Nền y tế từ xa
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:16, 24/05/2020
Tôi can ngay, "tránh đến bệnh viện lúc này". Chúng tôi suy nghĩ, làm sao để khám cho bà nhanh nhất mà đỡ sức đi lại, tránh rủi ro lây nhiễm bệnh dịch. Tất cả các phòng khám chuyên khoa xương khớp, theo chỉ đạo, đều phải đóng cửa tạm thời trong tháng tư. Nhiều phòng khám đa khoa ế bệnh nhân quá cũng tự xin phép đóng luôn. Tại bệnh viện, một số khoa phòng như vật lý trị liệu cũng tạm nghỉ.
Lục lại trí nhớ, tôi tìm ra một bác sĩ chuyên về xương khớp - chấn thương chỉnh hình đang ở Canada nhưng khám bệnh trực tuyến. Từ Bình Dương, chị tôi kết nối với bác sĩ qua mạng. Thư ký robot tự động túc trực 24 giờ từng bước hướng dẫn chị cách tạo sổ khám online để lưu trữ bệnh án, cách đóng tiền khám bệnh qua thẻ tín dụng, thẻ ATM hoặc thẻ cào điện thoại, hẹn giờ khám. Phí khám bệnh là 150.000 đồng mỗi lần.
Đúng giờ hẹn, chị và mẹ online. Bà kể về bệnh đau lưng mấy tháng nay và lo lắng của mình, bác sĩ đã ân cần hỏi bệnh, giải thích những vướng mắc của bà và người thân, tư vấn cách khắc phục. Ngoài 15 phút khám trực tuyến, bác sĩ còn nghiên cứu hồ sơ bệnh án gửi trước và "khám lâm sàng online". Ông kê toa cho bệnh nhân, đề nghị người nhà theo dõi và báo cáo hàng ngày qua mạng.
Mặc dù đang sống tại Canada, nhưng vị bác sĩ là một trong những người đi đầu trong việc mở "phòng khám trực tuyến" để phục vụ bệnh nhân từ Việt Nam hay bất cứ đâu. Người dân, khi thiếu thời gian, không tiện đi lại vẫn khám bệnh được ngay tại nhà hoặc tại nơi làm việc.
Nhiều người Việt Nam vốn coi bệnh viện là trung tâm trong khi xu thế mới là "lấy bệnh nhân làm trung tâm". Các trung tâm xuất sắc về telemedicine, telehealth, mhealth - gọi chung là dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân từ xa thông qua hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi - sẽ là đối thủ cạnh tranh mới của các bệnh viện, phòng khám sắp tới. Ở những quốc gia tiên tiến, mô hình này đã ra đời gần 40 năm nhằm giảm quá tải cho bệnh viện, tránh lây lan dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân và góp phần kiểm soát bệnh tật xã hội.
Trong những ngày giãn cách xã hội, hàng triệu bệnh nhân có bệnh mãn tính về tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, cơ xương khớp, da liễu, ung thư... vẫn cần thăm khám thường xuyên. Nhưng họ đang phải hạn chế tới các trung tâm y tế, gặp bác sĩ trực tiếp, hạn chế di chuyển. Ở các quốc gia nơi mô hình khám bệnh telemedicine phát triển, bệnh nhân chỉ cần gọi điện cho bác sĩ, đặt lịch hẹn khám từ xa, xử trí bệnh ngay lập tức và toa thuốc sẽ được gửi tới tận nhà. Với những người nghi ngờ có thể bị nhiễm nCoV những ngày này, họ chỉ cần gọi điện cho bác sĩ, điền đầy đủ triệu chứng vào tờ khai sẽ được khám online, được chỉ định dùng thuốc và cách ly tại nhà. Họ chỉ nhập viện khi suy hô hấp.
Khi y học từ xa phát triển, các phương tiện chẩn đoán bệnh từ xa cũng phát huy theo. Ngoài bệnh án điện tử và có nhân viên y tế hỗ trợ online, bác sĩ có thể nghe nhịp tim của bệnh nhân từ xa, siêu âm từ xa, soi tai mũi họng từ xa, theo dõi tim thai từ xa. Bác sĩ cũng có thể giải phẫu bệnh, cắt mẫu mô soi kính hiển vi để theo dõi tế bào... Hiện nay, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chỉ cần đủ hình ảnh và thông tin, bác sĩ hoàn toàn có thể đưa ra kết luận nhanh và chính xác. Như vậy, dù trong cấp cứu thảm họa hay dịch bệnh, không thể hay không có điều kiện đến gặp bác sĩ, bệnh nhân không hề đơn độc.
Tại Việt Nam, mặc dù đã được nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển, mô hình khám bệnh từ xa chưa thành công vì nhiều lý do. Một lý do chính là nhiều người vẫn quan niệm rằng khám bệnh phải có bác sĩ nhìn, sờ, gõ, nghe; bác sĩ cũng phải trực tiếp gặp bệnh nhân mới có nguồn thu, phải làm thêm một vài xét nghiệm, chụp chiếu mới đủ bù đắp cho đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh nên một số người mới chỉ tư vấn bệnh qua điện thoại, cửa sổ chat, camera. Hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Các quy định pháp luật về khám bệnh từ xa chưa có nên chưa khuyến khích hình thức này phát triển.
Tại Mỹ, Pháp, Canada, Singapore hay Ấn Độ, mô hình khám chữa bệnh telemedicine đã phổ biến nhờ hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, nơi chính phủ đã tập trung thúc đẩy công nghệ kinh tế y tế, tạo thế mạnh cạnh tranh lấy y tế làm dịch vụ trong khu vực. Các chính phủ cũng khuyến khích nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực này, vừa giải quyết bài toán an sinh xã hội và cải thiện nguồn lực y tế cộng đồng, vừa xuất khẩu y tế tại chỗ. Những bác sĩ từ Singapore gần đây đã vươn tay khám chữa cho nhiều bệnh nhân tại Việt Nam và trong khu vực, thu ngoại tệ tại chỗ.
Một trong những giải pháp mở đường cho thị trường y tế online, theo các chuyên gia, Bộ Y tế trước tiên thúc đẩy mô hình khám bệnh từ xa bằng cách ban hành các thông tư, quy định rõ ràng về phòng khám trực tuyến. Điều kiện nào, ai được phép thành lập phòng khám online; cách kết nối với bệnh nhân, bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, nhà thuốc; hành lang pháp lý công nhận toa thuốc, định giá khám chữa bệnh trực tuyến, toa thuốc và chữ ký điện tử để nhà thuốc in ra và giao thuốc tận nhà cho bệnh nhân.
Nền Y tế của chúng ta, dù muốn hay không, đã phải chuyển sang trạng thái mới sau sự xuất hiện của dịch Covid-19. Thúc đẩy y tế từ xa là một cách để thay đổi phương thức quản lý và vận hành thị trường, bảo toàn mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
HOÀNG NHUNG