Ngăn làn sóng dịch bệnh thứ hai

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:58, 23/05/2020

Không lâu sau khi bỏ phong tỏa, nới lỏng giãn cách xã hội, một số quốc gia đã sớm chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Rủi ro làn sóng dịch thứ hai là có thật và không thể xem nhẹ.

Mầm bệnh trong cộng đồng vẫn là nỗi lo trong kiểm soát dịch COVID-19 

Không lâu sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, bỏ phong tỏa, nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều quốc gia đã sớm chứng kiến số ca mắc bệnh Covid-19 tăng trở lại. Rủi ro làn sóng dịch thứ hai là có thật và không thể xem nhẹ.

Singapore, một trong những quốc gia được ca ngợi thành công trong phòng chống dịch cũng không thể ngờ là làn sóng dịch thứ hai lại ập tới bất ngờ và mạnh như vậy. Số ca lây nhiễm đã nhảy từ 226 hồi giữa tháng 3 lên đến hơn 28.000 giữa tháng 5, tăng gấp hơn trăm lần chỉ trong hai tháng, mà người mắc chủ yếu là lao động nhập cư. 

Hàn Quốc được tán dương vì xử lý dịch hiệu quả mà không cần phong tỏa, cũng đau đầu khi làn sóng dịch thứ hai ập đến không lâu sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Cả trăm ca mới mắc Covid-19 từ các câu lạc bộ đêm ở Thủ đô Seoul đã khiến giới chức vội đóng cửa các quán bar vô thời hạn. 

Từng là tâm dịch của thế giới, Trung Quốc đã khẩn trương áp đặt biện pháp hạn chế đi lại tương tự lệnh phong tỏa từng thực hiện ở Vũ Hán đối với một số thành phố miền Bắc. Trường học vừa mở cửa đã lại đóng ở ba thành phố có tổng cộng 13 triệu dân. Biện pháp này nhằm đối phó với làn sóng dịch thứ hai đến nay đã khiến 18 người nhiễm bệnh từ ngày 7.5. 

Khi các nước, trong đó có Việt Nam nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại nền kinh tế, nối lại cuộc sống bình thường, những ví dụ trên là lời nhắc nhở thấm thía, bài học thực tế để tham khảo và rút kinh nghiệm. Chúng ta cần hiểu rằng Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội không có nghĩa người dân được buông lỏng hay bỏ qua hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch. Mở cửa lại nền kinh tế, cuộc sống bình thường trở lại không có nghĩa là ta được phép chủ quan và coi như dịch bệnh chưa từng xảy ra. 

Mỗi người dân vẫn cần là một “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch bệnh để có thể tạo thành sức mạnh tập thể, giúp đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu nước nào mà người dân có tâm lý chủ quan, xả hơi bù sau thời gian bị cách ly thì sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá.

Tất nhiên không nước nào cũng có thể bế quan tỏa cảng, đóng cửa mãi khi dịch bệnh đã có dấu hiệu bớt nghiêm trọng. Chỉ có điều khi mở cửa trở lại, Chính phủ và người dân phải luôn ghi nhớ là làn sóng dịch thứ hai, thậm chí thứ ba có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Do đó, cần phải có kế hoạch đối phó với tình huống này.

Có thể nói, kế hoạch đối phó với làn sóng dịch bệnh tiếp theo là điều rất quan trọng vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo dịch Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Nó có thể ẩn náu trong một số người mà không gây ra triệu chứng gì.  

Dỡ bỏ phong tỏa và các biện pháp hạn chế là một quá trình phức tạp, khó khăn. Soi chiếu vào Việt Nam, có thể thấy nước ta đã khống chế dịch thành công và tự tin nới lỏng giãn cách xã hội, trở lại cuộc sống bình thường. Học sinh đã được tới trường sau kỳ nghỉ Tết dài lịch sử. Đường phố tấp nập như xưa. Hơn một tháng qua, Việt Nam đã không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, các ca ngoại nhập đều được xét nghiệm, cách ly và quản lý tốt, tránh tối đa khả năng lây ra ngoài. 

Nhận định về khả năng làn sóng dịch thứ hai ở Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Nếu không chủ quan, vẫn làm tốt thì chúng ta không bị làn sóng thứ hai dù vẫn có thể có ổ dịch nhỏ”. 

Như vậy, tinh thần cảnh giác cao độ của cả Chính phủ và người dân sẽ là vũ khí chiến lược để Việt Nam ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai ập đến.

THÙY DƯƠNG