Kết hôn trước tuổi 30 và trách nhiệm với xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:38, 13/05/2020
Cô tôi có con gái năm nay đã gần 30 tuổi nhưng chưa chịu lấy chồng. Biết được thông tin Chính phủ vừa có chính sách khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 cô ấy mừng lắm và cho rằng đây sẽ một lý do nữa để cô giục em tôi lập gia đình. Chính sách này không chỉ những người lớn tuổi như cô tôi quan tâm mà còn có nhiều bạn trẻ chú ý.
Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" có nhiều thay đổi và điểm mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta giai đoạn hiện nay và tương lai. Trong đó đáng chú ý là Chính phủ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước tuổi 30, không kết hôn muộn, sớm sinh con và phụ nữ sinh con trước 35 tuổi.
Một số người cho rằng chủ trương này không cần thiết bởi hôn nhân là nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân. Khi tìm được người phù hợp với mình và đủ tuổi được pháp luật cho phép thì chuyện kết hôn sớm hay muộn không thành vấn đề.
Kết hôn ở lứa tuổi nào là quyết định của mỗi người nhưng tôi đồng tình với chính sách khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Tại sao nam nữ nên kết hôn trước 30 tuổi? Bởi lẽ, trước tuổi này cuộc sống hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn, không quá già để khiến cuộc hôn nhân trở nên khô cứng và nhàm chán...
Đồng tình với chính sách khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 nhưng không đồng nghĩa với việc các bạn trẻ vin vào đó để kết hôn quá sớm. Nhiều người quyết định lập gia đình ở độ tuổi còn quá trẻ, khi kinh nghiệm sống chưa nhiều, vẫn còn ham chơi và chưa chấp nhận hy sinh để có cuộc hôn nhân hạnh phúc thì kết hôn quá sớm lại mang đến nhiều hệ lụy. Những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình dễ nảy sinh, thậm chí là hôn nhân tan vỡ quá sớm...
Kết hôn trước tuổi 30 cũng có nghĩa phụ nữ sẽ có cơ hội sinh con trước tuổi 35. Giới khoa học chỉ ra rằng sẽ có lợi cho cả mẹ và con khi sinh con trước tuổi này. Độ tuổi mang thai thích hợp nhất từ 20- 35 tuổi. Phụ nữ mang thai sau tuổi 35 sẽ đối diện với nhiều nguy cơ như tiền sản giật, sảy thai, sinh non, thai ngoài tử cung... Trẻ có nguy cơ bị down, đột biến gien. Sinh con trong độ tuổi thích hợp có lợi không chỉ với gia đình mà còn bớt gánh nặng đối với xã hội khi giảm được tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trẻ em khỏe mạnh, phát triển tốt sẽ tạo ra những công dân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Ngưỡng tuổi 30 chắc hẳn đã được cơ quan tham mưu cũng như Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu kỹ trước khi ban hành. Ngoài tính toán về độ tuổi ảnh hưởng đến sinh đẻ, ở độ tuổi này cuộc hôn nhân đã phần nào đủ độ chín. Các vấn đề về tài chính, con cái, đối nhân xử thế trong gia đình đã đến độ chín, đã chỉn chu hơn.
Nói như vậy không có nghĩa cứ lấy ngưỡng tuổi 30 thì kết hôn sẽ hạnh phúc. Quan trọng là mỗi người phải tự biết tích lũy cho mình hành trang và kiến thức cần thiết trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Dù lập gia đình ở độ tuổi nào thì trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình mỗi thành viên phải biết chia sẻ, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau vun đắp hạnh phúc.
Hôn nhân dù là chuyện cá nhân của mỗi người nhưng cũng cần cân nhắc thực hiện khuyến khích mà Chính phủ đề ra bởi vấn đề này còn liên quan đến trách nhiệm xã hội.
HẢI MINH (Gia Lộc)