Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Tư pháp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Thứ trưởng Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 phù hợp với Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 quy định, mục đích kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ 1.7.2019 gắn với việc các trường đại học, cao đẳng tự chủ về tuyển sinh nhằm thực hiện đổi mới giáo dục với phương án tự chủ và kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đào tạo.”

Tin tưởng phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhận được sự ủng hộ và đồng tình của người dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết đây sẽ là Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng nghĩa, thể hiện kết quả tiến trình đổi mới trong thời gian qua. Bà Minh cũng nhất trí việc giao rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các địa phương trong việc tổ chức thi, đặc biệt công tác coi thi góp phần tiết kiệm chi phí, phương án thi phù hợp trong hoàn cảnh cả nước đang chống dịch nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tính trung thực của kỳ thi.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác thi cử được hàng triệu nhân dân quan tâm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến, sớm hoàn thiện phương án báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sớm công bố đến giáo viên, học sinh chuẩn bị phương án ôn thi, học tập; các trường đại học chủ động lên phương án tuyển sinh phù hợp.

Theo TTXVN