Cần đề xuất dự án đầu tư nâng cấp đường tỉnh phù hợp

Chính trị - Ngày đăng : 14:40, 28/04/2020

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khẳng định, do nhu cầu đầu tư lớn nên Sở Giao thông vận tải cần tính toán, đề xuất, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư phù hợp để bố trí nguồn lực.

 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái chủ trì phiên họp

Sáng 28.4, UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 4 để xem xét, cho ý kiến về tờ trình của Sở Nội vụ, các báo cáo của Sở ​​​​​Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP Hải Dương và Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp.

Đề nghị nâng cấp nhiều tuyến đường

Theo báo cáo của Sở GTVT về chương trình đầu tư nâng cấp mạng lưới đường tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và định hướng giai đoạn 2026 – 2030, mạng lưới đường tỉnh có tổng chiều dài 458 km, gồm 21 tuyến, các trục đường 62 m, đường Bắc – Nam và đường gom ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Do nguồn kinh phí bảo trì hạn chế nên nhiều đoạn trên các tuyến đường bị hư hỏng, thắt hẹp, chưa bảo đảm yêu cầu quy hoạch được phê duyệt. Sở GTVT đề nghị giai đoạn 2021- 2030 sẽ mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 276 km; quy hoạch các tuyến mới, hoàn thiện và mở rộng 14 tuyến đường kết nối vùng, tỉnh dài hơn 70 km; đầu tư trên 114 km đường gom các quốc lộ. Quá trình đầu tư sẽ được phân kỳ theo từng giai đoạn cụ thể.

Góp ý vào nội dung này, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Sở GTVT cần nghiên cứu, sắp xếp, cân đối nguồn ngân sách ưu tiên theo từng giai đoạn cho phù hợp. Các tuyến đường kết nối với các tỉnh cần ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP để giảm nguồn đầu tư từ ngân sách.   

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực có hạn nên Sở GTVT cần lựa chọn công trình, dự án đầu tư phù hợp với nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; cần tranh thủ nguồn vốn từ trung ương; đề xuất công trình trọng điểm, tạo đột phá trong thời gian tới...

Kết luận nội dung trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với đề xuất của Sở GTVT. Sở GTVT tiếp tục rà soát, cập nhật thêm thông tin, quy hoạch mới được phê duyệt hoặc chuẩn bị phê duyệt để đề xuất đầu tư cho phù hợp, toàn diện. Do nhu cầu đầu tư lớn nên sở cần tính toán, đề xuất, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư phù hợp để bố trí nguồn lực. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần thông tin cụ thể về khả năng bố trí nguồn vốn, dự kiến nguồn lực, ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giao thông theo từng giai đoạn. Sở Xây dựng tham mưu, rà soát quy hoạch hai bên tuyến đường xây dựng mới, tuyến mở rộng để tạo nguồn lực đầu tư. Đối với dự án đường dẫn cầu Quang Thanh và cầu Dinh kết nối với TP Hải Phòng, các đơn vị liên quan cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện...

Thành lập Chi cục Giám định xây dựng

Theo tờ trình về thành lập Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng, đơn vị này có chức năng giúp Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, tổ chức thực thi pháp luật về chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong xây dựng và quản lý dịch vụ công thuộc phạm vi, lĩnh vực Sở Xây dựng quản lý. Chi cục được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở Xây dựng.

Các đại biểu dự họp đều đồng tình, khẳng định sự cần thiết thành lập chi cục để phù hợp với quy định và đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, khắc phục cơ bản những hạn chế trong công tác khảo sát, thiết kế, quản lý chất lượng thi công, tiến độ thi công công trình. 

Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình của Sở Nội vụ. Sở Xây dựng xem xét rà soát lại nhóm công việc của sở, chi cục sao cho phù hợp, không bị trùng lặp chức năng, nhiệm vụ. Cần bố trí, sắp xếp công việc, nhiệm vụ của chi cục sau thành lập cho đồng bộ... Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Xây dựng hoàn thiện tờ trình theo quy định.

Điều chỉnh quy hoạch khu liên hợp phía nam TP Hải Dương

Tại phiên họp, UBND TP Hải Dương và Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương đã báo cáo đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu liên hợp văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế và khu dân cư mới kết hợp dịch vụ thương mại phía nam TP Hải Dương, lập quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu đô thị phía nam cầu Lộ Cương TP Hải Dương.

Theo phương án điều chỉnh, Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương đề xuất thay đổi vị trí, quy mô một số phân khu. Đề xuất giảm diện tích khu văn hóa từ 19,13 ha xuống còn hơn 8 ha, giảm diện tích khu thể dục, thể thao từ 42,82 ha xuống 29,36 ha. 

Phần lớn các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết; về tổng thể, mục tiêu chức năng không thay đổi. Cần thống nhất diện tích nghiên cứu, xác định rõ ranh giới quy hoạch, quan tâm xây dựng công trình văn hóa, công trình tạo điểm nhấn cạnh dòng sông trong quy hoạch. 

Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng ý với đề xuất của TP Hải Dương và đơn vị tư vấn. Quy hoạch khu trên đã được phê duyệt hơn chục năm trước nhưng chưa thực hiện được do có nhiều thay đổi. Viêc nghiên cứu, điều chỉnh lại quy hoạch phân khu là cần thiết, phù hợp. Nhất trí với ranh giới quy hoạch, vị trí điều chỉnh các phân khu như đề xuất nhưng nội dung điều chỉnh cụ thể phải nhất quán với chủ trương của tỉnh và bảo đảm theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức họp, lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan, có thông báo kết luận cụ thể, giúp TP Hải Dương và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch. TP Hải Dương xem xét, đưa một số phân khu cần thực hiện sớm vào kế hoạch sử dụng đất của TP Hải Dương năm 2020...

LAN NGUYỄN