Trẻ em nhiễm thói xấu từ video trên mạng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:29, 24/05/2020

Không ít video gắn mác dành cho gia đình, trẻ em, thực chất bên trong nội dung lại ẩn chứa những hình ảnh bạo lực, nhạy cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ.

Trẻ em dễ nhiễm thói xấu từ những video độc hại trên internet nếu không có sự giám sát, hướng dẫn của người lớn

Không thể phủ nhận, nhiều video trên mạng có rất nhiều lợi ích. Nhưng cũng có không ít video gắn mác dành cho gia đình, trẻ em, thực chất bên trong nội dung lại ẩn chứa những hình ảnh bạo lực, nhạy cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ. 

Tá hỏa khi con có hành vi xấu 

Mải mê với công việc buôn bán, những ngày thường các con đi học, đợt dịch Covid-19 vừa qua và những dịp cuối tuần khác, vợ chồng chị Tăng Thị T. ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) lại đưa hai con đến gửi một người họ hàng nhờ trông nom. Công việc bận rộn nên anh chị cũng ít dành thời gian cho con. Cho đến một ngày, chị T. tá hỏa khi nghe thấy cậu con trai mới 7tuổi văng tục, chửi bậy. Gặng hỏi chị mới biết con nói những lời này do bắt chước từ một video trên mạng. Chị T. bất ngờ khi con có thể tự tìm những video, trong đó có những video gắn mác hoạt hình nhưng các nhân vật lại ăn mặc hở hang, hoặc có những hành động mang tính chất bạo lực, phản cảm... không phù hợp với trẻ nhỏ. Cháu Mai Trung K. con của chị T. cho biết: "Khi bố mẹ không có nhà, cháu thường tự mở ti vi để xem, không cần hướng dẫn vì chỉ cần nhìn bố mẹ sử dụng vài lần là biết". 

Anh Nguyễn Đình Th. ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cũng có lần ngỡ ngàng khi thấy hai con nhỏ của mình trộn mì tôm với đường để ăn do học theo trên mạng. Đứa con trai 5 tuổi của anh - cháu L. rất thích xem những video nhạc chế với nền nhạc của một số bài hát đang thịnh hành. Điều đáng nói là những lời nhạc chế này lại có nhiều ngôn từ không trong sáng, thậm chí các "ca sĩ" còn vô tư văng tục, chửi bậy. Cháu L. thuộc làu làu nhiều lời bài hát mà chẳng cần ai dạy. Anh Th. cho biết: “Ban đầu, vợ chồng tôi cho các cháu xem các video ca nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình để dỗ dành các cháu ăn uống, đỡ quấy khóc. Khi các cháu lớn hơn, tự truy cập internet và đã xem những video ca nhạc này. Nhiều lúc thấy các con vui vẻ xem, tôi cũng không để ý là xem cái gì".

Cần song hành với trẻ 

Sau lần thấy con chia sẻ muốn thử sống 24 giờ trên giường như hướng dẫn của kênh YouTube Thơ Nguyễn, chị Bùi Thị Kim D. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) mới giật mình vì thời gian qua chưa thực sự sát sao khi để con tiếp cận với video trên mạng. Trước đó, chị D. đã giới hạn thời gian cho các con sử dụng internet nhưng cũng chưa yêu cầu các con thực hiện một cách nghiêm ngặt. Chị D. cho biết: "Sau lần nghe con chia sẻ, tôi đã dành thời gian để xem một số video mà con đã từng xem, qua đó thấy có những video nội dung không ổn như thử thách "24 giờ sống ngoài ban công" hoặc hướng dẫn trộn nhiều thứ linh tinh với nhau để ăn nên đã đọc cho các con một số bài báo phê bình kênh YouTube mà các con đang theo dõi. Khi các con xem video, tôi dành thời gian xem cùng con và phân tích cho con cái nào nên xem, cái nào không, thời gian xem chỉ giới hạn trong khoảng 30 phút/ngày; khoảng thời gian còn lại dành để học tập, đọc sách và chơi những trò vận động".

Không khó để bắt gặp những video trên mạng có nội dung độc hại như hướng dẫn tự tử, ăn xà phòng, dao đâm vào người hoặc nhảy lầu không chết, nhiều câu nói thô thiển biến thành trend (xu hướng, xu thế), các bài hát chế văng tục, chửi bậy, thiếu tính giáo dục… Trẻ em tiếp cận với những video này trên mạng có thể sẽ học theo gây ảnh hưởng, dẫn đến những thay đổi về hành vi và tâm lý. Ví dụ như "Thử thách Cá voi xanh" đã từng trở thành trào lưu nguy hiểm, nhiều trẻ em trên thế giới đã làm theo dẫn đến những vụ tự tử rất đỗi thương tâm. 

Theo chị Hoàng Minh Liên, Trưởng Ban Công tác thanh thiếu nhi (Tỉnh đoàn), do trẻ nhỏ chưa thể phân biệt được những hành động nguy hại nên phụ huynh phải là người định hướng, không nên để con được tự do xem bất cứ những gì chúng tò mò. Cha mẹ cần phải giám sát các hoạt động của con trên internet; phải biết con mình đã tiếp xúc với những nội dung nào để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Để làm được điều này đòi hỏi phụ huynh phải dành nhiều thời gian hơn cho con. Cố gắng giúp con khám phá trải nghiệm thực tế cuộc sống, thu hút các con vào các trò chơi vận động, dân gian, phát triển tinh thần và thể chất để hạn chế sử dụng điện thoại thông minh, ti vi hay các trò chơi công nghệ. Nhà trường, tổ chức đoàn, đội cũng như gia đình cần phải nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn về việc giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Trong các buổi sinh hoạt Đội, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, cần hướng dẫn cụ thể việc tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Đã đến lúc việc giáo dục, phổ cập kỹ năng tham gia mạng xã hội phải được đặt ra một cách bài bản và chính thống cho tất cả các em.

Với những hướng dẫn cụ thể của nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội, cùng sự quan tâm, sát sao của gia đình sẽ giúp cho các em biết lựa chọn những nội dung lành mạnh, tránh xa những video độc hại. Để những câu chuyện "ảo", thông tin ô nhiễm không gây nên những tai họa và tai nạn thật cho trẻ em. 

HUYỀN TRANG