Dịch kéo dài, công nhân xa quê chật vật

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:23, 30/04/2020

Nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, thu nhập giảm hoặc không có khiến nhiều công nhân, nhất là người ngoại tỉnh gặp nhiều khó khăn.


Anh Lê Văn Dũng ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đang trọ ở căn phòng chưa đầy 10 m2 tại phường Ái Quốc (TP Hải Dương)

Dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp (DN), khiến thu nhập của công nhân giảm sút. Cuộc sống của những công nhân xa quê vốn đã chật vật nay lại càng khó khăn hơn.

Không về quê nghỉ lễ

Từ đầu tháng 2, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm công nhân, lao động ở nước ta trở lại làm việc sau Tết Canh Tý. Lúc này, nhiều DN xuất nhập khẩu liên quan đến thị trường Trung Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng. Càng về sau, dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu thì số lượng DN bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hiện không ít DN đông công nhân buộc phải cho người lao động nghỉ việc một thời gian hoặc làm việc luân phiên, nghỉ làm thứ bảy hằng tuần. Thu nhập của công nhân vì thế bị giảm sút. Với những công nhân xa quê đến Hải Dương làm việc, họ còn gặp khó khăn nhiều hơn.

Năm 2019, vợ chồng anh Cầm Văn Doai quê ở huyện Thuận Châu (Sơn La) vào làm ở 2 công ty khác nhau trong khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương). Để tiện đi làm, vợ chồng anh thuê nhà tại phường Tứ Minh, gần khu công nghiệp. Từ sau Tết Canh Tý đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN nơi vợ chồng anh Doai làm việc chỉ làm hành chính, không tăng ca. Thời gian gần đây, công ty còn nghỉ cả thứ bảy. Việc ít, tiền lương của 2 vợ chồng anh giảm hơn 1/3 so với trước. Anh Doai cho biết mỗi tháng hai vợ chồng phải trả 1 triệu đồng tiền thuê nhà (chưa kể chi phí điện, nước...). Đợt vừa rồi nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá trong khi tiền lương giảm nên vợ chồng anh không dư dả nhiều. Nghỉ lễ 30.4 và 1.5 này, vợ chồng anh dự định về quê thăm người thân nhưng giờ đành gác lại, bởi mỗi lần về phải tiêu hết 1 tháng lương của cả 2 người.

Anh Lê Văn Dũng ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) ra Hải Dương làm việc, đang trọ ở căn phòng chưa đầy 10 m2 tại phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Công ty nơi anh Dũng làm ở khu công nghiệp Nam Sách đang cho công nhân làm việc luân phiên vì ít việc. Thắt chặt chi tiêu, dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 này anh Dũng cũng không về quê. 

Đối mặt với nỗi lo tìm kiếm việc làm

Nếu ít việc trong thời gian dài, những công nhân xa quê sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. “Thời gian tới nếu công ty chỉ sản xuất cầm chừng thì thu nhập của công nhân ở xa đi thuê trọ như chúng tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Nghỉ việc về quê không biết làm gì. Sau này có trở lại Hải Dương sẽ phải làm lại từ đầu như xin việc, thuê nhà, mua sắm vật dụng…”, anh Doai chia sẻ.

Những ngày này, vợ chồng anh Đặng Đình Chủng và chị Từ Thị Ánh Linh (quê ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh) cũng đang gặp nhiều khó khăn, đối mặt với nỗ lo tìm kiếm việc làm. Hơn 1 năm trước, anh Chủng đến thuê nhà ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) mở cửa hàng sửa chữa điện tử. Chị Linh làm công nhân ở tỉnh Đồng Nai. Đợt vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Linh không mua được vé máy bay trở lại làm việc nên đã bị công ty thanh lý hợp đồng lao động. Cửa hàng của anh Chủng cũng phải đóng cửa do giãn cách xã hội và chỉ mới hoạt động trở lại, thu nhập không đủ trả tiền thuê nhà, tiền điện nước gần 3,5 triệu đồng/tháng. "Một mình tôi làm không đủ để nuôi vợ, con và chi phí hằng ngày. Gần đây tôi phải vay tiền để bù vào. Hai tháng nay, vợ tôi cũng cố gắng đi tìm việc nhưng rất ít nơi tuyển dụng. Mong là dịch bệnh sớm qua đi chứ không gia đình tôi sẽ rất khó khăn", anh Chủng bùi ngùi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trung, chủ nhà trọ ở phường Tứ Minh cho biết trong xóm trọ nhà ông có rất nhiều công nhân khó khăn về việc làm. Có một cặp vợ chồng do hết việc đã phải về quê ở Điện Biên. Trước khi về, họ nhắn nhủ ông cố gắng để dành phòng sau này quay trở lại tìm việc. Để chia sẻ khó khăn với công nhân, ông Trung đã giảm mỗi phòng trọ 100.000 đồng/tháng.

 Hiện không ít DN ở tỉnh ta bị huỷ hoặc giảm đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Như Công ty TNHH Sản phẩm giấy Leo Việt Nam (khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, TP Hải Dương), khách hàng đã thông báo hủy 34% số đơn hàng trong tháng 3 và 58% số đơn hàng trong tháng 4. Khách hàng của Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) đã thông báo giảm sản lượng trong thời gian tới, vì vậy nếu dịch kéo dài công nhân cũng sẽ hết việc làm. Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam (khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, Cẩm Giàng) do giảm đơn hàng nên đã dừng ký hợp đồng với 280 công nhân hết thời gian thử việc…

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện có hàng vạn lao động là người ngoại tỉnh làm việc ở tỉnh ta. Khi DN khó khăn họ cũng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống.

THANH NGA