Những thách thức của châu Phi

Bình luận - Ngày đăng : 12:46, 02/05/2020

Châu Phi vừa là nơi có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất và cũng là châu lục chậm phát triển nhất thế giới không nằm ngoài vòng tàn phá của đại dịch Covid-19.

Cảnh sát nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách xã hội trong khi chờ đợi đến lượt tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN

Khi đại dịch qua đi, châu Phi sẽ phải đối mặt những thách thức lớn về an ninh – kinh tế và cả nghèo đói.

Thách thức về an ninh

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và bắt đầu lây lan tới châu Âu và Mỹ, nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan cho rằng với châu Phi quanh năm nóng bỏng vì ánh sáng mặt trời nên SARS-Cov-2 không có đất sống tại châu lục này. Thế nhưng ngày 14.2, Ai Cập - quốc gia Bắc Phi quanh năm nắng lửa đã thông báo có trường hợp Covid-19 đầu tiên. Đến ngày 31.3 (47 ngày sau ca nhiễm đầu tiên tại Ai Cập) đã có 49/54 quốc gia trên châu lục có người nhiễm Covid-19. Bốn nước Bắc Phi gồm Ai Cập, Algeria, Maroc, Tunisia chiếm 40% số ca nhiễm bệnh của toàn châu lục.

Dịch đã lây lan nhanh tới Tây và Nam Phi khiến châu lục này lúng túng trong ngăn ngừa dịch bệnh do cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Cả châu lục, tính đến tháng 2.2020 chỉ có Viện Pasteur của Senegal và Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi có khả năng xét nghiệm SARS-Cov-2. Toàn châu lục 54 quốc gia có 1.400 chuyên gia dịch tễ học, tỷ lệ 2 bác sĩ/10.000 dân. Cộng hòa Nam Phi là nước phát triển nhất cũng chỉ có 11.000 giường bệnh trong các phòng chăm sóc đặc biệt, tại Kenya có 130 giường, Uganda 55 giường và Malawi 25 giường.

Một ví dụ về hạ tầng y tế đó là Nigeria đất nước có 200 triệu dân bằng 2/3 dân số nước Mỹ nhưng chỉ có chưa đầy 500 máy thở so với hơn 172.000 máy thở của Mỹ. Khoảng 60% số dân châu lục sống trong điều kiện chưa được như mong muốn.

Mặc dù cơ sở hạ tầng yếu kém nhưng đa số các quốc gia tại châu Phi dường như đã hiểu rõ mối nguy hiểm của Covid-19 nên đã đưa ra các biện pháp mạnh tay để chống dịch như chính phủ Rwanda đưa kế hoạch hỗ trợ lương thực cho hơn 20.000 hộ dân tại Thủ đô Kigali. Các quốc gia trên thực hiện quyết liệt biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan của dịch bệnh nhưng một thực tế đang đặt ra cho châu Phi chính là nguy cơ bất ổn về an ninh bởi tại một châu lục mà lịch sử hiện đại từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột bạo lực thì Covid-19 chính là nguy cơ lớn cho an ninh.

Khi đại dịch qua đi, sản xuất sẽ trở lại nhưng khả năng tài chính yếu kém dẫn đến công việc không bảo đảm sẽ dẫn đến xung đột từ việc người dân thiếu tin tưởng vào chính quyền. Cảnh báo về nguy cơ này, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi ông Nkengasong cho rằng đại dịch Covid-19 có thể “đầu tiên là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia, thứ hai mới đến cuộc khủng hoảng kinh tế và thứ ba là cuộc khủng hoảng y tế”. Từ cảnh báo này cho thấy bản thân các nước tại châu Phi phải vượt lên chính mình để tìm ra các quyết sách đúng trong việc giải quyết các vấn đề lớn liên quan đến an ninh quốc gia. Mặt khác thế giới cần một phản ứng chung toàn cầu để hỗ trợ châu Phi không chỉ để chiến thắng Covid-19 mà về lâu dài là phát triển kinh tế, xóa khoảng cách giàu nghèo, loại trừ xung đột mới mong có một châu Phi ổn định.

Thách thức về kinh tế

Dường như đã đoán định được tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 nên ngay từ tháng 3 vừa qua, các bộ trưởng tài chính của các nước châu Phi đã kêu gọi một gói kích thích kinh tế lên tới 100 tỷ USD, trong đó gồm miễn trừ các khoản thanh toán nợ 44 tỷ USD. Hai định chế tài chính lớn nhất thế giới là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đã thừa nhận rằng dù đã nhận được các gói hỗ trợ lớn và các cam kết về giãn, giảm, xóa nợ nhưng châu lục nghèo nhất thế giới vẫn cần tới 44 tỷ USD để khắc phục hậu quả của Covid-19. Nhiều chuyên gia kinh tế thuộc châu Phi cho rằng sẽ rất khó để đánh giá đầy đủ về mức độ suy thoái kinh tế sau Covid-19 tại châu lục này sẽ lên tới 4,5%, thậm chí còn cao hơn nhiều. Nếu không có đại dịch Covid-19, việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ các quốc gia thuộc châu lục đã khó khăn nay sẽ khó khăn hơn nhiều lần. Theo Ngân hàng phát triển châu Phi (AFDB), các khoản nợ hầu hết các quốc gia thuộc châu lục đã tăng đáng kể trong những năm gần đây dù tình hình giữa các quốc gia đã có những thay đổi cơ bản. Nhìn chung toàn châu lục các khoản nợ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 30% năm 2012 lên 56%, thậm chí có quốc gia lên tới 95%, khả năng thanh toán nợ của các quốc gia thuộc châu lục đang là một thách thức cực kỳ lớn và đôi khi là không thể (vỡ nợ).

