Sự kiện nổi bật ngày 21.4

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:17, 21/04/2020

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để thống nhất công tác quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu có biến động mạnh trong thời gian dịch COVID-19 là sự kiện nổi bật ngày 21.4.

TRONG NƯỚC


Sáng 21.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban Chỉ đạo để thống nhất công tác quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu có biến động mạnh trong thời gian dịch COVID-19. Phát biểu tại buổi làm việc,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần quản lý giá tốt hơn giá cả theo quy luật cung cầu của thị trường, đúng quy định của pháp luật giá cả. Thủ tướng cũng yêu cầu kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường; đi liền với đó là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để giảm giá thịt lợn về khoảng 60.000 đồng/kg.Bình ổn giá gạo, giá xăng dầu. Tiếp tục giảm giá điện, giá nước, giảm giá dịch vụ vận tải, viễn thông... Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 21.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020. Cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì hai mục đích như các năm trước. Như vậy, kỳ thi THPT 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Địa phương được giao trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ra đề thi cho toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.Đối với tuyển sinh đại học, năm nay, trường đại học thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


Ngày 21.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã dự cuộc họp trực tuyến đặc biệt, với chủ đề: “Vai trò của Nghị viện trong hợp tác quốc tế chống đại dịch Covid-19”. Cuộc họp trực tuyến do Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Indonesia tổ chức với sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia Fadli Zon; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia Charles Honoris; Phó Chủ tịch Hạ viện Malaysia Dato Mohamad Rashid Hasnon; Chủ nhiệm Ủy ban đặc biệt về Coronavirus Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo; Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Indonesia Navaratnasamy Paranietharan; Thư ký Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Alisjahbana. Trong ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


Ngày 21.4, tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (Điện Biên), Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 2 do Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 bàn giao trang thiết bị vật tư y tế cho các tỉnh Bắc Lào để phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm: 90.000 khẩu trang kháng khuẩn; 20 nhiệt kế hồng ngoại đo thân nhiệt; 3.000 tuýp Gel khử khuẩn khô cùng 60 bộ tài liệu phòng chống dịch của Bộ Quốc phòng được dịch sang tiếng Lào, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Cũng tại buổi lễ, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) đã tặng đơn vị kết nghĩa Sư đoàn Bộ binh 3 Quân đội nhân dân Lào một số vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Bộ Tư lệnh Quân khu 2 trao tặng trang thiết bị vật tư y tế cho các tỉnh Bắc Lào trong phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Phan Anh – TTXVN


Ngày 21.4, tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP Hồ Chí Minh chính thức đưa vào hoạt động "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng" phục vụ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng" sẽ dành tặng 45.000 phiếu mua sắm các mặt hàng là nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu như: đường, gạo, dầu ăn, nước mắm, nước tương, trứng, nước rữa chén, quần áo cho trẻ em và người lớn, thuốc tây, dầu gió.... để người nghèo tự lựa chọn. Trong ảnh: Đông đảo người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhận phiếu mua sắm miễn phí tại "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng". Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN


Ngày 21.4, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Dương (40 tuổi, ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Theo cáo trạng, vì cần tiền nên Trương Dương đã gia nhập tổ chức phản động đang định cư ở nước ngoài. Vào lúc 8 giờ 40 ngày 30.9.2019, Dương kích hoạt nổ trong khu vực Cục Thuế tỉnh Bình Dương theo yêu cầu. Vụ nổ đã làm đổ sập tường, hư hỏng nhiều thiết bị tài sản nhưng không gây thương vong về người. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt bị cáo Dương 11 năm tù và phải bồi thường cho Cục thuế tỉnh Bình Dương số tiền hơn 800 triệu đồng. Trong ảnh: Bị cáo Trương Dương tại phiên tòa sáng ngày 21.4.2020. Ảnh: Văn Việt - TTXVN

TRONG TỈNH


Chiều 21.4, phát biểu kết luận giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh quý II, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý, nhiệm vụ của quý II và là nhiệm vụ chung cả trước mắt và lâu dài vẫn là ưu tiên phòng chống dịch. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải xác định và đồng lòng, quyết tâm cao trong thực hiện 3 mục tiêu kép gồm: tiếp tục quyết liệt chống dịch; khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đón bắt cơ hội đầu tư và chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Các nhiệm vụ trên cần phải tiến hành song hành trên tinh thần áp dụng những bài học vừa qua để phát huy trong giai đoạn tới. Trong đó đặc biệt chú ý khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ… Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy với Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh quý II. Ảnh: Thu Minh


Chiều 21.4, với sự chứng kiến của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, 10 sở, ban, ngành của tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp “Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2030". Mục đích của chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Theo văn bản đã ký, mỗi cơ quan, đơn vị lựa chọn các hoạt động trọng tâm, phù hợp nhằm tạo phong trào “Chung tay bảo vệ môi trường"; chú trọng xây dựng và duy trì thường xuyên các mô hình cụ thể, thiết thực về bảo vệ môi trường ngay từ các thôn, xóm, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chứng kiến ký kết chương trình phối hợp "Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh". Ảnh: Linh An

QUỐC TẾ


Ngày 20.4, 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nghị quyết trên cũng nêu bật "vai trò đi đầu then chốt" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây về cách giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra. Trong ảnh (tư liệu): Toàn cảnh phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 30.9.2019. Ảnh: AFP/TTXVN


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21.4 cảnh báo rằng bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, phải thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh. Cũng tại cuộc họp báo, đề cập đến nguồn gốc gây dịch bệnh COVID-19, WHO tuyên bố chưa thể xác minh được nguồn gốc chính xác của SARS-CoV-2 vào thời điểm này.Ông Takeshi Kasai nhấn mạnh rằng cho đến nay chưa thể đưa ra những kết luận cuối cùng, nhưng có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật. Trong ảnh: Người dân Ai Cập đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Cairo. Ảnh: THX/TTXVN


Sau khi rơi xuống vùng âm (-37,63 USD/thùng) lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu ngọt nhẹ WTI lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 21.4.2020 đã bất ngờ quay đầu tăng trở lại. Tại thị trường New York, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5.2020 lên mức 1,1 USD/thùng, sau khi rơi xuống mức âm 37,63 USD/thùng trong phiên giao dịch trước đó. Dầu thô Brent giao tháng 6.2020 được giao dịch ở mức 25,61 USD/thùng, tăng 0,15%. Trong ảnh (tư liệu): Một cơ sở khai thác dầu ở Cotulla, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong báo cáo trình lên Ủy ban điều tra độc lập về cháy rừng ngày 21.4.2020, Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia cho biết hỏa hoạn trong mùa hè vừa qua tại nước này đã thiêu rụi khoảng 7,4 triệu hécta rừng ôn đới và thải ra 830 triệu tấn carbon dioxide (CO2) vào khí quyển, gần gấp đôi lượng khí thải hàng năm từ các ngành năng lượng, công nghiệp và giao thông của nước này. Trong ảnh: Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở Bumbalong, Australia ngày 2.2.2020. Ảnh: AFP/TTXVN