Lênin - tấm gương mẫu mực vận dụng sáng tạo học thuyết Mác
Tin tức - Ngày đăng : 09:46, 22/04/2020
V.I. Lênin vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể của nước Nga
Kế thừa những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin đã tiếp tục bảo vệ, vận dụng sáng tạo học thuyết Mác nói chung và lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học nói riêng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và có công phát triển lý luận của các bậc tiền bối lên một tầm cao mới. Những đóng góp to lớn của V.I. Lênin khi vận dụng sáng tạo học thuyết Mác được thể hiện dưới hai góc độ chủ yếu.
Phát triển lý luận mác-xít
Trong hàng loạt tác phẩm, bài viết quan trọng, V.I. Lênin đã bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác; phát hiện và trình bày một cách có hệ thống những khái niệm, phạm trù lý luận khoa học phản ánh những quy luật, những thuộc tính bản chất chi phối sự vận động biến đổi của đời sống xã hội thời kỳ đế quốc chủ nghĩa.
Kiên định mục tiêu của CNXH và chủ nghĩa cộng sản, nhưng V.I. Lênin cũng chỉ rõ mục đích của giai cấp vô sản trong thời kỳ quá độ “là thiết lập CNXH, xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả những thành viên trong xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng người bóc lột người. Mục đích đó, người ta không thể đạt ngay tức khắc được; muốn thế, cần có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn”.
Đặc biệt, V.I. Lênin không chỉ kế thừa tư tưởng về đảng cộng sản của C.Mác và Ph.Ăng-ghen mà còn tiếp tục xây dựng lý luận về đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân, về các nguyên tắc tổ chức, cương lĩnh, sách lược trong nội dung hoạt động của đảng cũng như kiến tạo tổ chức, bộ máy của Nhà nước Xô-viết.
V.I. Lênin còn hoàn chỉnh lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, đúc kết những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lênin phát triển lý luận trên một loạt phương diện như vấn đề dân tộc và cương lĩnh dân tộc, liên minh của giai cấp công nhân với nông dân và các tầng lớp lao động khác; những vấn đề về quan hệ quốc tế và chủ nghĩa quốc tế vô sản, quan hệ cách mạng xã hội chủ nghĩa với phong trào giải phóng dân tộc.
Vận dụng sáng tạo vào xây dựng CNXH hiện thực ở nước Nga
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi là một mốc son chói lọi trong sự phát triển của xã hội loài người. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới đã mở ra; tạo cơ hội cho nhân loại thực hiện cuộc quá độ lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, sự xuất hiện của CNXH hiện thực đã chứng thực những đột phá về lý luận trước đó của V.I. Lênin: Khả năng xuất hiện cách mạng vô sản ở một số nước, thậm chí ở một nước, về xu thế quá độ tới CNXH không qua chủ nghĩa tư bản, về hướng tiếp cận mới đối với CNXH.
Cùng với những kinh nghiệm lãnh đạo trước, trong và sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, xây dựng Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, V.I. Lênin đã có nhiều cống hiến vào việc bổ sung, phát triển CNXH khoa học trong thời kỳ cách mạng mới, chưa có tiền lệ. Đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề xuất hiện trong những năm đầu đầy khó khăn của sự nghiệp xây dựng CNXH tại nước Nga Xô-viết. Trước tình hình mới, V.I. Lênin đã có nhiều bước đột phá về lý luận, chỉ rõ tính chất của thời kỳ quá độ, đề xuất “Chính sách kinh tế mới” (NEP) và yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy về CNXH, phân tích về cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trong những nước thuộc địa chống lại chủ nghĩa đế quốc, vì dân chủ, hòa bình, tiến bộ xã hội và CNXH.
Việc thực hiện “Chính sách kinh tế mới” của V.I. Lênin là một mẫu mực trong việc xác định đặc điểm, nội dung và nhiệm vụ, giải pháp của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước Nga, tiến hành hàng loạt nhiệm vụ cụ thể như xã hội hóa những tư liệu sản xuất cơ bản theo hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền công nghiệp hiện đại; điện khí hóa nền kinh tế quốc dân; cải tạo kinh tế tiểu nông theo những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện cách mạng văn hóa.
Cùng với đó là việc sử dụng rộng rãi chủ nghĩa tư bản nhà nước để dần dần cải tiến chế độ sở hữu của các nhà tư bản hạng trung và hạng nhỏ thành sở hữu công cộng. Cải tạo nông nghiệp bằng con đường hợp tác xã theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền công nghiệp hiện đại và điện khí hóa là cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH; học chủ nghĩa tư bản về kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý kinh tế, trình độ giáo dục; sử dụng các chuyên gia tư sản; cần phải phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Hàng loạt những quyết sách ấy là minh chứng sinh động, thể hiện rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận mác-xít của V.I. Lênin về CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH.
Thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã cho thấy sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác của V.I. Lênin, đã tiếp tục chuyển biến thắng lợi CNXH từ địa hạt lý luận sang địa hạt thực tiễn, từ CNXH khoa học sang CNXH hiện thực và đó cũng là bước ngoặt lớn lao trong hành trình giai cấp vô sản, quần chúng lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới tiến tới những giá trị dân chủ, tự do thực sự.
PGS. TS. NGUYỄN CHÍ HIẾU
(Tạp chí Cộng sản)