Hệ thống bia đá cổ ở chùa Văn Thai "nói" gì?

Di tích - Ngày đăng : 20:01, 24/05/2020

Chùa Văn Thai ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) là nơi duy nhất còn lại trong 3 ngôi chùa cổ của tổng Văn Thai xưa. Chùa vẫn còn giữ được hệ thống bia đá có giá trị lịch sử, văn hóa.

Tấm bia đá cổ nhất tại chùa Văn Thai có niên đại từ thế kỷ XVI

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia

Chùa Văn Thai có tên chữ là Sùng Huyền tự. Người dân địa phương cho biết ngôi chùa được xây dựng trên khu đất cao ráo ở trung tâm của thôn với thế đất hàm rồng. Không ai biết chùa được xây dựng từ bao giờ, chỉ biết trong chùa còn một số cổ vật, tượng thờ từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Vào năm Bính Thìn 1916 thời Nguyễn, ngôi chùa được trùng tu theo kiến trúc đương thời với quy mô lớn. Qua thời gian, đến năm 1992, chùa còn tòa đại bái, hậu cung, nhà tổ, các công trình này tương đối đồng bộ và hoành tráng.

Từ sân chùa đi lên là 2 “ông” sấu đá với niên đại khoảng thế kỷ 17-18, trang trí hoa lá và hình ngọn lửa. Hai bên chùa là 2 cột đồng trụ, trên nóc trụ đắp quả dành dành, nóc chùa có bảng ghi tên “Sùng Huyền tự”. Cửa chùa làm kiểu bức bàn, cột chìm vào tường, chân tảng đá kiểu quả bồng cao 40 cm.

Tòa đại bái gồm 7 gian nhà thiết kế theo kiểu lòng thuyền tứ trụ, gồm 16 cột đường kính khoảng 30 cm. Các vì kiến trúc kiểu con chồng đấu sen, cốn rỗng, xà đinh kẻ trơn. 3 gian bên phải có 3 bệ thờ thành hoàng làng, hộ pháp và đức ông. Gian trung tâm tòa đại bái có đặt một bàn thờ gỗ chân tiện trang trí hoa văn thanh mảnh. 3 gian bên trái xây bằng gạch, thờ Đức Thánh hiền, hộ pháp và một nhóm tượng đem từ một ngôi chùa cổ tại địa phương về khi ngôi chùa đó bị phá. 

Hậu cung gồm 4 gian nhà theo kiểu lòng thuyền tứ trụ có 8 cột to và 8 cột nhỏ. Ở giữa xây bệ thờ kiểu bậc thang gồm 6 bậc, thờ Đức Phật Di Đà, Ngọc Hoàng, Quan Âm Thị Kính… 

Nhà tổ gồm 7 gian mái lợp ngói, hiên gạch, cửa kiểu bức bàn, gian trung tâm thờ ba vị Trúc Lâm tam tổ, gian bên cạnh thờ sư tổ của ngôi chùa. Trong khuôn viên chùa hiện còn 2 giếng tròn có bậc đá đi xuống. Chị Hà Thị Hậu, cán bộ phụ trách văn hóa - thể dục thể thao xã Cẩm Văn cho biết: "Khi tôi còn nhỏ đi học về thường cùng các bạn ghé vào giếng lấy nước để rửa mặt, rửa chân tay trước khi về nhà. Người dân khu vực xung quanh đều đến lấy nước về ăn uống, sinh hoạt. Ngôi chùa không những là điểm tựa tinh thần mà còn cung cấp nguồn nước ngọt lành, trong mát nuôi dưỡng bao thế hệ sinh ra từ làng".

Năm 1995, ngôi chùa đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Hiện nay ngôi chùa được tôn tạo to đẹp, 1 giếng trước chùa được cải tạo thành hồ sen, giữa hồ có tượng Phật Bà Quan Âm, trong khuôn viên chùa có chuông lớn, vườn hoa, vườn tháp… tạo cảnh quan nên thơ cho ngôi chùa cổ.


Quang cảnh cổ kính ở chùa Văn Thai 

Hơn 1 vạn chữ trên văn bia

Chùa Văn Thai đến nay còn lưu giữ được nhiều tượng thờ, ngai thờ, bát hương… có giá trị từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trong đó nổi bật nhất là hệ thống 17 bia đá, là một trong những ngôi chùa có số bia đá lớn nhất huyện Cẩm Giàng. Theo sách Di sản Hán Nôm Hải Dương tập IV do Hội Sử học tỉnh chủ trì thực hiện, các tấm bia này có niên đại từ năm 1573 đến năm 1941, tổng số chữ được khắc trên 17 tấm bia là hơn 1 vạn chữ. Trong đó có 1 bia được dựng vào thời Mạc, 7 bia được dựng thời Lê trung hưng, 9 bia dựng thời Nguyễn, niên đại các bia cách nhau không quá xa, chữ khắc khá nông và nhỏ, nhiều chữ đã mòn. 

Hệ thống bia đã ghi chép nhiều thông tin có giá trị về lịch sử ngôi chùa cũng như hoạt động văn hóa đương thời tại địa phương. Trong số 17 bia, có bia ghi chép việc xây chùa, bắc cầu, đặc biệt có 2 vụ kiện được ghi chép trong văn bia về chi tiêu công quỹ và về đất đai mồ mả. Trong các bia đều ghi nhận sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng chùa khá cụ thể và minh bạch, có bia ghi đến hàng trăm người, có bia ghi chép lại những công trình văn hóa tại địa phương. Có bia ghi chép rằng chùa Sùng Huyền trước kia là ngôi chùa cổ nổi tiếng, tháng 8 hằng năm có hội múa rối nước…

Tấm bia cổ nhất còn trong chùa hiện nay là bia "Sùng Huyền tự bi -Tín thí" khắc dựng năm 1573 có chiều cao 92 cm, rộng 56 cm, dầy 14 cm. Tấm bia được khắc cả hai mặt với khoảng 1.000 chữ do một vị tiến sĩ, ba nghệ nhân làng Hồng Lục (Gia Phúc) khắc, nội dung ca ngợi đất và người Văn Thai trong quá trình trùng tu tôn tạo chùa, số người tham gia tôn tạo khoảng 160 người. Nội dung có đoạn: “Văn Thai là nơi đất thiêng lạ thường, dân thôn xóm nhân hậu, phong tục tốt đẹp, nay có chùa tên là Sùng Huyền, phong cảnh ngày càng hưng thịnh lại sáng tạo hoa phong, sửa sang phong khí, khó tránh khỏi đến việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa ấy cho thật huy hoàng như đã thành thông lệ”. Một tấm bia khác có ghi sự kiện làm lại cầu bắc qua sông trước cửa chùa Sùng Huyền và việc xử kiện tham nhũng tiền công quỹ của bản xã...

Theo đại đức Thích Thiện Khánh, trụ trì chùa Văn Thai, trước đây các tấm bia này được dựng vào tường chùa. Đến năm 2008, các tấm bia được di chuyển sang phía bên trái tòa đại bái (hướng từ chùa nhìn ra cổng). Dù các công trình khác đã được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm tu sửa, tôn tạo, nhưng riêng hệ thống bia đá ở chùa vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhiều chữ đã mòn. Các ngành, các cấp cần sớm quan tâm xây dựng nhà bia để bảo vệ, phát huy hơn nữa giá trị các bia đá cổ ở chùa Văn Thai.

VIỆT QUỲNH