Game thủ gốc Việt trở thành triệu phú USD như thế nào

Thể thao - Ngày đăng : 10:01, 21/05/2020

Với hơn 6 triệu USD tiền thưởng và 2 lần vô địch thế giới, chàng trai gốc Việt, Anathan Phạm, là tượng đài trong tựa game Dota 2.

Theo thống kê của Esportsearnings, game thủ sinh năm 1999 đứng thứ 3 trong những tay chơi kiếm nhiều tiền nhất lịch sử ở mọi thể loại eSport với hơn 6 triệu USD tiền thưởng.

Dẫu vậy, trước khi có thành công vang dội và vị thế không thể bị xô đổ như lúc này, Ana đã có những ngày cay đắng.

Game thu goc Viet tro thanh trieu phu USD nhu the nao hinh anh 1 Ana1.jpg

Ana là trường hợp độc nhất vô nhị trong làng Dota 2 thế giới. Ảnh: Getty

Bị quỵt tiền, khóc trong phòng thi đấu

Sinh ra trong một gia đình tại Australia có bố là người Việt và mẹ người Hoa, Ana giống như nhiều cậu bé khác có niềm ham mê với trò chơi điện tử.

Anh tiếp xúc với Dota lần đầu khi mới 12 tuổi và chơi tới 10 tiếng/ngày để rèn kỹ năng. Năm 16 tuổi, Ana quyết định trở thành game thủ chuyên nghiệp (go pro). Anh bỏ học và nhận lời Invictus Gaming.

Giấc mơ màu hồng nhanh chóng trở thành ác mộng với chàng trai gốc Việt. Ban đầu Ana chỉ được xếp chơi dự bị ở vị trí solomid (đi đường giữa) cho game thủ huyền thoại Luo "Ferrari_430" Feichi.

Game thu goc Viet tro thanh trieu phu USD nhu the nao hinh anh 2 Ana3.jpg

Ana (giữa) giành chức vô địch Major cùng OG ngay lần đầu tham dự. Ảnh: Getty

Tổ chức IG khi ấy liên tục hứa hẹn để Ana thi đấu, nhưng những gì anh có được chỉ là vài lần đóng thế mỗi khi Ferrari_430 không thi đấu. Dấu son khá khẩm nhất Ana có được là chiến thắng tại NEA 2016, giải đấu chỉ có vỏn vẹn 4 đội (đều của Trung Quốc) với tổng giải thưởng chỉ là 200.000 USD.

Dần dần, Ana bị đẩy xuống đội dự bị - IG.Vitality. Ngay cả ở đây, thời gian thi đấu của anh vẫn hạn chế. Giọt nước tràn ly tới khi Ana bị bỏ rơi và được hứa sẽ chơi cho đội dự bị thứ 2 của IG. Anh quyết định rời tổ chức.

Sau này, Ana tố cáo IG đã quỵt hết tiền lương thưởng của mình trong thời gian thi đấu tại đây. Thời gian Ana rời IG trùng hợp với thời điểm gã khổng lồ phương tây OG đang tìm kiếm người chơi mới sau thất bại khó tin tại The International 2016.

Ana là người được chọn để lấp vào khoảng trống siêu sao solomid Amer "Miracle-" Al-Barkawi bỏ lại. Cùng với sự xuất hiện của Gustav "s4" Magnusson ở vị trí offlaner (đi đường trên), OG hoàn thiện đội ngũ và bước vào kỳ Boston Major trên đất Mỹ.

Nếu s4 là siêu sao khẳng định được tiếng tăm trong màu áo Alliance và Team Secret, Ana lại là dấu hỏi thực sự của OG. Giới mộ điệu gần như chưa từng nghe thấy tên Ana trước kia. Sự hoài nghi còn đổ dồn vào phong cách chơi của game thủ sinh năm 1999.

Ana thường xuyên thua trong giai đoạn lanning phase (đi đường), nhưng farm bù nhanh sau đó và dẫn OG tới chiến thắng. Lối đánh thiếu đẹp mắt, ít bùng nổ, phụ thuộc nhiều vào đồng độ và trái ngược với những thần tượng solomid của phần đông giới mộ điệu ngày đó như Dendi, Miracle- hay Suma1l khiến Ana bị coi là mắt xích yếu nhất trong đội hình.

Dù OG giành chức vô địch Boston Major, song những chỉ trích vẫn dồn vào Ana. Tại kỳ Dota 2 Asia Championship (DAC) 2017, áp lực lên đến đỉnh điểm khi những máy quay bắt được cảnh Ana khóc ngay trong phòng thi đấu.

