Tái khởi động nền kinh tế: Bài 1: Biến thách thức thành cơ hội
Công nghiệp - Ngày đăng : 22:10, 08/05/2020
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH ITM Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch, ngày 9.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Sự kiện thể hiện tinh thần Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển.
Qua đợt dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Với cộng đồng doanh nghiệp, dịch bệnh đã khiến 86% số doanh nghiệp cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực, 22.696 doanh nghiệp dừng hoạt động.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây sẽ là lúc để Việt Nam đẩy nhanh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài để nắm bắt các cơ hội mới. Các bộ, ngành và địa phương cần rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra; đề xuất, kiến nghị các biện pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sóng gió với cộng đồng doanh nghiệp
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết theo khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện vào cuối tháng 4, trong số 130.000 doanh nghiệp khảo sát thì 86% trong số đó bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp FDI chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ bị ảnh hưởng tiêu cực 88,7%, tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước với 87,3% bị ảnh hưởng tiêu cực. Doanh nghiệp tư nhận bị ảnh hưởng ít hơn với 85,5% bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đáng chú ý, doanh nghiệp lớn chịu tác động nặng nề nhất. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng thấp nhất, nhóm này đang chiếm 62,5% trong tổng số doanh nghiệp toàn quốc và tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ đại dịch là 82,1%. Doanh nghiệp lớn chiếm lớn chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp thì có tới 92,8% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tỷ lệ bị ảnh hưởng ở nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%.
Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn cho biết tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng thể hiện rõ ở sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quy mô doanh nghiệp, thể hiện số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động tăng lên.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong cả 4 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2019 tới 13,2%, quy mô doanh nghiệp nhỏ đi thể hiện qua vốn đăng ký và số lao động. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ bằng 11,8 tỷ đồng, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lao động của doanh nghiệp mới chỉ có 315.700 người, giảm tới 29,7% so với cùng kỳ năm 2019.
“4 tháng đầu năm thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm mới, do đó tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở thời gian này sẽ rất cao. Nhưng số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 4 tháng năm nay chỉ là 17.823 doanh nghiệp, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ này ở cùng kỳ năm 2019 so với 2018 tăng tới 52%”, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết.
Theo đánh giá của Cục trưởng Bùi Anh Tuấn, tỷ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động rất thấp do doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin về dịch bệnh. Tuy so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng mạnh nhưng số doanh nghiệp giải thể lại giảm không cao, thể hiện tâm lý chung là đóng băng đưa doanh nghiệp vào ngủ đông, chờ diễn biến tình hình dịch bệnh rồi mới quyết định số phận doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm, có 22.696 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Nhưng số doanh nghiệp đã hoàn tất giải thể là 5.103 doanh nghiệp, giảm 3,8% và số doanh nghiệp chờ giải thể là 13.956 doanh nghiệp, giảm 19,2%, cho thấy rõ tâm lý "ngủ đông" của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng cho biết hiện nay, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là dòng tiền, thiếu vốn, nhất là vốn lưu động. “Nhiều doanh nghiệp ví dòng tiền như máu trong doanh nghiệp. Thiếu máu cơ thể không khỏe mạnh được. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài và trầm trọng thì ắt sức sống của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng cho biết thêm.
Nhưng “điều đáng mừng là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tinh thần đoàn kết chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khác để cùng nhau ứng phó, cùng nhau vượt qua đại dịch”, ông Hùng nhấn mạnh.
Điều này được ông Hùng dẫn chứng qua con số có tới 90% doanh nghiệp cho biết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khác. Hơn một nửa số doanh nghiệp đã giãn nợ cho đối tác, 30% số doanh nghiệp đã hỗ trợ bằng cách chia sẻ thị trường. Một số doanh nghiệp lại cho khách hàng vay… Và các doanh nghiệp đã tự lực tự cường, chủ động tìm giải pháp tự giải cứu.
Chung sức vượt khó
Ngay từ khi dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán -Trung Quốc, Chính phủ đã xác định rõ quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, đồng thời với giữ vững ổn định nền kinh tế. Đặc biệt, đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 11/CT-Ttg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo đó, đi đôi với các biện pháp quyết liệt chống dịch là những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương đã "sắn tay" cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vượt qua từng giai đoạn của dịch bệnh.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; đồng thời, gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Theo Nghị định này, khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách với mức gia hạn thuế khoảng 180 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ để đề xuất Quốc hội tại kỳ họp tới đây về quyết định mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ 1.7.2020.
Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi. Qua đó, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số doanh nghiệp này khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí như miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu… Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư điều chỉnh giảm giá từ 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn đối với giá 6 nhóm dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Riêng tác động của giảm phí lĩnh vực chứng khoán đã thu hút thêm 31.832 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 3 và dòng tiền mới vào thị trường khá mạnh, giúp ổn định thị trường chứng khoán.
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay sẽ được thực hiện đến hết năm 2020. Để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã có tờ trình trình Bộ Chính trị về việc cho phép tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn từ ngày 1.1.2021 đến 31.12.2025. Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội về dự án nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc thực hiện dự án nghị quyết này sẽ có tác động hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp với số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: điều hành ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống ngân hàng, ổn định vĩ mô, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu biến động mạnh, diễn biến tiêu cực.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết khi dịch COVID-19 xảy ra thì NHNN là một trong những đơn vị triển khai rất sớm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay từ tháng 3, NHNN đã điều chỉnh giảm từ 0,5 - 1%/năm lãi suất điều hành, giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên nhằm ổn định và hạ mặt bằng lãi suất. Các tổ chức tín dụng cũng đã tiết giảm chi phí, thực hiện nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn, giảm lãi, phí, giúp khách hàng vay có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn; đồng thời, miễn, giảm phí nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Đối với ngành hàng nông, lâm, thủy sản bị ảnh hưởng lớn nhất, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, trực tiếp đi kiểm tra việc thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu ở Lạng Sơn nhằm thúc đẩy, hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trước tác động từ dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, bộ tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các địa phương, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu, kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp…
Bộ Công thương cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết bộ sẽ tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành trọng điểm như: dệt may, da giày, điện tử, ô tô, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
Trước những khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn; khơi dậy nội lực trong nước, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài.
Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Về phía Chính phủ, các bộ, ngành cần khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.
Theo TTXVN
Bài 2: Khúc mắc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