Cái chết thương tâm của huyền thoại giỏi hơn Maradona
Quốc tế - Ngày đăng : 13:18, 10/05/2020
Ngày 8.5 vừa qua, Tomas Felipe 'Trinche' Carlovich qua đời sau một vụ tấn công trên đường phố Santa Fe, thành phố thuộc miền Trung Argentina.
Cái chết của Tomas Carlovich đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Argentina, bởi người đàn ông 74 tuổi qua đời sau khi chịu một cú đánh vào đầu. Tên trộm tấn công ông chỉ để… cướp lấy chiếc xe đạp mà ông lão khốn khổ mới mua để tập thể dục.
Tomas Carlovich, một huyền thoại ẩn danh của Argentina qua đời sau một vụ cướp thương tâm. Ảnh: Getty |
Huyền thoại bí ẩn
Bi kịch của Tomas Carlovich khiến giới bóng đá xứ tango đau buồn, vì ông từng được xem như một trong những cầu thủ hay nhất lịch sử nước này, dù chưa một lần khoác áo đội tuyển quốc gia hay ra nước ngoài thi đấu. Những giai thoại về ông cứ ngày một lớn dần lên theo thời gian, và chỉ khiến người ta thêm tò mò.
Đời Maradona chưa từng công khai thần tượng một ai, chỉ có Carlovich là ngoại lệ. Gã đàn ông sinh năm 1946 tại TP Rosario (cùng quê với Lionel Messi) trong suốt sự nghiệp chỉ chơi cho các đội bóng làng nhàng của Argentina, chẳng gặt hái danh hiệu lớn lao nào.
Vậy mà, trong một lần được báo chí hỏi về cầu thủ hay nhất trong lịch sử thế giới, Maradona đã gọi tên Carlovich. “Cầu thủ hay nhất thế giới đó hả? Người ấy từng chơi ở Rosario và tên Carlovich”, Maradona nói.
Đầu năm nay, khi “cậu bé vàng” dẫn Gimnasia đến thi đấu với Câu lạc bộ Rosario Central, Maradona đã tranh thủ đến gặp Carlovich với thái độ cung kính và khẳng định: “Ông giỏi hơn tôi nhiều”.
Jose Pekerman, huấn luyện viên lão làng của bóng đá Nam Mỹ gọi Carlovich là một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất ông từng chứng kiến trong lịch sử. Cesar Luis Menotti, một chiến lược gia huyền thoại thì tuyên bố: “Carlovich nằm trong số những đứa nhóc được trời ban cho tài năng bóng đá thiên phú nhất thế giới. Xem anh ta thi đấu quả là kỳ diệu”.
Sự nghiệp của Carlovich chỉ kéo dài 15 năm và thế giới bóng đá đại chúng gần như không biết đến nhiều tài năng của ông.
Tuy nhiên, những người Argentina am tường luôn nhắc đến tiền vệ cao 1,90m này với sự tôn trọng. Nhất là khi ông là người mà Maradona thần tượng.
Để chuẩn bị cho World Cup 1974, tuyển Argentina quyết định đấu giao hữu với các cầu thủ tại Rosario. Ở tuổi 28, Carlovich là trụ cột trong dàn “quân xanh” đấu các tuyển thủ quốc gia năm ấy.
Khi hiệp 1 kết thúc, đội bóng địa phương đã dẫn tuyển Argentina tới 3-0 với màn trình diễn phi thường của Carlovich. Lo lắng vì các học trò có thể bị bẽ mặt, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Argentina khi đó, Vladislao Cap đề nghị đối phương không cho Carlovich thi đấu ở hiệp 2.
Các cầu thủ Rosario đồng ý và trận đấu kết thúc với tỷ số 3-1. “Họ đã năn nỉ chúng tôi chơi thả một tí”, Carlos Aimar, người từng tham gia trận đấu năm đó nhớ lại.
Mà đội hình tuyển Argentina năm đó cũng không phải dạng vừa với Mario Kempes, Ubaldo Fillol hay Houseman. 4 năm sau, những cái tên đó đã giúp Argentina vô địch World Cup 1978.
Một lần khác, AC Milan sang Nam Mỹ du đấu. Đội hình của họ có Franco Baresi, người sau này sẽ trở thành trung vệ huyền thoại của bóng đá thế giới.
Ở tuổi 19, Baresi đã bị tiền vệ trung tâm của đội bóng kém danh tiếng Independiente Rivadavia đùa giỡn trong cả trận đấu. Carlovich chơi xuất sắc và góp công giúp Independiente Rivadavia thắng AC Milan 3-2.
