Ngày pháo hoa vui niềm sum họp
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 15:15, 30/04/2020
Mở đầu bài thơ là hình ảnh những người lính sư đoàn tiến vào Sài Gòn được nhà thơ khắc họa với vẻ đẹp thật bình dị nhưng rất hùng tráng và đậm chất sử thi. Đó là những người lính Cụ Hồ chân đất, “mũ lá sen xanh một khoảng rừng”, phải “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” gian khổ, hiểm nguy. Chính hiện thực khốc liệt ấy đã làm nên chiến thắng vinh quang trong ngày 30.4 lịch sử. Khổ thơ đầu gây xúc động cho người đọc chính là những nhọc nhằn vẫn hằn in trên từng khuôn mặt người lính qua một loạt hình ảnh đặc tả ấn tượng.
Sau phút giây ngỡ ngàng trước “bao màu sắc lạ”, nơi đô thành với giọng thơ tràn ngập cảm xúc, hơi thơ nhẹ và chơi vơi như nỗi niềm người lính, khổ thơ tiếp theo được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu khai thác với một loạt hình ảnh đối lập, sắc và mạnh khi sư đoàn tiến vào giải phóng miền Nam. Sài Gòn lúc này hòa bình và chiến tranh chỉ cách nhau trong gang tấc. Câu thơ “Chiều xanh trời ngẩng mặt ngắm trời xanh” hay đến không ngờ, diễn tả tâm trạng người lính say ngắm hiên ngang như quên cả chính mình. Muốn có một thành phố hòa bình, Sài Gòn phải trải qua bão lửa dữ dằn, khốc liệt trong thời khắc định mệnh. Và quả thật, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã khắc họa rất thành công ngày 30.4 vừa có “pháo hoa” vừa có “bão lớn”, vừa “chuyển rung mặt đất” vừa “súng đạn thảnh thơi”. Sài Gòn trở nên khốc liệt, bạo tàn nhưng đồng thời cũng yên bình và thơ mộng. Nghệ thuật đối lập kết hợp với thủ pháp điệp cấu trúc đã tạo nên những câu thơ hùng hồn, mạnh mẽ, phản ánh đúng hiện thực đời sống và tâm trạng của tác giả lúc này.
Sau những dòng tâm trạng thật ngỡ ngàng và hào sảng khi vào đến Sài Gòn, khổ thơ thứ ba là những cảm xúc, nỗi niềm suy tư lắng sâu hơn của nhà thơ về ngày hòa bình, thống nhất đất nước qua hình tượng tiếng đàn bầu như một biểu tượng tâm hồn của dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử. Phút sum họp hai miền Nam-Bắc được biểu đạt qua khúc hát đàn bầu nghe mới tha thiết làm sao. Âm thanh tiếng đàn dường như giăng vào trời đất, cất thành nhạc điệu, hòa cùng tiếng lòng của muôn triệu người nghe. Tuy sử dụng thể thơ tự do, vắt dòng nhưng âm điệu đoạn thơ vẫn khiến người đọc xao xuyến, bồi hồi và lắng lòng qua từng đường tơ ngôn ngữ. Nhờ đó, ngày hòa bình, thống nhất giang sơn hiện ra vừa thiêng liêng cao đẹp vừa gần gũi yêu thương.
Ngày chiến thắng là khoảng thời gian nhà thơ lặng ngắm giang sơn chưa đẹp thế bao giờ, cảm nhận vẻ đẹp đất nước qua mỗi cánh rừng, hòn đảo nơi mặt biển khơi xa, bầu trời mây trắng và trăm ngàn giọng hót “hòa bình vui lạ”. Tự hào về độc lập, tự do vừa có được, nhà thơ như bay lên trong hạnh phúc ngập tràn. Một loạt hình ảnh thơ ùa vào trang viết rộn rã niềm vui, hào hứng đến say mê. Nhân vật trữ tình là người lính sư đoàn - cũng chính là cái tôi trữ tình tác giả - như đang trải qua một giấc mộng diệu kỳ trong tâm tưởng. Điệp từ chỉ định “này” kết hợp với nghệ thuật liệt kê: rừng xanh, quần đảo, vòm trời, đàn chim… đã mở ra một thế giới hòa bình vừa đẹp đến ngỡ ngàng, vừa tràn đầy tự hào về một Việt Nam từ nay “nguyên vẹn của ta rồi”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết bài thơ “Ngày 30 tháng 4” giữa không khí ngập tràn niềm vui thắng trận. Bài thơ ra đời đã tròn 45 năm, hòa nhịp đập ca vui cùng non sông đất nước suốt tháng ngày hòa bình, hạnh phúc. Giờ đây, mỗi lần đọc lại bài thơ này, lòng mỗi người dân nước Việt lại càng thêm tự hào và vui sướng.
LÊ THÀNH VĂN
Ngày 30 tháng tư NGUYỄN ĐỨC MẬU |