5 triệu người lao động bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:36, 25/04/2020
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết từ đầu năm tới nay, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng là 75,4% dân số (từ 15 tuổi trở lên), xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua và thấp hơn 1,2-1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệch COVID-19 lên tới gần 5 triệu người. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo bị ảnh hưởng lớn nhất với 1,2 triệu lao động, tiếp đến là lĩnh vực bán buôn-bán lẻ khoảng 1,1 triệu lao động và ngành dịch vụ lưu trú-ăn uống là 740.000 lao động. Trong tổng số các lao động bị ảnh hưởng có đến 59% là tạm nghỉ việc, 28% phải thực hiện giãn cách công việc (hoặc nghỉ luân phiên) và 13% trong số họ đã mất việc làm.
Tại khảo sát này, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra gần 85% doanh nghiệp đã bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa phải chịu tổn thương nhiều nhất khi “tự đánh giá khó khăn trong 4 tháng đầu năm” với tỷ lệ là 90%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã nỗ lực thích ứng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết 5,3% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết họ đã tranh thủ thời gian này để đào tạo nâng cao tay nghề cũng như trình độ chuyên nghiệp cho người lao động.
“Đây là phản ứng chủ động, tích cực và đáng ghi nhận của doanh nghiệp nhằm thích ứng với bối cảnh của dịch bệnh, cùng Chính phủ và người lao động chung tay từng bước vượt qua thách thức, khó khăn,” bà Thủy chia sẻ.
Ông Vinh cho biết thêm đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố về tình hình lao động-việc làm trong quý. Thời gian tới, tổng cục sẽ tổ chức định kỳ báo cáo trên với quan điểm chuyên sâu và chi tiết liên quan tới thị trường lao động, việc làm.
Về kiến nghị giải pháp, ông Vinh cho rằng Chính phủ đã phản ứng nhanh nhạy khi đưa ra nhiều gói hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải triển khai nhanh và đúng, trúng đối tượng cần được hỗ trợ. Ngoài ra, ông Vinh cũng đề xuất việc xem xét triển khai chính sách kích cầu nội địa nhằm tạo công ăn việc làm cũng như tăng cường sản xuất trong nước.
Theo Vietnam+