Có thể nói việc giải quyết vấn đề nợ nước ngoài của châu Phi là vấn đề cực kỳ nan giải không chỉ của riêng châu Phi mà là vấn đề chung của các định chế tài chính lớn và của các quốc gia phát triển. Tỷ lệ các quốc gia mắc nợ tại châu lục này rất cao, trước đại dịch Covid-19 xảy ra, trong năm 2019 đã có 18 quốc gia thuộc châu Phi rơi vào cuộc khủng hoảng nợ do nhiều lý do, trong đó có việc giá nguyên liệu thô các chủng loại, kể cả dầu thô sụt giảm.

Để cứu châu Phi thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ nhằm giảm bớt tác động của khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia chủ nợ buộc phải xem xét giãn nợ cho châu Phi. Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) trong tháng 3 vừa qua đã giãn nợ cho 40 quốc gia thuộc châu Phi. Vấn đề quan trọng bậc nhất đặc ra hiện nay là từ tuyên bố đến hành động cụ thể sẽ cần độ trễ dài của thời gian mới đi tới hiện thực để châu Phi có tiền khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo nhà nghiên cứu Serge Michailof thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) cho rằng “đó là một chiến lược tinh vi và không giống như năm 1980, cấu trúc nợ lần này phức tạp hơn nhiều vì năm 1980 các khoản nợ của châu Phi chủ yếu vay từ châu Âu hoặc các định chế tài chính quốc tế nhưng phải mất 10 năm để điều chỉnh các khoản vay”. Vấn đề nợ của châu Phi lần này có khoảng 450 tỷ USD được vay từ nhiều nguồn, như đa phương chiếm 50%, tư nhân và từ các quốc gia mới nổi.

Thách thức về đói nghèo

Nếu thế giới đang và sẽ phải trải qua cuộc khủng hoảng kép là đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thì châu Phi phải hứng chịu hơn thế, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực. Thực ra gánh nặng nghèo đói toàn cầu hiện nay tập trung chủ yếu tại khu vực châu Phi, chỉ tính 2 quốc gia là Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo đã có hơn 15 triệu người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Theo tính toán của Chương trình mục tiêu phát triển bền vững (SDGS) của Liên hợp quốc thì khoảng 40% số dân châu Phi đang sống dưới mức 1,9 USD/ngày. Trong đó, ở khu vực phía nam sa mạc Sahara có số người nghèo đói gấp đôi các khu vực khác (kể cả ở khu vực Nam Á) và châu Phi chiếm khoảng 60% số người nghèo đói toàn cầu.

Có tình trạng trên do một số quốc gia ở châu lục này thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang và sắc tộc làm sản xuất (đặc biệt là ngành nông nghiệp) bị đình trệ. Hiện nay song hành với đại dịch Covid-19, châu Phi (và một số nước Nam Á) đang phải chống đỡ với đại dịch châu chấu, nhiều nhất là các quốc gia Đông Phi. Theo các nhà khoa học, châu chấu có thể di chuyển 150 km/ngày và có tới 40-80 triệu con/km2, đưa số lượng lên tới hơn 10 tỷ con tại châu Phi và chúng tiếp tục phát triển với tốc độ cực nhanh. 

Thực tiễn dịch châu chấu ở châu Phi đang nhắc nhở cộng đồng quốc tế không thể xem thường “đại dịch” này bởi suy cho cùng loại dịch hại này là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực không chỉ cho châu Phi mà nó sẽ lan rộng ra toàn cầu.

Việc chống khủng hoảng lương thực không còn là chuyện của riêng châu Phi mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Nếu châu Phi thiếu lương thực cũng như các vấn đề an ninh – xã hội không được giải quyết sẽ lại xảy ra các cuộc di cư lớn gây bất ổn cho nhiều khu vực khác trên thế giới.

Có một điều rất rõ ràng là cuộc khủng hoảng Covid-19 đã chứng minh rằng một đại dịch mới có thể lây lan nhanh khắp toàn cầu, để lại những hậu quả khôn lường, cho nên đòi hỏi phải có giải pháp toàn cầu, kể cả đại dịch châu chấu tại châu Phi.

HẢI HÀ