Mùa đầu u sầu, lời nguyền kinh hãi dành cho sao Premier League tại Real Madrid

Quốc tế - Ngày đăng : 20:42, 03/05/2020

Những cầu thủ, hầu như là ngôi sao, gia nhập Real Madrid từ Ngoại hạng Anh, kỳ lạ thay đa phần chịu chung một lời nguyền về mùa giải đầu tiên thiếu suôn sẻ. Cristiano Ronaldo không phải ngoại lệ.

88,5 triệu bảng, 150 triệu bảng tính cả phụ phí, Eden Hazard gia nhập Real Madrid trong kỳ chuyển nhượng hè 2019 với tư cách là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, phá kỷ lục của Cristiano Ronaldo (hoặc Gareth Bale). Bom tấn! Đó là điều miễn bàn. Và ngôi sao người Bỉ cũng được kỳ vọng lấp đầy khoảng trống của Ronaldo, điều mà Bale đã không làm được.

Tuy nhiên, cho đến khi mùa giải phải dừng lại vì Covid-19, Hazard chưa thể đáp ứng được kỳ vọng. Phong độ kém cỏi, chấn thương liên miên và mới chỉ ra sân 15 trận, ghi 1 bàn thắng, là những gì có thể nói về màn trình diễn của cầu thủ người Bỉ tại Santiago Bernabeu. Tuy nhiên, nếu nhìn về quá khứ, khởi đầu u sầu như Hazard lại là điều thường thấy ở những sao Ngoại hạng Anh gia nhập đội bóng Hoàng gia.

ROBERT JARNI (COVENTRY CITY): HÈ 1998 - 3,4 TRIỆU BẢNG

Cầu thủ đầu tiên trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh đến với Real Madrid thực ra không phải là ngôi sao. Đó là Robert Jarni, cầu thủ đầu quân cho Real vào mùa hè 1998 từ Coventry City với mức phí chuyển nhượng vỏn vẹn 3,4 triệu bảng.

Hậu vệ cánh trái người Croatia này chỉ trụ lại Bernabeu được vỏn vẹn 1 năm, dù có 27 lần ra sân tại La Liga, rồi chuyển sang Las Palmas vì không bao giờ có cơ hội chiếm suất đá chính vốn mặc định của Roberto Carlos.

Nhìn chung, Robert Jarni là một cái tên bị lịch sử Real Madrid lãng quên. Chỉ có một giai thoại lưu truyền cho đến hôm nay về vụ chuyển nhượng của tuyển thủ Croatia này. Đó là Coventry City thực tế chỉ là trạm trung chuyển để Real chiêu mộ Jarni, bởi vì Real Betis nhất quyết từ chối bán cầu thủ vừa tỏa sáng tại World Cup 1998 cho đội bóng Hoàng gia. Sự trắc trở tréo nghoe ấy có thể đã bắt đầu cho một lời nguyền kinh hãi về sau.

STEVE MCMANAMAN (LIVERPOOL): HÈ 1999 - Chuyển nhượng tự do

McManaman là cầu thủ Ngoại hạng Anh thứ hai, và cũng là cầu thủ người Anh thứ hai, gia nhập đội bóng Hoàng gia, trong phiên chợ hè 1999 theo dạng chuyển nhượng tự do. Nhưng vừa đặt chân đến Bernabeu, McManaman đã bị đầu lĩnh Raul phủ đầu: "Nếu McManaman nghĩ rằng cậu ấy vừa đến một trong những câu lạc bộ (CLB) hàng đầu thế giới thì cậu ấy đã nhầm".

Thực tế, Raul không dằn mặt đồng đội mới mà chỉ nói về tình trạng hỗn loạn ở thời điểm giao thời thiên niên kỷ, với việc thay tướng liên tục. Trở lại với McManaman, cầu thủ chạy cánh này khởi đầu chậm chạp và mất suất đá chính từ tháng 10. Tuy nhiên, đến cuối mùa, anh dần lấy lại phong độ và đóng góp 1 bàn thắng, bằng cú tung người vô-lê đẹp mắt, trong chiến thắng 3-0 của Real Madrid trước Valencia tại chung kết Champions League.

NICOLAS ANELKA (ARSENAL): HÈ 1999 - 22,3 TRIỆU BẢNG

Cùng đến Real vào mùa hè 1999 với McManaman là Anelka. Nhưng nếu McManaman miễn phí và an phận để gắn bó được 4 năm thì Anelka tiêu tốn của đội bóng Hoàng gia tới 22,3 triệu bảng, so thời giá không kém gì thương vụ Hazard hiện nay và nhanh chóng bị tống khứ bởi phong độ lẫn thái độ thiếu ổn định. Dấu ấn duy nhất của Anelka tại Real là những bàn thắng vào lưới Bayern Munich tại bán kết Champions League.

DAVID BECKHAM (M.U): HÈ 2003 - 25 TRIỆU BẢNG

Sau Figo, Zidane và Ronaldo, Beckham trở thành Galactico tiếp theo trong dải ngân hà của Chủ tịch Florentino Perez. Tuy nhiên, Becks chưa bao giờ đạt được phong độ đỉnh cao trong mùa giải đầu tiên khoác áo Real. Mùa giải bùng nổ nhất của Beckham tại Real là mùa 2006/07, một năm sau khi Los Galacticos sụp đổ.

