Về chùa Giám chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia

Di tích - Ngày đăng : 11:41, 28/04/2020

Chùa Giám có tên chữ là Nghiêm Quang tự thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa được khởi dựng vào thời Lý, cuối thế kỷ 17. Đến đầu thế kỷ 18 được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Chùa Giám được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1974, đến năm 2017 được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ngoài thờ Phật, chùa Giám còn là nơi phụng thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, vị Thánh tổ thuốc Nam thời Trần. Chùa Giám hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như hai chuông đồng đúc vào các năm Cảnh Hưng năm thứ 23 (1762) và Thiệu Trị năm thứ 8 (1848), 16 bia đá có niên đại từ thế kỷ 17 - 19 ghi chép về việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo, đúc tượng Phật chùa Giám và đặc biệt là bảo vật quốc gia Cửu phẩm liên hoa.


Toàn cảnh chùa Giám

Kỳ tích chuyển chùa

Năm 1974, do điều kiện khách quan bởi lũ lụt và việc sáp nhập địa giới hành chính, chủ trương di chuyển chùa Giám từ ven sông Thái Bình đến địa điểm hiện tại được người dân Cẩm Sơn và chính quyền đặt ra. Theo người dân Cẩm Sơn kể lại, lúc bấy giờ, thanh niên trai tráng đã vào bộ đội gần hết, ở nhà chỉ còn phụ nữ và người già nhưng tất cả đều nhất trí cao sẽ tập trung mọi nguồn lực để di chuyển cả quần thể chùa gồm nhà tiền đường, tòa nhà Cửu phẩm chứa Tháp liên hoa và nghè Giám. Chính quyền và người dân Cẩm Sơn thành lập ban chỉ đạo và một đội lo việc chuyển chùa.

Đúng ngày 15.7.1974 âm lịch, công cuộc chuyển chùa chính thức được bắt đầu với phương tiện chủ lực là “xe bò” và sức người. Khi đó, mọi nhà ở Cẩm Sơn có vật dụng như dây buộc, bao gai, lá chuối khô, đòn khiêng… đều được huy động. Người dân từ già trẻ, gái trai đến giúp chuyển chùa đông như trảy hội. Dù ngày mưa hay nắng, công việc di chuyển vẫn không hề ngừng nghỉ kéo dài trong 7 tháng với khoảng cách 7 km giữa 2 địa điểm. Đúng 7 tháng sau, ngày 15.2.1975 âm lịch, công cuộc di chuyển chùa hoàn thành với hơn 7.000 ngày công đóng góp của nhân dân và hơn 500 chuyến xe bò chuyên chở. Ngôi chùa vẫn vẹn nguyên, những kèo, cột, đấu, mộng... bằng gỗ khớp nối với nhau như ngày ở chốn cũ.

Bảo vật quốc gia Cửu phẩm liên hoa

Điểm nhấn đặc sắc nhất của chùa Giám hiện nay là tòa Cửu phẩm liên hoa được đặt ở chính giữa nhà cửu phẩm. Nhà Cửu phẩm hình vuông 4 mặt giống nhau, cao 3 tầng, 12 mái. Kiến trúc chính của nhà Cửu phẩm là 4 cột tứ trụ và 12 cột quân cùng hệ thống xà kẻ góc hầu hết bằng gỗ lim, tất cả các chi tiết đều được kiến tạo hết sức mềm mại đặc trưng của kiến trúc thời Hậu Lê. Mái tạo dáng 12 đầu đao cong, lợp ngói mũi, trên chóp có phù điêu hình nậm rượu.


Bảo vật quốc gia Tòa Cửu phẩm liên hoa

Trong nhà Cửu phẩm là Tòa Cửu phẩm liên hoa được thiết kế theo kiểu hình lục giác gồm 9 tầng hoa sen chồng lên nhau, cao trên 6m, mỗi cạnh 1,24 m, càng lên cao các tầng sen càng nhỏ đi. Mỗi cạnh được chạm những cánh hoa sen nằm sát nhau theo hàng ngang sơn màu đỏ, mép cánh hoa nhũ vàng. Tầng 9 có pho tượng A Di Đà ngồi tư thế tọa thiền, đầu đội vào trần như giữ thăng bằng cho Tòa Cửu phẩm. Trên Cửu phẩm tổng cộng có 144 pho tượng Phật. Trước đây, mỗi cạnh của một tầng Cửu phẩm có 3 pho tượng Phật cao chừng 20 cm được sơn son thếp vàng nhưng do di chuyển và thất thoát, các pho tượng cũ gần như không còn, thay vào đó là các tượng Phật bằng đất nung mới. Toàn bộ kết cấu Cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi để quay tròn.

Tòa Cửu phẩm niên hoa chùa Giám còn được lưu giữ nguyên bản kiến trúc cổ và là một trong ba tòa cửu phẩm (chùa Bút Tháp - Bắc Ninh, chùa Động Ngọ Thanh Hà - Hải Dương) có giá trị đặc biệt về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền còn được lưu giữ ở nước ta cho đến ngày nay. Năm 2015, ttòa Cửu phẩm liên hoa chùa Giám được công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo báo Du lịch