"Đường tới Điện Biên Phủ"

Các em viết - Ngày đăng : 09:27, 10/05/2020

Những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp tôi hiểu được diễn biến lịch sử của chiến dịch huyền thoại.


Mọi năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày chiến thắng là ông nội tôi lại cùng bạn bè, đồng ngũ từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tổ chức những chuyến hành hương “về nguồn”, vào Quảng Trị, Côn Đảo, Sài Gòn rồi lên Điện Biên. Năm ngoái tôi cũng đã từng theo ông lên Điện Biên. Chuyến đi ấy làm tôi nhớ mãi và cứ háo hức mong được trở lại thăm nơi chiến địa xưa. Nhưng năm nay do dịch Covid-19 nên các ông hủy hết kế hoạch du lịch. Có lẽ vì thế mà ông thường nhốt mình trong phòng đọc sách hàng giờ. Phòng đọc của ông có một tủ sách rất lớn, hướng ra ban công ngập nắng. Trên giá sách có biết bao nhiêu là cuốn sách quý, dày cộp khiến tôi phải xuýt xoa mỗi lần chạm tay vào. Ông xếp sách ngay ngắn, khoa học nên cần quyển gì là có thể tìm thấy ngay. Tôi thường giúp ông phủi bụi bằng cây phất trần nhưng hôm nay thấy tôi quanh quẩn ngắm nghía tủ sách, bỗng dưng ông gọi tôi lại:

- Khanh ơi! Ông bị đau mắt. Ông nhờ con đọc hộ cuốn sách “Đường tới Điện Biên Phủ” nhé! Có được không? Thăm lại Điện Biên Phủ bằng tưởng tượng vậy. Nhất định sang năm, ông cháu mình lại du lịch lên đó.

- Vâng ạ! Con sẽ đọc cho ông nghe!

Nghe ông nhắc đến chuyến du lịch sang năm, tôi đã thấy háo hức trong lòng. Tôi bèn liếc nhanh giá sách, một loạt cuốn sách quý viết về chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hiện ra. Hình như ông tôi sưu tầm sách viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ thì phải. Ông xếp gáy sách quay ra ngoài nên tôi dễ dàng tìm được cuốn “Đường tới Điện Biên Phủ” dày gần 400 trang.

Bình thường, khi đọc sách tôi chỉ đọc thầm nhưng bây giờ đọc cho ông nghe nên tôi phải đọc thành tiếng, ngắt nghỉ đúng chỗ và chú ý thay đổi giọng điệu, lúc chậm rãi, khi dồn dập, lúc bâng khuâng chìm vào ký ức, lúc vui sướng, rộn ràng...

Mỗi ngày ông chỉ cho tôi đọc 100 trang nên sau bốn ngày thì tôi đã đọc hết cuốn sách. Được sống lại một thời oanh liệt, hào hùng, bi tráng trong những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ghi chép của nhà văn Hữu Mai, tôi thấy một nhân vật hấp dẫn xuyên suốt cả tập sách, một nhân vật huyền thoại, trung tâm của những sự kiện, con người của những quyết định lịch sử: đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp tôi hiểu được diễn biến lịch sử của chiến dịch huyền thoại. Trong cuốn sách đó, sự đan xen liên tục những cuộc đấu trí giữa ta và địch, cuộc chiến giằng co giữ gìn từng tấc đất trên đồi A1 khiến tôi rất hồi hộp, có lúc đọc mà trán tôi lấm tấm mồ hôi khiến ông phải tăng số quạt. Có lúc tôi xúc động, rơm rớm nước mắt vì biết bao chiến sĩ trẻ đã trở thành anh hùng liệt sĩ: Đó là Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai... Không thể kể hết những chiến sĩ quả cảm đã dâng trọn tuổi thanh xuân tươi đẹp “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...

Khi tôi gấp trang sách cuối cùng lại, ông hỏi:

- Con thấy sách có hay không? - giọng ông thủ thỉ.

- Hay lắm ông ạ! Con không ngờ sách lịch sử lại hấp dẫn như vậy.

- Dạo này mắt ông kém thật nhưng ông muốn con đọc để hiểu thêm về lịch sử. Ông muốn nhắc nhở thế hệ con cháu hãy học tập, lao động sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Như vậy là ông cháu mình vừa trải qua một hành trình lên Điện Biên Phủ rồi đấy - gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên - Từ nay con muốn đọc cuốn sách nào thì cứ lấy rồi lại để đúng chỗ cũ cho ông. Trong bốn đứa cháu, ông thấy con chăm đọc sách nhất nên ông sẽ tặng con tất cả tủ sách này.

- Ôi! Con cảm ơn ông ! - tôi sung sướng reo lên. Còn món quà nào quý giá hơn thế nữa nên tôi cảm thấy rất vui.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn nghĩ về "Đường tới Điện Biên Phủ". Tôi thầm biết ơn ông. Ông thường răn dạy chúng tôi những bài học sâu sắc một cách nhẹ nhàng và thú vị như thế. Vì vậy những hồi ức về chiến dịch huyền thoại trong cuốn sách kia sẽ sống mãi trong lòng tôi.

VƯƠNG TUẤN KHANH (Lớp 8C, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)