MICHAEL OWEN (LIVERPOOL): HÈ 2004 - 8 TRIỆU BẢNG

Owen đến Real trong giai đoạn đi xuống của Los Galacticos, với hy vọng tạo ra bước tiến mới cho sự nghiệp. Và đó là một sai lầm. Lão thần đồng của bóng đá Anh, theo cách gọi lúc bấy giờ, không thể tranh suất đá chính của hai "đại bàng" Raul và Ronaldo, đồng nghĩa với việc phải dạt biên và hiếm khi đá trọn 90 phút. Vì vậy, trong mùa giải đầu tiên và cũng là duy nhất khoác áo Real, Owen chỉ có 16 bàn sau 45 trận.

JONATHAN WOODGATE (NEWCASTLE): HÈ 2004 - 13,4 TRIỆU BẢNG

Sau khi thất bại trong nỗ lực chiêu mộ Alessandro Nesta, Real chi ra 13,4 triệu bảng, một số tiền không nhỏ, để chiêu mộ Woodgate, trung vệ đang lên của bóng đá Anh. Phần còn lại là lịch sử, lịch sử về một trong những bản hợp đồng tệ hại nhất.

Hè 2004, Woodgate ký hợp đồng với Real khi đang chấn thương... 13 tháng sau, anh có trận ra mắt trước đối thủ Athletic Bilbao. Trận này, Woodgate phản lưới và lĩnh thẻ đỏ. Năm 2007, Real bán tống bán tháo Woodgate cho Middlesbrough.

THOMAS GRAVESEN (EVERTON): HÈ 2005 - 2,45 TRIỆU BẢNG

Khi Los Galacticos ngày càng đi xuống, Florentino Perez nhận ra sai lầm khi bán Makelele và sửa sai bằng cách chiêu mộ Gravesen. Tôuy nhiên, thay vì có một chiến binh ở giữa sân để những ngôi sao trên hàng công thoải mái phô diễn, Real có một gã điên từng đòi xé Robinho thành từng mảnh trên sân tập. Và không có gì ngạc nhiên khi chỉ sau 1 mùa giải, Real đẩy Gravesen sang Celtic.

JOSE ANTONIO REYES (ARSENAL): HÈ 2006 - MƯỢN

7 năm sau thảm họa Anelka, Real mới dám trở lại Arsenal để hỏi mua một tài năng trẻ. Đó là Reyes, người đang vật lộn kiếm tìm chỗ đứng tại Highbury. Reyes không quá bùng nổ tại Real, song vẫn để lại những dấu ấn nhất định trong màn nước rút ngoạn mục để vô địch La Liga của thầy trò Capello. Dù vậy, sau đó Reyes lại chọn gia nhập Atletico Madrid, kình địch láng giềng của Real.

RUUD VAN NISTELROOY (M.U): HÈ 2006 - 11 TRIỆU BẢNG

Chiêu mộ Van Nistelrooy là một quyết định mạo hiểm của đội bóng Hoàng gia. Bởi lẽ, thời điểm đó chân sút người Hà Lan đã bước qua tuổi 30 và không còn giữ được vị thế tại Old Trafford. Tuy nhiên, Real đã thắng lớn trong canh bạc này. Van Nistelrooy chưa hề đánh rơi bản năng săn bàn và đóng góp 33 bàn trên mọi đấu trường ngay mùa đầu tiên khoác áo đội bóng Hoàng gia.

GABRIEL HEINZE (M.U): HÈ 2007 - 8 TRIỆU BẢNG

Với lợi thế "nước ngoài", Real đã đánh bại Liverpool để có được Heinze từ M.U. Hậu vệ người Argentina được kỳ vọng sẽ thay thế Roberto Carlos, dù cầu thủ này thiên về phòng ngự, đá rắn và không biết đá phạt. Tuy góp công giúp Real bảo vệ thành công chức vô địch La Liga nhưng Heinze chỉ có 20 lần ra sân, một con số ít ỏi.

ARJEN ROBBEN (CHELSEA): HÈ 2007 - 24 TRIỆU BẢNG

Cũng đến Bernabeu từ Ngoại hạng Anh, nhưng theo cách hoành tráng hơn là Robben, ngôi sao tấn công của Chelsea. Mùa đầu tiên khoác áo Real, cầu thủ chạy cánh người Hà Lan chưa thể bùng nổ với những pha đi bóng cắt vào trong đặc trưng, khi chỉ có tổng cộng 5 bàn thắng và kiến tạo sau 28 lần ra sân. Thực tế, Robben có duyên nhưng không phận ở Real, anh chỉ thành công khi rời đội bóng Hoàng gia để đến Bayern vào năm 2009.

