Làm gì để vực dậy ngành du lịch?
Du lịch - Ngày đăng : 06:53, 22/05/2020
5 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hải Dương giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Vườn hoa trước cổng đền Kiếp Bạc được trồng nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ để thu hút du khách
Ngành du lịch Hải Dương đã bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Mục tiêu đón 4,65 triệu khách du lịch trong năm nay khó có thể thực hiện được. Việc quan trọng nhất lúc này là cần triển khai ngay các giải pháp nhằm vực dậy ngành du lịch sau một thời gian dài ảm đạm.
Khó chưa từng có
Hải Dương có lợi thế về du lịch tâm linh với nhiều di tích quốc gia đặc biệt, thu hút hàng triệu du khách trong dịp đầu xuân. Nhưng khi các lễ hội lớn gắn với các di tích nổi tiếng như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, đền Bia, chùa Nhẫm Dương, đền Tranh... còn chưa diễn ra thì các di tích đã phải tạm dừng đón khách để phòng dịch Covid-19. Một bầu không khí vắng vẻ, ảm đạm bao trùm khắp các điểm du lịch.
Có lẽ trong tiền lệ, ngành du lịch Hải Dương chưa bao giờ phải đối diện với nhiều khó khăn như giai đoạn vừa qua. Ngay cả khi UBND tỉnh đã cho phép các di tích, danh lam thắng cảnh được đón khách trở lại thì ngành này cũng chưa thấy những dấu hiệu tích cực.
Ngày đầu mở cửa trở lại (1.5), khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đón 4.000 lượt khách. Nhưng kể từ đó đến nay, bình quân mỗi ngày chỉ có khoảng 200 lượt người đến đây. Tại những di tích khác như đền Bia (Cẩm Giàng), đền Cao An Phụ (Kinh Môn) mỗi ngày cũng chỉ đón vài chục lượt khách, có ngày không có ai ghé qua. Khu danh lam thắng cảnh Đảo Cò đón 1.000 lượt khách trong ngày đầu mở cửa trở lại nhưng rồi cũng rơi vào cảnh đìu hiu khi mỗi ngày chỉ có vài đoàn khách lẻ tẻ...
Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm nay, lượng khách tới các di tích, danh lam thắng cảnh ở Hải Dương bị sụt giảm 45-90% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ trước tới nay, lượng khách du lịch đến Hải Dương tăng dần theo từng năm, chưa bao giờ có chuyện bị sụt giảm như trong giai đoạn dịch dã vừa qua.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 5 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hải Dương đạt khoảng 454.000 lượt người, chỉ bằng 59% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách sụt giảm mạnh khiến doanh thu từ ngành này giảm tới 62%. Công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú du lịch trong tỉnh chỉ đạt khoảng 13,8%. Các nhà hàng, khách sạn sụt giảm 50-70% doanh thu do khách hủy lịch. Hơn 1.000 người làm việc trong lĩnh vực này phải tạm thời nghỉ việc, cắt giảm lương. Toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp lữ hành với hơn 1.000 đầu xe các loại phải dừng hoạt động, gần 1.600 lao động tạm thời nghỉ việc.
Mỗi ngày, khu danh lam thắng cảnh Đảo Cò chỉ đón vài đoàn khách lẻ tẻ
Nên giảm giá vé tham quan
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải nhanh chóng có giải pháp đưa ngành du lịch phát triển trở lại.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp nhằm kích cầu ngành du lịch trong thời gian tới. Đó là tập trung xây dựng chiến dịch quảng bá tại chỗ. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, khách sạn tham gia các chương trình khuyến mãi du lịch nội địa, quốc tế của Tổng cục Du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, khách sạn xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mãi, giảm giá thu hút khách du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ, tăng cường xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch Hải Dương với các tỉnh, thành phố...
Trưởng Ban Quản lý di tích Kinh Môn Nguyễn Văn Thư cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND thị xã tạm thời không thu vé thắng cảnh để thu hút khách du lịch. Hy vọng đây sẽ là một giải pháp quan trọng để kích cầu ngành này". Tuy nhiên, ở một số đơn vị tự chủ thu chi như Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nếu không thu phí thắng cảnh thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của cán bộ, nhân viên.
Một số người hoạt động trong các doanh nghiệp lữ hành ở TP Hải Dương, TP Hải Phòng cho biết các điểm, khu du lịch trong cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... đã cắt hoặc giảm nhiều loại phí tham quan. Đa số nhà hàng, khách sạn tại những tỉnh, thành phố này cũng giảm giá dịch vụ để hút khách du lịch. Các khu du lịch tại Hải Dương nếu không miễn phí thì cũng nên giảm giá để kích cầu; đồng thời phải làm phong phú sản phẩm du lịch.
Ban Quản lý các khu di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh đang tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, tận dụng tối đa những tiện ích của mạng xã hội để tăng cường tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút du khách. Bên cạnh đó, tích cực cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch. Điển hình như Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mở chiến dịch tuyên truyền về hồ sen đền Kiếp Bạc đang độ nở hoa. Đơn vị dự kiến phối hợp tổ chức một cuộc xúc tiến du lịch để khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về với Hải Dương...
TIẾN MẠNH