Mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ

Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 10/05/2020

Thời gian qua, tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các chợ giống như "bài toán" khó chưa có lời giải.


Xem clip

Nhiều vi phạm

Theo tìm hiểu, tại các chợ Đông Ngô Quyền, Kho Đỏ (TP Hải Dương), nhiều tiểu thương vẫn để thịt lợn sống trên bìa giấy, bày bán cạnh thực phẩm chín và thực phẩm khô mà không có vách ngăn. Hầu hết các quầy hàng bán thịt sống đều không có dụng cụ che đậy để tránh ruồi, nhặng. Nhiều tiểu thương không có găng tay, khẩu trang, vừa thái thịt sống lại chuyển sang thái thực phẩm chín cho khách. Một số tiểu thương giết mổ gà, cá, chim... ngay tại chợ. Lông gà, vịt, chim; vảy, lòng cá... để bừa bãi, tiết chảy lênh láng xuống nền, tràn ra đường đi trong chợ. Những khu vực này đường đi luôn ẩm thấp, nước đọng đen ngòm.

Tại nhiều chợ khác như Phú Lương, Thanh Bình (TP Hải Dương), nhiều quầy hàng bán rau, củ, quả sắp xếp hàng hóa chưa hợp lý. Hàng chục quầy hàng để sản phẩm ngay trên mặt đất.

Một cửa hàng bán cơm trong chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) bày thức ăn chín nhưng không che đậy 

Tương tự, một số chợ nông thôn như chợ Cuối (thị trấn Gia Lộc), chợ Lai Khê (Kim Thành)… có nhiều hàng quán ăn uống, chế biến trong môi trường không an toàn. Nhiều quầy hàng bán thực phẩm khô như cá, tôm, tép...  chỉ che đậy tạm bợ, dễ bị chuột, bọ, côn trùng ăn. Hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp, hàng quán lụp xụp, đường đi xuống cấp, ẩm ướt… Không ít các hộ tiểu thương ở chợ bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.

Năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh kiểm tra tại một số chợ bằng phương pháp kiểm nghiệm định tính test nhanh 62 mẫu thực phẩm về Methanol, dư lượng thuốc trừ sâu, Focmon, hàn the và xét nghiệm định lượng chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu lý hóa 96 mẫu thực phẩm. Kết quả cho thấy có 10 mẫu không đạt tiêu chuẩn. 

Ít kiểm tra, xử phạt

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 177 chợ, trong đó có 3 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3. Thời gian qua, để khắc phục tình trạng mất ATTP tại các chợ, các cơ quan chức năng thực hiện những biện pháp như tuyên truyền, đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm... Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện. Năm 2019, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã tổ chức 12 hội nghị phổ biến kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật cho nhiều cán bộ, người lao động trong tỉnh, trong đó có các tiểu thương buôn bán tại chợ.

Một tiểu thương vô tư giết mổ gà, vịt trong khu vực chợ Tân Kim (TP Hải Dương)

Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cũng đã phối hợp với nhiều địa phương tuyên truyền về ATTP. Qua công tác tuyên truyền, ý thức của một bộ phận tiểu thương, người dân về ATTP đã từng bước chuyển biến. Tuy nhiên, ý thức của nhiều tiểu thương còn kém, chưa chấp hành tốt quy định về ATTP. Một số tiểu thương cho biết khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở thì có đeo găng tay khi thái thịt, dùng vải màn che đậy cho thực phẩm an toàn nhưng được một thời gian lại thôi. 

Thời gian qua, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, việc kiểm tra, xử phạt chưa được chú trọng. Ông Phạm Đức Dũng, Chánh Thanh tra Sở Công thương cho biết, vài năm gần đây Thanh tra sở cũng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở chứ xử phạt rất ít. 

Theo bà Phạm Hải Yến, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc), cơ quan chức năng trong huyện cũng chỉ tập trung tuyên truyền, triển khai ký cam kết bảo đảm ATTP; kiểm tra, xử phạt vi phạm tại các chợ còn rất ít.

Để chấn chỉnh tình trạng mất ATTP tại các chợ, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần vận động các hộ tiểu thương tại chợ ký cam kết bảo đảm ATTP; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ không tạo chuyển biến trong vấn đề này. 

THẾ ANH

Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4.9.2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với cơ sở sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc... Phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác. Phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; vi phạm quy định bảo quản thực phẩm...