Những trường hợp tuyển dụng viên chức đặc biệt
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 18:08, 27/04/2020
Hiện nay có 3 hình thức tuyển dụng viên chức là thi tuyển, xét tuyển và trường hợp đặc biệt được tiếp nhận
Tiêu chuẩn, hình thức tuyển dụng
Tuyển dụng viên chức là việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, để được đăng ký dự tuyển viên chức phải đáp ứng các điều kiện nêu tại điều 22 Luật Viên chức năm 2010 gồm: Có quốc tịch Việt Nam và cư trú ở Việt Nam; có đơn đăng ký dự tuyển, có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, hành nghề hoặc năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm, trong đó, không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập; có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ…
Hiện nay, theo quy định tại điều 23 Luật Viên chức, viên chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Và việc tuyển dụng theo hình thức nào sẽ do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định (theo điều 5 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ).
- Thi tuyển viên chức: Thực hiện theo 2 vòng với vòng 1 là thi trắc nghiệm trên máy nội dung kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; vòng 2 là thi môn nghiệp vụ chuyên ngành về kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ gắn với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
- Xét tuyển viên chức: Cũng thực hiện theo 2 vòng. Trong đó, vòng 1 là kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn trong phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm; vòng 2 là phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Ngoài hai hình thức trên, tại khoản 7, điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng còn có thể xem xét tiếp nhận đặc biệt một số trường hợp cụ thể.
Như vậy, có thể thấy, hiện nay có 3 hình thức tuyển dụng viên chức là thi tuyển, xét tuyển và trường hợp đặc biệt được tiếp nhận.
Khi nào được đặc cách tuyển dụng viên chức?
Theo phân tích, ngoài 2 hình thức tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển thì trong một số trường hợp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận với người có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; người ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; người hưởng lương trong quân đội, công an và làm công tác cơ yếu; cán bộ, công chức cấp xã; đang làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người có tài năng, năng khiếu đặc biệt trong ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao… đã là cán bộ, công chức, viên chức sau đó được chuyển đến làm việc trong quân đội, công an, tổ chức xã hội…
Những trường hợp này chỉ được xem xét tiếp nhận vào viên chức sau khi được kiểm tra sát hạch về điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ; trình độ hiểu biết chung, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Đặc biệt, nếu tiếp nhận viên chức để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên trong đơn vị sự nghiệp công lập thì ban hành quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng viên chức.
Theo báo Người lao động