OG khi ấy bị đội chủ nhà IG dẫn 2-0 trong loạt Bo5, còn Ana bị đối thủ hủy diệt hoàn toàn ở midlane. Sau cùng, OG thua trắng 0-3. Ana trở thành cái tên bị chỉ trích nhiều nhất trên những diễn đàn như Reddit. Người hâm mộ đòi đuổi cổ Ana và sử dụng vô cùng nhiều từ ngữ khó nghe về game thủ gốc Việt.

Dẫu vậy, sự ưu việt trong chiến thuật và bản lĩnh của OG vẫn tạm thời bảo vệ thành công Ana. Anh cùng OG vô địch thêm 1 Major nữa trước khi bước vào giải đấu quan trọng nhất năm - The International (TI) 2017.

Game thu goc Viet tro thanh trieu phu USD nhu the nao hinh anh 3 Ana4.jpg

Ana bị hủy diệt ở midlane và bật khóc ngay khi thi đấu tại DAC 2017

Với tổng giải thưởng lên tới 24,7 triệu USD, cao nhất lịch sử lúc bấy giờ, TI7 là đấu trường OG đặt nhiều tham vọng nhất. Họ vẫn được coi là ông vua Major, nhưng thất bại toàn diện tại TI.

Song một lần nữa, OG lại gục ngã. Ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch chỉ về đích thứ 8 sau một loạt chuỗi trận thi đấu thất vọng. Ana dĩ nhiên chịu chỉ trích bởi không thể tỏa sáng.

Đoạn kết buồn đến với Ana khi anh rời OG sau thất bại tại TI7. Anh nói mình "muốn nghỉ ngơi" khỏi đấu trường Dota 2 chuyên nghiệp.

Tái sinh

Ana biến mất khỏi thế giới Dota 2 chuyên nghiệp trong thời gian dài, cho đến biến cố khủng khiếp ngay trước thềm The International 2018 ở team cũ của anh, OG.

Sau thất bại đã được dự báo trước tại ESL Birmingham 2018, hai thành viên trụ cột của OG là s4 và Tal "Fly" Aizik bất ngờ rời đội để gia nhập Evil Genius (EG).

Trường hợp của Fly là cực kỳ đặc biệt khi game thủ này vốn là đội trưởng và cũng là bạn thân ngoài đời của Johan "N0tail" Sundstein trong suốt nhiều năm, người chơi ở vị trí carry (đi đường dưới) của team.

Trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng là vòng loại TI bắt đầu và bị phản bội trắng trợn, N0tail buộc phải trở thành đội trưởng và xoay xở để tìm đủ người để tham dự giải đấu quan trọng nhất năm.

N0tail chuyển từ carry xuống chơi support số 5, huấn luyện viên Sebastien "Ceb" Debs được điều đi đánh offlane. Một game thủ gần như vô danh có tên Topias Miikka "Topson" Taavitsainen được mời về chơi ở vị trí solomid. Và Ana gật đầu để hoàn thiện đội ngũ đầy chắp vá với vị trí mới, carry.

Game thu goc Viet tro thanh trieu phu USD nhu the nao hinh anh 4 ana6.jpg

Ana (ngoài cùng bên phải) tỏa sáng trong kỳ TI8 để đưa OG vô địch từ ngưỡng suýt phải giải tán team. Ảnh: Getty

Dù giành vé vượt qua vòng loại để tham dự TI8, song gần như không cổ động viên nào dám nghĩ OG có thể làm nên chuyện tại giải đấu lớn nhất năm.

Những hoài nghi là có cơ sở. OG mới lập lại team trong thời gian ngắn và có một 1 solomid (Topson) gần như không có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. OG chỉ được kỳ vọng không bị loại quá sớm và nếu có đứng thứ 12 trên 16 đội tham dự thì cũng không phải kết quả quá tồi.

Song OG càng chơi càng hay. Đỉnh điểm đến vào trận bán kết nhánh thắng với đối thủ EG. N0tail gặp lại người bạn phản bội Fly và đã đưa OG chơi một loạt Bo3 hay bậc nhất trong lịch sử các kỳ TI để đánh bại EG với tỷ số 2-1. Ana trong vai trò carry đã tỏa sáng với những hero như Drow Ranger và đặc biệt là Spectre ở game đấu thứ 3.

Không còn phải đi lane mid đòi hỏi nhiều kỹ năng, Ana thể hiện đẳng cấp cực cao ở vai trò carry gánh kèo với khả năng farm bù chóng mặt cùng việc ra những quyết định chuẩn xác ở các thời điểm quan trọng ở giai đoạn late game (tương đương giai đoạn cờ tàn trong môn cờ tướng).

Trong trận chung kết tổng, OG từng tiến sát tới thất bại khi bị ép nghẹt thở ở game đấu thứ 4. Song, Axe trong tay Ceb cùng Phantom Lancer của Ana thể hiện độ bá đạo khi lật ngược thế cờ với những chiến thắng liên tục trong các giao tranh lớn.