LASSANA DIARRA (PORTSMOUTH): ĐÔNG 2009 - 20 TRIỆU BẢNG

4 năm sau sai lầm mang tên Gravesen, Real rút ra bài học không nên chiêu mộ những cầu thủ phòng ngự quá cá tính. Thế nên, Lass Diarra được chọn bởi phong cách cúc cung tận tụy. Kết quả là Real có một thương vụ tương đối thành công. Tuy nhiên, so với tiền bối Makelele, Lass Diarra mờ nhạt hơn nhiều.

JULIEN FAUBERT (WEST HAM): ĐÔNG 2009 - MƯỢN

Faubert là một thương vụ kinh điển theo hướng tiêu cực khác của đội bóng Hoàng gia. Ngày ra mắt Real, Faubert vẫn còn bối rối vì không tin được những gì đang xảy ra còn huyền thoại Di Stefano, chủ tịch danh dự Real Madrid chẳng biết nói gì về tân binh kỳ quặc của đội bóng Hoàng gia.

Mọi chuyện còn kỳ quặc hơn trong nửa mùa giải Faubert khoác áo Real, với vỏn vẹn 54 phút ra sân, một lần ngủ quên trên băng ghế dự bị ngay khi trận đấu đang diễn ra và vài lần bỏ lỡ buổi tập vì cứ ngỡ ngày nghỉ.

CRISTIANO RONALDO (M.U): HÈ 2009 - 80 TRIỆU BẢNG

Nếu Faubert là vực sâu, Ronaldo hẳn nhiên là đỉnh cao. Nhưng kể cả đỉnh cao muôn trượng, siêu sao người Bồ Đào Nha vẫn không thoát khỏi lời nguyền mùa đầu u sầu tại Real.

Tuy ghi 33 bàn và đóng góp 12 pha kiến tạo sau 35 trận trong mùa đầu tiên, nhưng đó lại là thành tích kém nhất của Ronaldo trong thời gian khoác áo đội bóng Hoàng gia, và là mùa duy nhất anh trắng tay.

XABI ALONSO (LIVERPOOL): HÈ 2009 - 30 TRIỆU BẢNG

Trong làn sóng Galacticos 2.0 của Florentino Perez, từ Ngoại hạng Anh đến Santiago Bernabeu ngoài Cristiano Ronaldo còn có Xabi Alonson. Dĩ nhiên không nổi bật như CR7 nhưng Alonso vẫn khẳng định được đẳng cấp trong 5 năm khoác áo đội bóng Hoàng gia. Mùa đầu tiên, tiền vệ này có 6 pha kiến tạo và 3 bàn thắng trong 34 lần ra sân. Dĩ nhiên, vẫn trắng tay danh hiệu.

RICARDO CARVALHO (CHELSEA): HÈ 2010 - 6,7 TRIỆU BẢNG

Real chiêu mộ Carvalho khi trung vệ này đã 32 tuổi. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ông thầy ruột Jose Mourinho, lão tướng người Bồ Đào Nha vẫn có những đóng góp đáng kể cho Real. Mùa giải đầu tiên, Carvalho ra sân tới 48 lần trên mọi đấu trường.

LUKA MODRIC (TOTTENHAM): HÈ 2012 - 33 TRIỆU BẢNG

Modric, cầu thủ đầu tiên giành Quả bóng vàng trong kỷ nguyên Messi-Ronaldo, cũng không thoát khỏi lời nguyền mùa đầu u sầu tại Real. Thậm chí Modric có thể xem là hiện thân của lời nguyền quái ác này, với việc bị bình chọn là bản hợp đồng tệ nhất mùa giải. Tất nhiên, sau mùa đầu, phần còn lại đúng nghĩa là lịch sử.

MICHAEL ESSIEN (CHELSEA): HÈ 2012 - MƯỢN

Tiếp nối thành công từ thương vụ Carvalho, Real lại đem về từ Chelsea một học trò ruột khác cho Mourinho. Đó là Essien. Tuy nhiên, so với Carvalho, Essien không thành công bằng và càng không thể hiện được sự bùng nổ như đã có trong màu áo Chelsea. Rốt cuộc, tiền vệ người Ghana trở lại Stamford Bridge sau 1 mùa cho mượn.

GARETH BALE (TOTTENHAM): HÈ 2013 - 85,3 TRIỆU BẢNG

Real chiêu mộ Bale với rất nhiều kỳ vọng. Mùa đầu tiên, phần nào kỳ vọng ấy được đáp đền với 22 bàn thắng, 19 pha kiến tạo sau 44 trận, trong đó có bàn thắng mang ý nghĩa quyết định vào lưới Atletico Madrid tại chung kết Champions League. Tuy nhiên, ngay từ mùa đầu tiên ấy, Bale đã không duy trì được sự ổn định và bùng nổ như trong màu áo Tottenham.

THIBAUT COURTOIS (CHELSEA): HÈ 2018 - 35 TRIỆU BẢNG

Courtois gia nhập Real từ Chelsea với vị thế ngôi sao trấn giữ khung thành. Nhưng thật bi kịch, từ khi thủ thành người Bỉ đến, Real thua liểng xiểng và chính vị trí của Courtois cũng bị hoài nghi. Mọi chuyện chỉ được vãn hồi từ khi Zidane trở lại, tức thì Coutois cũng không thoát khỏi lời nguyền.

Theo Bongdaplus