Nhớ mãi kỷ niệm về Bác

Tin tức - Ngày đăng : 19:33, 19/05/2020

Ký ức về những lần được gặp Bác, về Huy hiệu mà Bác tặng là những kỷ niệm mà ông Đệ, ông Thái, ông Toàn không bao giờ quên.


Ông Phạm Ngọc Thái (ngồi bên phải cạnh Bác) vinh dự được chụp ảnh cùng Bác Hồ

Trong những ngày tháng 5 này, người dân Việt Nam hướng về Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính, tri ân vị Cha già kính yêu của dân tộc. Với những người từng gặp Bác, được Bác tặng Huy hiệu, niềm xúc động càng đong đầy. 

Đã 55 năm trôi qua nhưng kỷ niệm được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông Nguyễn Sỹ Đệ (72 tuổi), đảng viên 52 năm tuổi Đảng ở thôn An Rặc, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Thái (nay là xã Hồng Dụ, Ninh Giang). “Đó là một sáng mùa xuân tôi nhớ mãi, ngày 15.2.1965, Hồng Thái quê tôi, nay là Hồng Dụ được đón Bác về thăm”, ông Đệ nói. 

Ông Đệ kể hồi đó ông là Đội trưởng Đội dân quân tự vệ của địa phương. Từ mấy ngày trước, ông được phân công kẻ các vạch vôi ở sân kho thôn và gác đêm tại đó. “Sân kho lúc đó đông kín người, nhiều bà con trong xã rủ nhau đến từ sáng tinh mơ. Khi đoàn xe con dừng lại, Bác bước ra, cả biển người hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác giản dị trong bộ quần áo gụ. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Những người ở phía xa còn trèo lên đống rơm, mái nhà để được nhìn Bác", ông Đệ kể.

Theo lời ông Đệ, mọi người chăm chú nghe Bác nói. Hơn 45 phút nói chuyện, Bác khen tỉnh Hải Dương nói chung và xã Hồng Thái nói riêng. Bác căn dặn phải sản xuất tốt hơn nữa để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuối cùng, Bác bắt nhịp bài hát Kết đoàn cho mọi người, rồi Bác ra xe.

Ông Phạm Ngọc Thái năm nay 75 tuổi, ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, khi Bác đến thăm trường múa, lúc ông đi biểu diễn ở Phủ Chủ tịch, trong buổi mít tinh tại Hà Nội… Song ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là lần đầu tiên ông được gặp Bác ở Trường Múa Việt Nam vào ngày 25.11.1961. Hồi ấy ông Thái 16 tuổi, là học sinh của trường. "Khi Bác đến, có một bạn trong lớp đã reo lên, các thầy ơi, các bạn ơi, Bác Hồ đến thăm trường. Cả lớp đều hồi hộp, nhanh chóng tập trung ở sân để nghe Bác nói chuyện", ông Thái nhớ lại.

Ông Thái nhỏ nhất lớp nên được ngồi ở hàng trên, gần ngay cạnh Bác. Ông xúc động nói: “Chúng tôi ai cũng như nín thở để nghe từng lời nói của Bác. Tôi nhè nhẹ mân mê gấu áo của Bác mà cứ rưng rưng. Không hiểu sao trong khoảnh khắc đó, tôi lại có cảm giác Bác gần gũi, dịu hiền giống như ông nội tôi vậy”.

Trong phòng khách của gia đình, ông Thái dành chỗ trang trọng nhất để treo ảnh Bác và dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ông Thái cho tôi xem tấm ảnh đen trắng ông vinh dự được chụp cùng Bác. Ông nói: “Mấy chục năm làm nghề múa, hình ảnh của Người luôn tỏa sáng trong trái tim tôi. Tôi vẫn nhớ lời dặn của Bác, trước khi làm người múa tốt, hãy làm người tốt đã. Đây là điều cả đời tôi tâm niệm”. Tấm lòng và nhân cách của Bác trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của ông Thái. Vì lẽ đó mà trong hơn 200 tác phẩm múa ông dàn dựng, một nửa là những đề tài liên quan tới Bác Hồ.

"Dù không lần nào gặp Bác nhưng được nhận Huy hiệu Bác Hồ, cài chiếc huy hiệu có in hình Bác trên ngực áo khi còn là một cậu học sinh thực sự là niềm vui, niềm vinh dự lớn của tôi", ông Nguyễn Trọng Toàn năm nay 66 tuổi, ở thôn Làng Vực, xã Chí Minh (Tứ Kỳ) chia sẻ.

Hồi đó, cậu bé Toàn mới 9tuổi. Vào một buổi chiều năm 1963, trên đường đi tưới rau, thấy 2 bạn nhỏ đang chới với giữa dòng nước, ông Toàn đã nhảy xuống cứu, đưa 2 bạn lên bờ. Việc làm đó của ông đã được Hồ Chủ tịch tặng Huy hiệu. Sự dũng cảm của ông được tuyên dương trước toàn trường, trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh. 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Toàn đi bộ đội và theo học tại Trường Sĩ quan Công binh. Gần 20 năm phục vụ trong quân đội, dù đã lập những chiến công, được nhận nhiều phần thưởng nhưng Huy hiệu Bác Hồ luôn có ý nghĩa rất đặc biệt, là điều ông trân quý mãi. 

Ký ức về những lần được gặp Bác, về Huy hiệu mà Bác tặng là những kỷ niệm mà ông Đệ, ông Thái, ông Toàn không bao giờ quên. Đó cũng là động lực để họ luôn nỗ lực, phấn đấu, sống xứng đáng với lời căn dặn của Người, như lời thơ của Tố Hữu “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”…

HÀ NGA