Hậu phương lớn Hải Dương

Tin tức - Ngày đăng : 16:24, 01/05/2020

Nhân dân trong tỉnh đã tiết kiệm tiêu dùng, ăn độn sắn khoai, dành từ cân gạo đến lạng thịt, góp phần đóng góp trên 60 vạn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc chiến đấu…

Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm trí nhiều người dân trong tỉnh lại nhớ về một thời "Mỗi người làm việc bằng hai! Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ!"

Đó là không khí sôi sục của quân dân ta từ giữa những năm 60 thế kỷ trước, khi thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba đề ra là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân Hải Dương đã phát huy truyền thống “Đường 5 anh dũng” trong chín năm kháng chiến chống Pháp, đoàn kết chặt chẽ, huy động mọi lực lượng, “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa hết lòng hết sức chi viện cho tỉnh Phú Yên kết nghĩa, cho miền Nam ruột thịt đánh thắng quân xâm lược Mỹ và tay sai. 

Để thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, các phong trào thi đua cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật HTX trong nông nghiệp giành mục tiêu “1 lao động, 5 tấn thóc, 2 con lợn 1 hécta”, phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong  phụ nữ và nhiều phong trào khác đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để Hải Dương trở thành hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

Nối tiếp truyền thống từ thời kỳ chống Pháp, cả tỉnh đã có 125.000 thanh niên nam nữ hăng hái đăng ký vào bộ đội, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Tại địa phương, các lực lượng vũ trang và nhân dân đã phối hợp với các đơn vị quân đội vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, trong đó có 13 chiếc do lực lượng vũ trang địa phương bắn hạ, bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến đường huyết mạch nối cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội.

Nhân dân trong tỉnh đã tiết kiệm tiêu dùng, ăn độn sắn khoai, dành từ cân gạo đến lạng thịt, góp phần đóng góp trên 60 vạn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc chiến đấu… 

Những hy sinh, đóng góp của quân dân Hải Dương trong chống Mỹ, cứu nước là vô cùng to lớn. Những việc làm đó đã góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thành tích đó thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho tỉnh, 12 huyện, thị xã, thành phố và nhiều cơ sở; đem lại vinh dự lớn lao cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, các bà mẹ có chồng con hy sinh cho dân tộc với hàng nghìn tấm huân chương, huy chương các hạng, các danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác… 

Phát huy truyền thống quý báu đó, 45 năm qua, Hải Dương đã không ngừng phát triển. Từ một tỉnh thuần nông, Hải Dương đã từng bước chuyển dần lên nền kinh tế có cơ cấu công - nông nghiệp - dịch vụ tiên tiến, không ngừng tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tăng trưởng nhanh, tiến tới mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.               

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG