Sắp có làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 18:40, 09/05/2020
Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp hôm nay 9.5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc kiểm soát tốt dịch bệnh "ghi điểm" về môi trường đầu tư cho Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà, đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Mặt khác, tác động từ dịch tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế mới đây cũng cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam vì "tin tưởng vào tính an toàn". Thực tế, thời gian qua, các hãng công nghệ Mỹ, Hàn Quốc đang đẩy nhanh sự đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc mùa dịch và một số đã lựa chọn Việt Nam. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành.
Theo Nikkei, hãng công nghệ Mỹ cũng tăng sản xuất 3-4 triệu chiếc Airpod hoặc khoảng 30% mẫu tai nghe không dây tại Việt Nam trong quý II. Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 3. Đây là lần đầu tiên hàng triệu tai nghe AirPods được sản xuất ở Việt Nam.
Samsung cũng từng tính chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam.
Ông Trần Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cũng dự báo có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau dịch, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Covid-19. Dự báo này của đại diện VASEP càng có cơ sở khi nhu cầu thực phẩm, nhất là thuỷ sản dự báo tăng mạnh sau dịch.
Ông Hoè phân tích nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ, thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Các quốc gia sản xuất thuỷ sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador... phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Còn Indonesia, Thái Lan... cũng giảm 30%. "Khi các nước cạnh tranh chính có độ trễ về phục hồi sản xuất sau dịch so với Việt Nam thì đây là cơ hội lớn", Tổng thư ký VASEP nhận xét.
Trong nước, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thuỷ sản hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị...) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.
Với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng dự báo cầu sẽ tăng sau dịch nhưng "từ từ chứ khó tăng ngay". Vì thế, doanh nghiệp sản xuất, trong đó có dệt may phải sẵn sàng chuẩn bị, chuyển hướng để đón đầu cơ hội, "điểm rơi" chuỗi cung ứng khi cầu quay trở lại.
Để khơi thông thị trường sau dịch, theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, sẽ kết hợp mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, gắn kết chuỗi cung ứng và các hoạt động phòng vệ thương mại. Riêng với thị trường trong nước, sẽ đẩy mạnh qua kênh thương mại điện tử song song với kênh thương mại truyền thống để kích cầu tiêu dùng. Còn với thị trường nước ngoài, ông Tuấn Anh cho hay các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN... vẫn là điểm nhấn trọng điểm trong nửa cuối năm 2020.
"Chúng ta sẽ tận dụng hiệp định thương mại tự do để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua thu hút, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong loạt lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, phụ trợ chế biến chế tạo, tạo ra vị thế mới trong các chuỗi cung ứng này", Bộ trưởng Công thương chia sẻ.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng doanh nghiệp không nên ỷ lại với giải pháp của Chính phủ.
Khi khó khăn vì đại dịch, Chính phủ phải tập trung lo cho người nghèo, trong đó ưu tiên các thành phần dễ bị tổn thương như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể...
Ông Dương cho rằng kinh doanh, doanh nghiệp khi lời, lỗ, thành công hay thất bại là bình thường. "Vì thế, hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải tạo ra tâm thế ỷ lại", ông nói.
Ông Lê Tiến Trường đồng tình vì nguồn lực Chính phủ cũng không đủ để hỗ trợ, thoả mãn mọi kiến nghị của doanh nghiệp, xã hội. "Có khủng hoảng thì chắc chắn có tổn thương, doanh nghiệp phải xác định mục tiêu ưu tiên cần bảo vệ là gì", ông nói.
Như với dệt may, hai mục tiêu ưu tiên là lao động và vị trí ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, bị huỷ, hoãn đơn hàng, nhờ chuyển hướng sản xuất kịp thời sang các sản phẩm phục vụ phòng dịch (khẩu trang vải, đồ phòng hộ) và dịch bệnh được kiểm soát tốt, ông Trường nói chưa có doanh nghiệp nào của Vinatex phải đóng cửa, dừng sản xuất. Số lao động thiếu việc làm cũng giảm một nửa, khoảng 20.000 người, so với dự báo trước đây.
"Chưa người lao động nào của tập đoàn phải nghỉ việc, phải nhận hỗ trợ từ Chính phủ", Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế lúc này cần cân nhắc hài hoà giải quyết khó khăn trước mắt và nguyên tắc kinh tế thị trường.
Ông dẫn chứng "lệnh" giảm giá thịt lợn vừa qua có thể hiểu là trăn trở của Chính phủ khi giá mặt hàng này tác động tới kinh tế vĩ mô. Nhưng ở khía cạnh khác, giá thịt lợn cao lại khuyến khích đầu tư bài bản, chiến lược lâu dài cho ngành chăn nuôi. Sau này, khi cung đủ cầu thì sẽ không phải bận tâm giải cứu người nuôi lợn, can thiệp giá thịt và thậm chí tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi thịt lợn xuất khẩu.
"Điều hành phục hồi kinh tế sau dịch phải quyết liệt, đồng lòng từ các cấp, ngành như chiến dịch phòng Covid-19 của Chính phủ thành công vừa qua", Chủ tịch Thaco nhấn mạnh.
Ở khía cạnh này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Chính phủ lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác tái khởi động nền kinh tế và phục hồi doanh nghiệp của Chính phủ do Thủ tướng là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đáp lại doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Covid-19 là đại dịch nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu tổ chức kinh doanh, hợp tác tốt.
Nhấn mạnh vai trò chủ chốt của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế nhưng Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp nên chủ động tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị, nâng cao năng suất. "Doanh nghiệp cần giữ lao động, thị trường trong nước, quốc tế và danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam", Thủ tướng nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông khẳng định sẽ tạo môi trường tốt, chia sẻ cùng doanh nghiệp ở mọi khía cạnh chính sách tài khoá, tiền tệ, thị trường. "Không đổ qua lại, làm chậm mất thời gian kinh doanh của doanh nghiệp. Các cấp, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xử lý nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp", ông lưu ý.
Ông cũng khẳng định không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thay vào đó thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh dịch hiện nay.
Theo VnExpress