Mỹ - Trung chạy đua tạo vaccine COVID-19
Bình luận - Ngày đăng : 13:31, 06/05/2020
Bên trong phòng thí nghiệm của Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình NYT
Sự khẩn trương là điều cần thiết trong bối cảnh hơn 252.000 người đã chết trên toàn cầu, nhưng ẩn đằng sau đó là cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc. Danh tiếng, tiền bạc và cả khả năng chi phối thế giới - những lợi ích của việc trở thành nước đầu tiên chế tạo thành công vaccine được ví như "chén thánh" mà bất kỳ ai đang tham gia cuộc đua cũng đều mong muốn sở hữu.
Ưu tiên quốc gia của Trung Quốc
Phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang trở thành ưu tiên quốc gia đứng hàng đầu trong các ưu tiên của Trung Quốc. Có tới 4 loại vaccine đang thử nghiệm trên người ở Trung Quốc, 2 trong số đó đã bước vào giai đoạn 2 của thử nghiệm trên người, trong lúc phần lớn dự án khác trên thế giới chỉ mới dừng ở việc thử nghiệm trên động vật.
Theo New York Times (NYT), một quan chức cấp cao Trung Quốc khẳng định loại vaccine được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sẽ sẵn sàng ra mắt vào tháng 9 tới. Truyền thông Trung Quốc không tiếc lời ca ngợi nữ tướng Trần Vi - nhà dịch tễ học mang quân hàm đang dẫn dắt một trong chín dự án sản xuất vaccine. Mọi thứ rất rầm rộ, duy chỉ có một điều cho đến nay Bắc Kinh vẫn im lặng: chi phí nghiên cứu và thử nghiệm.
CanSino Biologics, một công ty có trụ sở ở Thiên Tân và thuộc quân đội Trung Quốc, đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có vaccine bước vào giai đoạn 2 của thử nghiệm trên người. Ít nhất 508 người đã được tiêm loại vaccine của CanSino, bao gồm các tình nguyện viên đăng ký qua mạng.
Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn nhà nước Sinopharm cũng tiếp bước CanSino. Sinovac Biotech, một công ty tư nhân, và Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh cũng thuộc Sinopharm đang trong giai đoạn 1 của thử nghiệm vaccine trị COVID-19 trên người.
Trung Quốc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị này bất chấp các bê bối trong quá khứ, theo NYT. Chẳng hạn, Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bị kiện ít nhất 2 lần vì vaccine gây ra biến chứng, lần lớn nhất là vào năm 2018 khi đơn vị này liên quan tới vaccine 3 trong 1 kém chất lượng tiêm cho hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh. Sinovac thì dính bê bối hối lộ hàng chục ngàn USD để được cấp phép một loại thuốc.
Mỹ: nén 10 năm thành 10 tháng
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước tuyên bố ông sẽ nhận trách nhiệm cho "Operation Warp Speed" - chiến dịch đạt 300 triệu liều vaccine cho người Mỹ trước cuối năm nay. Chính quyền đã xác định được khoảng 14 loại vaccine có tiềm năng nhất và sẽ thu hẹp, loại trừ dần.
Johnson & Johnson và Moderna đã bước vào giai đoạn thử nghiệm vaccine trên người, trong đó Johnson & Johnson đặt mục tiêu 1 tỷ liều vaccine trước cuối năm sau. Bên kia đại dương, gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng hợp tác với Đại học Oxford cho giai đoạn 1 của thử nghiệm trên người.
Bất chấp ý chí chính trị mạnh mẽ của Tổng thống Trump và sự hăng hái của các công ty dược phẩm, nước Mỹ vẫn không thể vượt qua được những rào cản về pháp lý lẫn đạo đức trong phát triển vaccine. Cho đến thời điểm hiện tại, kỷ lục phát triển vaccine nhanh nhất vẫn thuộc về tiến sĩ Maurice Hilleman khi ông chế ra vaccine phòng quai bị năm 1963 và được cấp phép lưu hành chỉ 4 năm sau đó.
Để tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả, cần từ 10 đến 15 năm và chỉ có khoảng 6% dự án ban đầu tới được vạch đích, NYT thông tin. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, không ai muốn đợi, cho dù là 4 năm, mới được tiêm vaccine. Điều đó buộc các nhà sản xuất phải tăng tốc, nén một quá trình từ 10 năm xuống còn 10 tháng.
Một số loại vaccine có tiềm năng của Mỹ đã đốt cháy giai đoạn bằng cách kết hợp cùng lúc các bước thử nghiệm thay vì tiến hành tuần tự như trước. Tuy nhiên, tốc độ không thực sự được cải thiện khiến nhiều người như tiến sĩ Stanley A. Plotkin và Arthur L. Caplan ở New York lên tiếng kêu gọi một bước đi quyết liệt hơn: cho người thử nghiệm tiếp xúc với virus Corona mới.
Điều này có thể giúp tiết kiệm được nhiều tháng, thậm chí nhiều năm phát triển vaccine nhưng khiến đối tượng thử nghiệm gặp rủi ro lớn khi phải đối mặt với một loại virus gây tử vong và chưa có thuốc đặc trị.
Tuy nhiên, tiến sĩ Caplan lập luận nếu các thử nghiệm này được tiến hành với người trẻ, nguy cơ sẽ thấp hơn đáng kể. Trên thực tế, theo NYT, các thử nghiệm rủi ro như vậy đã được tiến hành trong những ngày đầu nghiên cứu trước khi bị siết chặt. Nhưng các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ ý tưởng của ông Caplan. Hạ nghị sĩ Bill Foster và hạ nghị sĩ Donna E. Shalala đã cùng với 35 nghị sĩ khác ký vào một bản kiến nghị yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận những thử nghiệm như vậy trên người.
Một trang web được thành lập và đã nhận được đăng ký của hơn 9.100 tình nguyện viên từ 52 quốc gia trên thế giới. Trong lúc đó, một số nhà khoa học khác lo ngại những tình nguyện viên có thể sẽ không được cho biết đầy đủ về thử nghiệm họ sắp trải qua. Những rào cản, tranh cãi và lo ngại như thế dường như đã khiến Mỹ chậm chân trong cuộc đua vaccine với một Trung Quốc có hệ thống chính trị tập trung quyền lực mạnh mẽ.
Chủ nghĩa dân tộc vaccine
Việc một nước, dù là Mỹ hay Trung Quốc, chế ra được vaccine trước có thể tạo ra sự căng thẳng nên theo vài chuyên gia, viễn cảnh thế giới êm đẹp là các nước sẽ tạo ra những loại vaccine với hiệu quả tương đương nhau, không ai vượt trội hơn ai.
Sandy Douglas, một nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho rằng khả năng vaccine sẽ được đưa trước tiên tới các vùng dịch lớn trên thế giới và tiêm cho những người có nguy cơ cao là rất thấp. Các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ ưu tiên cho dân họ trước. Điều đó không có gì quá đáng, nhưng dưới góc độ của các nhà khoa học, điều đó khiến dịch bệnh tiếp tục hiện diện trên thế giới.
Theo Tuổi trẻ