Dạy học trực tuyến: Giáo viên lớn tuổi khắc phục khó khăn

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:02, 22/04/2020

Nửa tháng qua, những giáo viên lớn tuổi đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong dạy học trực tuyến để chuyển tải đầy đủ kiến thức cho học trò.

Mặc dù tuổi cao nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Sơn vẫn sử dụng khá thành thạo công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến

So với đồng nghiệp trẻ, những giáo viên lớn tuổi gặp nhiều bất lợi trong việc tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT). Nửa tháng qua, những giáo viên này đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong dạy học trực tuyến (DHTT) để chuyển tải đầy đủ kiến thức cho học trò.

Vừa dạy, vừa học

"Mấy buổi liền tôi phải mang máy tính đến tận nhà đồng nghiệp để nhờ họ chỉ dẫn các thao tác trên phần mềm DHTT. Những thao tác nào rườm rà, tôi lấy máy điện thoại chụp lại và ghi cả ra sổ để nhớ. Mình sử dụng các phần mềm này không quen nên phải cố gắng vừa dạy, vừa học thôi", cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Trường Tiểu học Ngọc Sơn (TP Hải Dương) chia sẻ.

Còn 1 năm nữa, chị Thủy sẽ nghỉ hưu. So với các đồng nghiệp khác, chị thừa nhận mình kém khi sử dụng CNTT. Thông thường mỗi tuần chị dạy 20-25 tiết, chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng. Với những tiết dạy chuyên đề, hội giảng, chị mới sử dụng ti vi, máy tính để minh họa thêm hình ảnh, video... Nhưng nội dung của những bài giảng này đều được chuẩn bị kỹ từ trước, thao tác đơn giản hơn nhiều so với phần mềm DHTT. Hiện mỗi tuần chị dạy khoảng 18tiết trực tuyến nhưng cảm thấy công việc vất vả gấp bội phần. "Đồng nghiệp trẻ chỉ mất khoảng 40-45 phút là dạy xong 1 tiết học trực tuyến nhưng với tôi phải mất ít nhất 60 phút. Mình đã chậm trong sử dụng công nghệ mà cứ dạy ào ào thì học sinh không nắm được thông tin. Lắm lúc cảm thấy mỏi mắt, đau đầu lắm nhưng tự dặn lòng phải cố gắng", chị Thủy nói thêm.

Ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn còn có cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy cũng 2 năm nữa sẽ nghỉ hưu. So với các đồng nghiệp luống tuổi trong trường, chị Thu Thủy có lợi thế hơn trong DHTT khi có con gái và chồng cùng là đồng nghiệp. Trong lúc dạy học có khó khăn gì là có người thân bên cạnh giúp đỡ. "Nhưng bản thân tôi cũng phải ghi nhớ cách truy cập, thực hiện các thao tác vì chồng và con không thể lúc nào cũng bên cạnh mãi được. Tôi đã cố gắng rất nhiều và đến bây giờ mới khá ổn khi DHTT", chị Thu Thủy bộc bạch.

Trường THCS Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) có duy nhất cô giáo Nguyễn Thu Thủy là giáo viên lớn tuổi. Chị Thủy năm nay 54 tuổi, dạy môn ngữ văn. Do ít tiếp cận CNTT nên chị khá hồi hộp, lo lắng khi triển khai DHTT. Với chị Thủy, các thao tác trên phần mềm DHTT không quá khó nhớ song vất vả nhất là thiết kế bài giảng, hình ảnh minh họa... trên Powerpoint. "Tiết đầu DHTT tim tôi loạn nhịp, lo lắng đến vã cả mồ hôi. Nhưng qua mỗi tiết tôi lại có thêm kinh nghiệm, cố gắng mày mò, tìm hiểu cùng với sự hỗ trợ từ đồng nghiệp nên giờ mọi thứ đã ổn cả", chị Thủy cho biết.

Tuy tuổi cao nhưng những giáo viên này không hề có tư tưởng phó mặc mà luôn cố gắng tiếp cận, làm chủ công nghệ trong DHTT. Lúc đầu khi ngành giáo dục triển khai DHTT, phần lớn giáo viên cao tuổi đều lo lắng, e ngại. Song khi đã bắt tay vào thực hiện họ mới thấy việc này không khó, chỉ cần cố gắng sẽ làm được. Không ít giáo viên chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu nhưng vẫn đầu tư cả chục triệu đồng mua máy tính xách tay và các thiết bị hỗ trợ phục vụ DHTT.

Tích cực hỗ trợ

Để DHTT diễn ra thuận lợi, các trường đều quan tâm hỗ trợ giáo viên, nhất là những người lớn tuổi, ít tiếp cận CNTT. Hầu như trường nào cũng thành lập tổ, nhóm CNTT cơ động, gồm những người am hiểu, thành thạo sử dụng các thiết bị, máy móc. Các thành viên hướng dẫn giáo viên cài đặt phần mềm, lập tài khoản, cách sử dụng các thao tác trong DHTT... Cô giáo Phạm Thị Lộc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Điền (Cẩm Giàng) cho biết: "Các thành viên trong tổ trao đổi, hướng dẫn trực tuyến với các giáo viên, nhưng nếu cần thì có thể đến tận nhà hỗ trợ, nhất là với giáo viên lớn tuổi".

Ngoài tập huấn chung, nhiều trường còn giao cho các tổ chuyên môn tổ chức tập huấn theo nhóm. Các nhóm lại giao cho những giáo viên trẻ giúp đỡ những đồng nghiệp lớn tuổi theo hướng "cầm tay chỉ việc", hoặc thành lập nhóm riêng trên mạng xã hội để cùng trao đổi.

Với những giáo viên do không gian tại nhà riêng không bảo đảm, nhiều trường cho mượn phòng, thiết bị dạy trực tuyến, thậm chí hỗ trợ giáo viên mua thiết bị, máy móc. Trường THCS Lê Quý Đôn (TPHải Dương) mới đây đã hỗ trợ mỗi giáo viên 1 bộ tai nghe, micro không dây trị giá 900.000 đồng/bộ để DHTT...

TIẾN MẠNH