"Mới" trong "cuộc sống bình thường mới"

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:53, 02/05/2020

"Cuộc sống bình thường mới" không có nghĩa bỏ hết những thói quen, lề lối cũ mà chúng ta phải nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới, sau những ngày chống dịch.

Chỉ vài ngày sau khi Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã chọn một tour du lịch đặc biệt đánh dấu sự quay trở lại sau một thời gian ngủ đông vì chống dịch COVID-19: tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn". 

Ngoài yếu tố truyền thống, đó là cách tiếp cận mới nhắm đến khách trong nước khi du khách nước ngoài vẫn chưa quay lại vì COVID-19.

Cả nước đang từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế đã đem đến hứng khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, dù mọi người không quên còn rất xa nữa cuộc sống mới hoàn toàn trở lại bình thường. Thay vào đó, chúng ta sẽ trở lại với một "cuộc sống bình thường mới".

"Cuộc sống bình thường mới" không có nghĩa bỏ hết những thói quen, lề lối cũ mà chúng ta phải nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới, sau những ngày chống dịch.

Đó là cuộc sống có sự tham gia nhiều hơn của công nghệ, yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn, an toàn hơn. 

Trong chữ "mới" đó cũng hàm chứa những thách thức là người tiêu dùng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn, thị trường hẹp hơn, chi phí tiêu dùng hạn chế... 

Ở đó, nhiều người bị tác động bởi dịch COVID-19 chưa thể đi làm lại bình thường, một số mất việc, số khác phải chuyển ngành nghề để kiếm sống.

Hiểu được ý nghĩa của từ "mới" để có những thích nghi, chuyển dịch nhanh chóng, buộc doanh nghiệp phải quan sát, đổi mới sáng tạo, đáp ứng cách thức tiêu dùng không còn như trước.

Trong mùa du lịch dịp lễ 30.4 này, thị trường du lịch đã hoàn toàn thay đổi từ cách thức tổ chức đến thị hiếu tiêu dùng. Người dân không còn đi xa, đến chỗ đông người mà chuyển sang đi gần, tụ tập trong không gian nhỏ. 

Thị trường bán lẻ cũng bị xâm chiếm bởi thương mại điện tử, các hoạt động khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng, sự kiện thu hút đông người không còn diễn ra, người dân đang làm quen với "giãn cách 2 m", mua sắm qua mạng, qua app...

Hiện doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác cũng đang muốn quay trở lại thị trường với suy nghĩ phải có cách thức kinh doanh làm ăn khác trước, với kịch bản riêng, đưa ra các sản phẩm phù hợp với tâm lý tiêu dùng, đặt sự an toàn lên trên hết. Dịch bệnh buộc công ty suy nghĩ về phát triển bền vững, linh hoạt và không phụ thuộc.

Với doanh nhân, người tiêu dùng, chữ "mới" là như vậy cũng đòi hỏi cơ quan quản lý không thể theo cách làm cũ mà phải thể hiện vai trò kiến tạo để có những chính sách, quy chế mới cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Tăng tốc bắt nhịp với cuộc sống bình thường mới chính là làm cho cuộc sống mọi người tốt lên. Thử thách đang chờ chúng ta.

NHƯ BÌNH