EU đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay
Bình luận - Ngày đăng : 18:34, 09/05/2020
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp ngày 29.4. Ảnh: AFP/TTXVN
Tin tốt với châu Âu là đại dịch bắt đầu hạ nhiệt. Số ca tử vong trong tuần này ở Italy xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Còn tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố trường học, trung tâm mẫu giáo và nhà hàng sẽ mở cửa trở lại trong vài ngày tới. Thế nhưng sự giảm nhiệt đó có thể sẽ không kéo dài.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 6.5 công bố dự báo cho biết kinh tế châu Âu sẽ giảm 7,4% trong năm nay. Một quan chức hàng đầu cảnh báo các công dân tại Liên minh châu Âu (EU) rằng cần phải chuẩn bị đối diện với “suy thoái kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử”.
Để hiểu được con số này, cần biết rằng trước đó, khối kinh tế gồm 27 nước thành viên này được dự báo tăng trưởng 1,2% trong năm nay. Năm 2009, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu lên mức đỉnh, GDP của EU giảm 4,5%. Đây là lời nhắc nhở lạnh lùng rằng ngay cả khi virus biến mất, tác động kinh tế mà dịch bệnh gây ra đối với kinh tế thế giới có thể còn kéo dài nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm.
Tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh được kiểm soát trong vài tuần gần đây, các nhà máy đóng vai trò duy trì chuỗi cung toàn cầu đã hoạt động trở lại. Nhưng khi không có nhiều người mua hàng trên toàn cầu, kinh tế Trung Quốc hồi phục chậm.
Tại Mỹ, nơi mức độ lây nhiễm ca mắc mới ở các khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất có dấu hiệu tăng chậm lại và xuất hiện động lực dỡ phong tỏa, cũng có những chỉ dấu cho thấy đà phục hồi có thể mong manh. Chính quyền Mỹ ngày 8.5 dự kiến sẽ công bố báo cáo việc làm tháng, một số chuyên gia dự báo số người mất việc trong tháng 4 lên đến hơn 20 triệu người - một con số đã xóa sạch thành quả tạo việc làm của cả một thập kỉ qua.
EU, với 440 triệu dân, là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và thứ hai của Trung Quốc. Khối này cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở khu vực tiểu Sahara châu Phi và nhiều nơi thuộc khu vực đang phát triển.
Suy thoái tại châu Âu kéo dài, làn sóng dịch bệnh thứ hai hoặc một sự hồi phục kinh tế yếu ớt sẽ gây thêm khốn khó với nhiều người dân châu Âu, gây hại tới các công ty, ngân hàng và người dân trên thế giới. Khủng hoảng cũng tái kích hoạt chia rẽ chính trị giữa khu vực miền bắc thịnh vượng hơn với khu vực miền nam kém phát triển hơn, đe dọa gây đổ vỡ thế cân bằng mong manh giữa các quốc gia biệt lập với các nền kinh tế gắn kết chặt chẽ hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố dự báo kinh tế, ông Paolo Gentiloni, Cao ủy châu Âu về kinh tế cho rằng sự phục hồi có thể cũng sẽ khởi động không đồng đều trong nửa cuối năm 2020. Nhưng đến cuối năm 2021, các nước EU sẽ ở vào trạng thái kinh tế còn tệ hơn so với hai tháng trước đây, trước khi COVID-19 bắt đầu quét qua châu lục. GDP của Mỹ trong quý 1 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và một số nhà kinh tế cho rằng nó còn suy giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trong quý 2 này.
Trong phần lời mở đầu của bản báo cáo dự báo, ông Maarten Verwey - Tổng vụ trưởng đặc trách các vấn đề kinh tế, tài chính của EC cho biết “nguy cơ suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn là rất hiện hữu”. Theo ông, nếu đại dịch bùng phát trở lại sau khi chấm dứt các biện pháp đóng cửa, GDP của EU có thể giảm thêm 3% trong năm nay.
Ông Gentiloni đánh giá Italy và Tây Ban Nha, hai nước bị thiệt hại nặng nhất bởi dịch bệnh, nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức suy giảm 9% trong năm 2020 và sự hồi phục kinh tế ở Italy sẽ đặc biệt chậm.
Bản dự báo cũng cho rằng Hy Lạp sẽ là nước chịu thiệt hại lớn nhất với GDP giảm 9,7% trong năm nay. Đức, nền kinh tế lớn nhất trong EU, sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai với GDP giảm 6,5%, nhưng được dự đoán là sẽ hồi phục tương đối nhanh. GDP của Pháp, đầu tàu kinh tế thứ hai trong khối, được dự báo sẽ giảm 8,5%. Nước có GDP giảm ít nhất là Ba Lan với mức giảm 4,5%.
Theo dự báo, các gói kích thích nhằm vực dậy các nền kinh tế trong khối cũng sẽ khiến thâm thủng ngân sách tại khu vực eurozone tăng mạnh lên mức 8,5% GDP trong năm 2020 so với mức 0,6% trong năm 2019. Nợ công trong eurozone sẽ tăng lên ngưỡng 102,7% GDP trong năm nay so với mức 86% của năm ngoái. Trong đó, nợ công của Italy sẽ tăng lên mức kỉ lục, bằng 158,9% GDP so với mức 134,8% GDP trong năm 2019.
Theo báo Tin tức