Cuộc chiến chống COVID-19 giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế
Tin tức - Ngày đăng : 20:09, 28/04/2020
Báo Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời một số chuyên gia nhận định Việt Nam đã hành động quyết liệt để ngăn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khả năng điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế.
Ông Julien Brun, đối tác quản lý tại công ty tư vấn đa quốc gia về đầu tư thị trường mới nổi CEL có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, cho biết từ lâu, Việt Nam đã là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc. Thành tích chống dịch của Việt Nam cho tới nay sẽ giúp Hà Nội tăng thêm uy tín. Mặc dù các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép xuất khẩu ở Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng hủy đơn hàng loạt, song về lâu dài, nhiều hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực khác có thể sẽ chuyển sang Việt Nam.
Về nguồn lực, Việt Nam khó có thể so sánh với Singapore hay Hàn Quốc, do đó, Việt Nam mới chỉ tiến hành xét nghiệm được 210.000 người, một con số khiêm tốn so với số dân, song lại cao so với mức độ bùng phát dịch.
Điều quan trọng để ngăn chặn bùng phát ổ dịch lớn ở Việt Nam là quy định kiểm dịch mạnh mẽ với việc lập các cơ sở cách ly cho hàng chục nghìn người trong các doanh trại quân đội, ký túc xá đại học và các cơ sở khác của nhà nước.
Đầu tháng 4.2020, khi Việt Nam ghi nhận chưa tới 250 ca mắc bệnh, gần 45.000 người đã được đưa đi cách ly tập trung. Con số này hiện giảm xuống còn khoảng 11.000 người, trong khi có hơn 40.000 người tự cách ly tại nhà.
Về phần mình, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak trụ sở tại Singapore nhận định: “Việt Nam đã hành động rất sớm và quyết liệt”. Việt Nam sớm nhận ra tính chất nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Theo tờ Wall Street Journal, 3 tháng sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Việt Nam cho tới nay có thể nói đã đánh bại được COVID-19. Các cửa hiệu và nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 23.4, sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế đi lại kéo dài trong 3 tuần. Các quán cà phê, ăn sáng ở Hà Nội đã bắt đầu có khách lui tới. Các dịch vụ gọi xe bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trường học và các quán karaoke vẫn đóng cửa.
Hiện một số khu vực vẫn đang bị cách ly và chưa trở lại nhịp sống bình thường. Quy định nới lỏng giãn cách xa hội ở mỗi địa phương là khác nhau. Ở một số thành phố lớn, các cuộc tụ họp từ 20 người trở lên vẫn bị cấm.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 24.4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam mới chỉ thắng từng "trận đánh", từng "chiến dịch", vẫn chưa thắng hoàn toàn cả "cuộc chiến". Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Singapore, đang phải đối mặt với đợt bùng phát mới của dịch bệnh COVID-19 sau những thành công ban đầu.
* Trang tin Yahoo Japan của Nhật Bản ngày 27.4 đã đăng tải bài viết đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cho rằng nhờ thành tích này, Việt Nam đã tạo dựng được uy tín trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bài viết dẫn kết quả cuộc khảo sát gần đây do Tổ chức khảo sát YouGov của Anh tiến hành cho thấy có tới 93% người Việt Nam được hỏi cho biết hài lòng với các biện pháp chống dịch COVID-19 mà chính phủ thực hiện. Kết quả này đứng đầu danh sách các nước được khảo sát.
Bài viết nhấn mạnh dù Việt Nam có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, nhưng cho đến nay chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong do COVID-19. Thành công này là nhờ các biện pháp phòng dịch hiệu quả của Việt Nam. Theo bài viết, Việt Nam từng có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS trước đây nên đã có các biện pháp đối phó nhanh chóng với dịch COVID-19 lần này.
Trang tin Yahoo Japan cho biết ngay khi thành phố Vũ Hán (Wuhan) của Trung Quốc xuất hiện ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh, Việt Nam đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và hạn chế các chuyến bay từ nước ngoài. Tháng 2, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đồng thời phổ biến kiến thức chuyên môn kết nối giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với mạng lưới 700 bệnh viện trong cả nước. Sau đó, Việt Nam xây dựng một số phần mềm và trang thông tin hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh. Ứng dụng “Sức khỏe Việt Nam” đã được Tập đoàn Viettel hoàn thành trong 6 ngày, nhờ đó đã cung cấp các phương pháp điều trị và phương pháp cách ly chính xác, tìm kiếm các bệnh viện xung quanh. Người sử dụng gửi thông tin về tình hình sức khỏe của bản thân, qua đó xây dựng mạng lưới sức khỏe toàn dân. Sắp tới, phần mềm này còn có thể xác định được nơi ở của người bệnh, người tiếp xúc gần với người bệnh và cả thông tin di chuyển của họ. Phần mềm này không những chỉ hướng tới người dân trong nước mà còn được phát triển để phục vụ cả những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Bài viết nêu rõ Việt Nam cũng đưa ra quy định phạt tiền những người đưa thông tin sai lệnh về dịch bệnh, với số tiền phạt từ 12 triệu đồng.
Theo trang tin Yahoo Japan, chính phủ và quân đội Việt Nam đã cùng nhau thực hiện các hoạt động tuyên truyền thông tin tới người dân. Việt Nam cũng nhanh chóng bắt tay vào sản xuất khẩu trang và có thể sản xuất tới 12 triệu khẩu trang mỗi ngày. Ngoài ra, Việt Nam còn gửi tặng Campuchia và Lào một số trang thiết bị y tế. Với những biện pháp rất nhanh chóng như sản xuất thiết bị y tế, đóng cửa sân bay, biên giới, trường học, cách ly toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể trong phòng chống dịch COVID-19.
Bài viết nhấn mạnh 2020 là năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN. Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và thông qua quyết định thiết lập quỹ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Với những thành tựu trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã giữ vững vị thế lãnh đạo của mình trong ASEAN.
Theo TTXVN