Tới game 5, Ana và OG tiếp tục bị đè bẹp trong giai đoạn đầu trận trước khi vùng dậy với Ember Spirit trong tay Ana. Pha ăn ba (triple kill) của Ana ở khu vực Roshan đã đảo ngược hoàn toàn thế trận và đưa OG tới chức vô địch TI8 trong sự bất ngờ của toàn bộ những CĐV.

Giới mộ điệu tốn nhiều tranh cãi sau chiến công không tưởng của này của OG. Một bộ phận không nhỏ quả quyết OG ăn may khi các đối thủ tự thua (throw) trong những giây phút quan trọng và chiến thuật 4 bảo vệ 1 (4 protect 1) thật lỗi thời.

Đó cũng là lý do sau TI8, OG bị xem là nhà vô địch thiếu thuyết phục nhất.

Vĩ đại nhất

Sau TI8, Ana lại "nghỉ ngơi" khỏi đấu trường Dota 2 chuyên nghiệp. Anh đi chơi poker, thậm chí đánh bitcoin và được giới mộ điệu coi là nhà vô địch TI biết cách hưởng thụ nhất.

Tháng 3.2019, khi OG gặp khó khăn trong việc giành đủ điểm để tham dự TI9, Ana lại trở lại. Có lại đủ đội hình lên ngôi tại TI8, OG giành vừa đủ điểm để tham dự kỳ TI thứ 9 trong lịch sử.

Trước đó, không nhà vô địch nào dù mạnh đến mấy, bảo vệ thành công chức vô địch tại TI. OG bị coi là không ngoại lệ. Đặc biệt khi chức vô địch trước đó của Ana và các đồng đội luôn bị quả quyết là "ăn may".

Game thu goc Viet tro thanh trieu phu USD nhu the nao hinh anh 5 T9.jpg

Ana cùng OG vô địch TI 2 lần liên tiếp sau khi đè bẹp gần như toàn bộ đối thủ tại kỳ TI 2019. Ảnh: Getty

Song TI9, giải đấu với lượng tiền thưởng lên tới 34,3 triệu USD, nhiều nhất lịch sử eSport, sau cùng lại là nơi chứng kiến đội tuyển Dota 2 vĩ đại nhất lịch sử khẳng định sức mạnh. OG chơi cả giải và chỉ để thua đúng 4 trong tổng số 26 game đấu và không thất bại ở bất kỳ loạt Bo3 nào.

Những chỉ trích Ana chơi kém và OG không sáng tạo cũng hoàn toàn bị câm bặt trong giải đấu này khi game thủ gốc Việt đưa IO, tướng chỉ chơi ở vị trí support (hỗ trợ), ra vị trị carry gánh team. Ana đánh 6 trận đấu với IO trong vai trò chưa từng xuất hiện này và thắng cả 6.

Khi OG quật ngã Liquid 3-1 ở trận chung kết, toàn bộ giới quan sát Dota 2 chỉ biết vỗ tay thán phục Ana và các đồng đội.

OG thực tế chơi một thứ Dota áp đảo và trên cơ hoàn toàn đối thủ, trong gần như mọi trận đấu. Họ gần như không bao giờ tự đưa mình vào thể phải đi "lật kèo" khi quá áp đảo đối thủ với khả năng di chuyển linh hoạt, tính toán thời gian giao tranh (timing), cùng sự ưu việt trong lối ban-pick.

Trong chia sẻ ngay trong TI9, đội trưởng n0tail đã cười khoái trá trong thang máy với huấn luyệ viên khi quả quyết chẳng đội nào có thể chống lại bài IO đánh carry trong tay của Ana, bởi chính OG cũng chưa từng tập bài đó trước kia.

Mọi chuyện chỉ đơn giản là Ana bất ngờ nói "Em muốn đánh IO carry" trong lúc tính toán chiến thuật, N0tail hỏi lại "Chắc không?". Ana gật đầu, OG chọn và đối thủ bị đè bẹp.

Đội trưởng huyền thoại của Liquid (giờ là Nigma), Kuro "KuroKy" Salehi Takhasomi, trong True Sight, cũng phải thốt lên "OG là số một" sau thất bại ở chung kết TI9.

Sau TI9, Ana lại nói lời chia tay với thế giới Dota 2 chuyên nghiệp. Với 6 triệu USD tiền thưởng, Ana giờ không chỉ là triệu phú trong làng eSport, chàng trai gốc Việt giờ còn trở thành carry hay nhất lịch sử Dota 2 và mãi mãi được vinh danh mỗi khi nhắc tới tựa game này.

Theo Zing