Luẩn quẩn thi tốt nghiệp - tuyển sinh
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:10, 09/05/2020
Ngày 5.5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, năm nay thí sinh THPT làm 3 bài thi bắt buộc và một bài thi tự chọn, rút ngắn thời gian thi trong hai ngày với 4 buổi thi. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án tổ chức thi tốt nghiệp của Bộ GDĐT. Như vậy, sau 5 kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi gộp giữa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học), kỳ thi tốt nghiệp đã lấy lại tên gọi của mình mặc dù nội dung không giống trước đây. Sau những thay đổi liên tục về cách thức tổ chức thi, cách ra đề, ngành giáo dục vẫn đang lúng túng trong việc đưa ra một mô hình thi ổn định và hiệu quả.
Trong 5 năm qua, năm nào kỳ thi THPT quốc gia cũng có những điểm mới mà theo Bộ GDĐT là “cải tiến” hơn nhưng đa phần là để khắc phục những bất cập của kỳ thi năm trước. Năm nào phương án tổ chức thi cũng được công bố khá muộn vào khoảng học kỳ II khiến nhiều thí sinh “khóc dở mếu dở” vì không thay đổi kịp cách học để thích ứng. Kỳ thi năm nay, ban đầu Bộ GDĐT dự định chỉ dùng để xét tốt nghiệp, còn các trường đại học phải tự lo phần tuyển sinh. Sau khi nhiều trường “kêu cứu” vì không chuẩn bị kịp, Bộ GDĐT lại cho rằng đa phần các cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển. Phần lớn các trường vẫn đang “treo” đề án tuyển sinh để chờ bộ ban hành chính thức Quy chế tuyển sinh đại học 2020. Những thay đổi liên tục khá muộn đó gây khó khăn cho giáo viên, học sinh và các trường đại học vì các chính sách luôn cần thời gian để đi vào thực tế.
Khi kết quả thi tốt nghiệp có thể được dùng để xét tuyển đại học sẽ gây ra một số mâu thuẫn. Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học vốn có những yêu cầu khác nhau với trình độ của thí sinh. Để đạt được mục tiêu “2 trong 1”, khi tổ chức thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT đã cố gắng thiết kế đề thi có sự phân hóa để các trường đại học dùng kết quả này xét tuyển. Nhưng khi kỳ thi có mục đích chính là để xác định tốt nghiệp THPT thì việc dùng kết quả thi để xét tuyển đại học sẽ có những bất cập, nhất là với các trường có sự cạnh tranh cao giữa các thí sinh. Đó là chưa kể đến việc giao kỳ thi cho các tỉnh, thành phố tự tổ chức thi có thể sẽ không công bằng cho thí sinh xét tuyển đại học nếu xảy ra tình trạng địa phương này làm chặt, địa phương kia lại buông lỏng. Vì vậy, sau khi Bộ GDĐT công bố phương án thi năm nay, hàng loạt các trường đại học đã phải điều chỉnh đề án tuyển sinh. Nhiều trường không tổ chức thi riêng mà sử dụng kết quả thi tốt nghiệp, nhưng hạ tỷ lệ sử dụng kết quả này xuống mức thấp hơn trước.
Cách thi tốt nghiệp THPT năm nay không phải quay về cách thi cũ của những năm trước đây vì kỳ thi hiện đã khác về số lượng bài thi, hình thức thi. Sau nhiều thay đổi của từng năm, cách thức tuyển sinh đại học hiện nay trở nên đa dạng, phong phú hơn trước rất nhiều chứ không chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi tuyển sinh. Cái chung nhất sau nhiều năm chính là sự không ổn định của phương án thi, tuyển sinh; sự phấp phỏng, lo lắng của giáo viên, học sinh, phụ huynh lớp 12 trước những thay đổi đó. Ngành GDĐT cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu để thiết kế một phương án tổ chức thi tốt nghiệp và quy chế tuyển sinh đại học ổn định, sử dụng lâu dài, tạo điều kiện cho học sinh yên tâm học tập, các trường đại học bảo đảm chất lượng đầu vào mà không cần liên tục thay đổi đề án tuyển sinh.
THÁI HÒA