"Trùm" truyền thông Mỹ "phá" thái tử Ả Rập vụ mua Newcastle
Quốc tế - Ngày đăng : 18:15, 29/04/2020
Thái tử Mohamed bin Salman chưa thể mua thành công Newcastle United
Những ngày qua, người hâm mộ Newcastle United sống trong tâm trạng đầy hân hoan khi xuất hiện thông tin, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) do thái tử Mohamed bin Salman đứng đầu đang từng bước tiến đến việc sở hữu đội bóng có biệt danh “Chích chòe” với giá 300 triệu bảng. Mohamed bin Salman sở hữu tài sản lên tới 7 tỷ bảng, còn tài sản của Quỹ đầu tư công Saudi Arabia thì lên tới 338 tỷ bảng.
Mà Mohamed bin Salman vốn là người rất hào phóng, thậm chí còn hơn cả những tỷ phú Qatar sở hữu PSG hay tỷ phú UAE sở hữu Man City, vậy nên người hâm mộ Newcastle United hoàn toàn có thể mơ về một “giấc mơ đổi đời” của đội bóng con cưng. Thế nhưng, giờ đây giấc mơ này có nguy cơ đổ bể trước những quy định của ban tổ chức Premier League, sự hám lợi của Mike Ashley và sự xuất hiện của Henry Mauriss.
Theo tiết lộ, phía Bin Salman đã đặt cọc trước 17 triệu bảng cho ông chủ hiện tại của Newcastle là Mike Ashley, số tiền còn lại 283 triệu bảng sẽ được thanh toán nốt khi ban tổ chức Premier League chốt xong mọi thủ tục. Thời hạn để Bin Salman suy nghĩ và cân nhắc thương vụ này tới đầu tháng 5.2020. Tuy nhiên, số tiền đặt cọc trên sẽ không hoàn lại và khó khăn dành cho Bin Salman vào thời điểm này là phía ban tổ chức Premier League có vẻ đang ngần ngại về "lịch sử" của PIF.
Trong trường hợp ban tổ chức Premier League không phê duyệt việc Newcastle United rơi vào tay PIF, tỷ phú Mike Ashley hoàn toàn có thể bán đội bóng của mình cho một đối tác khác thông qua một cuộc đấu giá, đồng thời bỏ túi 17 triệu bảng mà Bin Salman ứng trước. Mà “đối tác khác” ở đây chinh là Henry Mauriss - ông trùm truyền thông đến từ Mỹ.
Theo thông tin từ Mirror, Henry Mauriss đã gia nhập cuộc đua thôn tính Newcastle United và thậm chí còn đặt giá lên tới 350 triệu bảng, tức cao hơn 50 triệu bảng so với con số mà Bin Salman đưa ra. Vấn đề là nếu “Chích chòe” thuộc quyền sở hữu của tỷ phú người Mỹ này, khó lòng có một cuộc cách mạng nhân sự giống như tại Man City. Các tỷ phú người Mỹ thường rất chắt bóp trong chuyện đầu tư, mua sắm cầu thủ. Cứ nhìn Arsenal, Aston Villa, Liverpool hay M.U thì thấy rõ.
Theo Tiền phong