Ngày thống nhất đặc biệt

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:02, 30/04/2020

Để phù hợp với tình hình dịch bệnh, các hoạt động kỷ niệm không được tổ chức rầm rộ với các chương trình liên hoan văn nghệ, diễu hành như những năm trước mà đi vào chiều sâu.

Do dịch Covid-19, những hoạt động chào mừng, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay đặc biệt hơn những năm trước. Để tránh tập trung đông người, các cấp từ Trung ương tới địa phương tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến. TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm tại các điểm cầu truyền hình trực tiếp và trực tuyến tại hội trường Thống Nhất (phòng khánh tiết và khu vực trưng bày xe tăng 390); các địa điểm theo dõi truyền hình trực tiếp, trực tuyến tại UBND thành phố, các sở, ngành và quận, huyện, Thành đoàn... Mỗi điểm cầu không có quá 30 người tham gia. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tận dụng ưu thế từ internet và công nghệ để tổ chức các hoạt động kỷ niệm trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 như tổ chức tour tham quan ảo, trưng bày trực tuyến… Ở tỉnh ta, Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng không tổ chức gặp mặt mà các cựu chiến binh tiêu biểu sẽ được nhận thư của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và quà của Thường trực Tỉnh ủy thông qua Hội Cựu chiến binh cấp huyện.

Để phù hợp với tình hình dịch bệnh, các hoạt động kỷ niệm không được tổ chức rầm rộ với các chương trình liên hoan văn nghệ, diễu hành như những năm trước mà đi vào chiều sâu. Lòng tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc, lòng biết ơn những thế hệ đã hy sinh xương máu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã biến thành những hành động tri ân thiết thực. Trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bên cạnh những người bị mất việc làm, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng cũng được nhận hỗ trợ. Ai cũng thấy sự hỗ trợ trên mang nhiều ý nghĩa với những người đã chịu nhiều hy sinh, mất mát trong thời chiến và nhiều thiệt thòi trong thời bình. Tổ chức viếng, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng trở thành những hoạt động chủ yếu của các địa phương trong dịp này, sau khi bỏ những hoạt động như bắn pháo hoa, gặp mặt, triển lãm…

Tuy các hoạt động kỷ niệm ngày thống nhất đất nước đã được giản lược nhưng ở giai đoạn đặc biệt này, chúng ta lại thấy sự thống nhất cao độ trong tinh thần “chống dịch như chống giặc” của người dân cả nước, sự xả thân hết mình của các chiến sĩ Quân đội nhân dân cùng người dân chống dịch. Hình ảnh bộ đội ngủ rừng nơi biên cương Tổ quốc để tạo nên vành đai an toàn chống dịch hay các chiến sĩ nhường doanh trại, chuẩn bị từng bữa ăn cho những người cách ly gây xúc động cho người dân. Tính đến ngày 28.4, các đơn vị quân đội đã tiếp nhận gần 60.000 người tại 150 điểm cách ly trong cả nước. San sẻ với sự vất vả đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã quyên góp, ủng hộ các vật dụng cần thiết để các chiến sĩ thêm điều kiện chống dịch và quan trọng hơn cả là tiếp thêm sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, đúng với truyền thống “quân với dân như cá với nước” của dân tộc ta.

Ngày 30.4.1975, đất nước ta thu về một mối, non sông liền một dải. 45 năm sau, sự thống nhất của đất nước càng có ý nghĩa sâu sắc khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, đoàn kết một lòng đẩy lùi đại dịch Covid-19. Chính sự đoàn kết, nhất trí giúp chúng ta một lần nữa đưa đất nước vững bước trong khó khăn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Dù đâu đó vẫn có thể còn những bất đồng chính kiến nhưng tất cả đều không thể phủ nhận Việt Nam đã và đang làm tốt công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân. Tuy giảm bớt những hoạt động kỷ niệm tưng bừng nhưng dịp lễ 30.4 năm nay, ý nghĩa về sự thống nhất, đoàn kết hiển hiện thật rõ ràng và sâu sắc.

THÁI HÒA