Làm thế nào để cứu làn da khỏi nắng nóng gay gắt?
Làm đẹp - Ngày đăng : 15:46, 23/05/2020
Di chuyển lâu dưới trời nắng sẽ khiến da chịu nhiều thương tổn nặng nề nếu chăm sóc và bảo vệ không đúng cách.
Luôn sử dụng kem chống nắng: Kem chống nắng đóng vai trò lá chắn, ngăn cản sự xâm nhập của các tia UV gây lão hóa, tàn nhang, đốm nâu và thậm chí ung thư da. Hãy thoa kem chống nắng mỗi ngày bất kể điều kiện thời tiết, đồng thời thoa lại sau mỗi 2 tiếng hoặc ít hơn nếu cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Bạn lưu ý dùng loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, PA có các dấu cộng phía sau từ +++ trở lên, đồng thời chứa một số thành phần dưỡng ẩm, chống oxi hóa nhằm gia tăng lợi ích chăm sóc và bảo vệ da. |
|
Làm dịu vết bỏng nắng bằng mỹ phẩm dưỡng ẩm: Để chữa cháy nắng, bạn cần làm ẩm bề mặt da ngay lập tức. Một số loại xịt khoáng, mặt nạ miếng và gel dưỡng ẩm có thể giúp ích trong trường hợp này. Bạn nên chọn mỹ phẩm chứa thành phần có tác dụng làm dịu, giảm mẩn đỏ như nha đam, rau má, hoa cúc… |
|
Đội mũ rộng vành: Một chiếc mũ xinh xắn không chỉ là món phụ kiện giúp diện mạo của bạn thêm phần phong cách mà còn cản bớt những tia nắng ẩn chứa nhiều nguy hại tiếp xúc với làn da ở vùng đầu và mặt. |
|
Đeo kính râm to bản: Vùng da quanh mắt rất mỏng manh và nhanh xuất hiện dấu hiệu lão hóa nếu không được chống nắng kỹ lưỡng. Bên cạnh thoa kem chống nắng, hãy đeo kính râm những lúc di chuyển ngoài trời. Kính râm vừa làm bạn trông sành điệu hơn, lại bảo vệ mắt và tránh phải nheo mắt khi nhìn. |
|
Mặc quần áo có chất liệu dày: Trang phục sử dụng chất liệu dày, được dệt chặt góp phần ngăn chặn tia cực tím, giúp da giảm bớt tình trạng cháy nắng, bỏng rát. |
|
Uống nhiều nước: Các chuyên gia sức khỏe thường khuyến nghị mỗi người nên uống 2-3 lít nước trong một ngày để cơ thể được cung cấp đủ nước, từ đó góp phần làm quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi. Trong thời điểm nắng nóng gay gắt, việc uống nhiều nước càng quan trọng hơn rất nhiều lần. Khi ở lâu ngoài trời nắng, nước ở bề mặt da bị hút đi. Uống nhiều nước sẽ làm giảm những thiệt hại mà ánh nắng gây ra cho da. |
|
Dùng thuốc kháng viêm không kê đơn: Một số loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin có tác dụng giảm sưng viêm và khó chịu do cháy nắng. Trước khi sử dụng thuốc bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ. |
|
Đến phòng khám da liễu: Trong trường hợp tình trạng cháy nắng trở nên nghiêm trọng, làn da đang “kêu cứu” vì sự mẩn đỏ hay phồng rộp khó chịu, hãy nhanh chóng đến phòng khám của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp điều trị cháy nắng phù hợp cũng như kê toa một vài loại thuốc cần thiết. |
Theo Zing