Tuyệt kỹ mà Carlovich khá ưa thích đó là các pha “xâu kim kép” đối thủ. Trong bóng đá, chỉ riêng việc cầu thủ bị xâu kim một lần đã vô cùng xấu hổ, đằng này Carlovich làm tới hẳn hai lần. Ông dùng gầm giày đẩy bóng lên phía trước qua hai chân đối phương, trong khi đối thủ còn chưa hoàn hồn thi đã bị thêm một pha giật bóng xâu kim nữa.
Kèo trái ma thuật của tiền vệ này khiến công chúng mê mẩn và luôn làm dậy sóng các khán đài. “Ông ấy là biểu tượng của bóng đá lãng mạn, thứ bóng đá đã tuyệt chủng từ lâu”, huyền thoại Jorge Valdano nói.
Công chúng thường hay nhắc về Fernando Redondo hay Juan Roman Riquelme, những tiền vệ Argentina với đôi chân ma thuật trong quá khứ. Tuy nhiên, Carlovich là sự kết hợp của cả hai cầu thủ nói trên, nếu không muốn nói là giỏi hơn.
Maradona thần tượng Carlovich đến mức, đã đem áo đấu đến tặng ông trong một lần cầm quân đến quê nhà của cựu danh thủ này. Ảnh: Getty |
Khước từ vinh quang
Không chỉ sở hữu tài năng độc đáo, “The Trinche” (biệt danh của Carlovich) còn được ngưỡng mộ với cá tính dị biệt, thích hưởng thụ cuộc sống bình dị hơn là theo đuổi ánh hào quang trên sân bóng.
Những người từng được xem Carlovich thi đấu tận mắt đều khẳng định tài năng của ông. Trước khi lên danh sách tuyển Argentina dự World Cup 1978, huấn luyện viên Cesar Luis Menotti đã nài nỉ Carlovich lên tuyển vì nhận thấy tài năng bóng đá quá lớn của tiền vệ này. Carlovich chẳng hề đếm xỉa đến đề nghị đó.
Có giai thoại kể rằng tiền vệ này khi ấy đang bận đi câu cá nên không muốn hội quân cùng đội tuyển quốc gia. Tuyển Argentina sau đó vô địch World Cup trên quê nhà với rất nhiều điều tiếng. Huấn luyện viên Menotti có lẽ đã tin rằng, nếu đội bóng của ông có Carlovich trong đội hình, họ sẽ giành cúp thuyết phục hơn.
“Tôi gọi cậu ta lên đội tuyển quốc gia nhưng chẳng bao giờ thấy mặt”, Menotti nhớ lại. “Tôi nghe đồn là cậu ta đã đi câu cá ở một hòn đảo đâu đó ngoài khơi. Khi trở về, cậu ta lấy lý do rằng nước dâng cao khiến mình không thể về kịp”.
Không chỉ khước từ cơ hội vô địch World Cup 1978, danh hiệu mà gần như chắc chắn Carlovich sẽ có được nếu chấp nhận lên tuyển, tiền vệ tài hoa này còn từ chối sang AC Milan, Real hay nhiều câu lạc bộ lớn của Pháp.
“Với tôi, thi đấu cho Central Cordoba không khác gì Real Madrid”, Carlovich hồi tưởng. New York Cosmos, câu lạc bộ khi đó sở hữu “vua bóng đá” Pele cũng cất công mời gọi Carlovich nhưng ông từ chối.
“Tôi đã có thể đổi đời nếu đồng ý với những đề nghị đó, nhưng đến cuối cùng tôi thích một cuộc sống yên tĩnh và bình lặng”, ông nói.
Carlovich được xem là kèo trái hay nhất lịch sử Argentina, hơn cả Maradona. Ảnh: Ole |
Cái chết đau lòng
Carlovich gần như đã đạt được ước muốn của mình trong cả cuộc đời, cho đến một ngày thứ tư đầu tháng 5.2020. Khi đang trên đường, Carlovich bị một tên trộm đánh vào đầu nhằm cướp xe đạp.
Sau cú đánh ấy, cựu tiền vệ tài hoa ngày nào bất tỉnh và rơi vào hôn mê. Hai ngày sau, ông qua đời.
“Cha tôi vừa có một chiếc xe đạp mới, nhưng chẳng có lý do gì để sát hại ông ấy”, con của Carlovich, Bruno nói trên 5RTV. “Trước đây ông ấy đã bị mất 4 chiếc xe đạp rồi, chẳng có lý do gì để bọn chúng làm thế”.
“Ngày hôm nay là một ngày buồn của bóng đá Argentina”, nhà báo Eduardo Bulfoni nói. Với những người đã từng được chứng kiến ông thi đấu, Carlovich là một huyền thoại. Nhiều thế hệ cầu thủ Argentina đã lớn lên với những câu chuyện nhuốm màu kỳ ảo về một cầu thủ "độc nhất vô nhị".
Và nếu ai không tin rằng Carlovich là cầu thủ hay nhất lịch sử Argentina, hãy đi hỏi Diego Maradona!
Theo Zing