Dọa Hong Kong, Bắc Kinh vẫn lo
Bình luận - Ngày đăng : 08:43, 26/05/2020
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ một người biểu tình hôm 24.5
Theo Đài CNN (Mỹ), với dự luật an ninh quốc gia dự định áp lên Hong Kong mà Quốc hội Trung Quốc (NPC) đang thảo luận, người dân xứ Cảng Thơm ít có chiến thuật đối phó vì dự luật này không phải do Hội đồng lập pháp Hong Kong quyết định.
Thông điệp cứng rắn
Về vấn đề này, South China Morning Post, tờ báo thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma ngày 25.5 đăng bài bình luận có đoạn: "Bắc Kinh đã mất kiên nhẫn với Hong Kong. Những luật mà thành phố này được yêu cầu phải có vẫn chưa được thông qua sau 23 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc".
Sự mất kiên nhẫn này cũng được thể hiện qua phát ngôn cứng rắn của Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đưa ra trong cuộc gặp với các đại biểu Hong Kong và Macau ở Bắc Kinh cuối tuần trước. Ông tuyên bố "đừng đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh" và rằng "khi quyết định được đưa ra, chúng tôi sẽ làm tới cùng".
Phó Thủ tướng Trung Quốc phụ trách các vấn đề liên quan tới Hong Kong, Macau nói rằng luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong sẽ bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản, sự tự do của người dân xứ Cảng Thơm và duy trì hòa bình, sự ổn định cùng thịnh vượng lâu dài của đặc khu hành chính này. Một số nội dung trong số này cũng đã được Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đưa ra trước đó để trấn an người dân.
Theo các nguồn tin từ cuộc gặp, ông Hàn Chính cho biết chỉ 3 nhóm bị ảnh hưởng do luật trên: những kẻ ủng hộ độc lập, những kẻ cực đoan dùng bạo lực và những người biểu tình tìm cách phá hoại nền kinh tế Hong Kong với tư tưởng "nếu chúng tôi cháy, các người cũng sẽ cháy cùng chúng tôi".
Hãng tin Reuters ngày 25.5 dẫn thông báo của người đứng đầu lực lượng an ninh tại Hong Kong, ông John Lee, cho biết "chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng trong thành phố và các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia đang bùng lên khó kiểm soát".
Ông Lee khẳng định luật an ninh quốc gia thông qua là cần thiết để bảo đảm sự ổn định cũng như thịnh vượng của thành phố này.
Áp lực bủa vây
Tuy vậy, dự luật an ninh Hong Kong cũng đang khiến Bắc Kinh "ngồi trên lửa". Một phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phần nào cho thấy nỗi lo của Bắc Kinh trước sự kháng cự của người dân Hong Kong cũng như sự bất an của giới đầu tư: "Quyết định của NPC sẽ không ảnh hưởng tới các quyền và sự tự do của dân Hong Kong hay lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài ở Hong Kong".
Chủ nhật tuần trước (24.5), cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng ngàn người biểu tình đang phản đối kế hoạch của Bắc Kinh ở một số khu vực trung tâm tại Hong Kong như Causeway Bay và Wan Chai.
Trước áp lực ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh và ít lựa chọn để đối phó, những người ủng hộ dân chủ ở Hong Kong đang tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế để gây áp lực lên Bắc Kinh.
Tuần trước, hơn 200 chính trị gia từ hơn 20 quốc gia đã cùng ký một bức thư phản đối dự luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đang thảo luận. Cuối tháng này, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ đánh giá liệu Hong Kong vẫn đủ tự trị khỏi Trung Quốc đại lục hay không để quyết định về chính sách thương mại đặc biệt với đặc khu này.
Phát biểu trong chương trình Meet the Press ngày 24.5 của Đài NBC, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, nói Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Hong Kong và Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh quốc gia cho Hong Kong.
Ông O’Brien nói rằng Mỹ có thể rút bỏ quy chế đặc biệt đang áp dụng với Hong Kong - cho phép đặc khu này có thể hoạt động như một trung tâm tài chính quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 25.5 đã có đáp trả gay gắt phát ngôn của ông O’Brien: "Hong Kong là Hong Kong của Trung Quốc. Vấn đề Hong Kong hoàn toàn là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Hong Kong làm luật gì, ra sao và khi nào hoàn toàn là chuyện nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ không có tư cách chỉ tay năm ngón và nhúng tay can thiệp. Nếu Mỹ khăng khăng làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả cần thiết".
Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố sẽ cho người Hong Kong "sự hỗ trợ cần thiết". Không rõ sự hỗ trợ cụ thể là gì, nhưng Đài Deutsche Welle cho biết nhiều người ủng hộ dân chủ chạy khỏi Hong Kong trước đây đã tìm đến Đài Loan và số lượng này đang tăng lên khi tình hình ở Hong Kong xấu đi.
Giới đầu tư "nín thở"
Trang Financial Times đầu tuần này bình luận các nhà đầu tư đang "nín thở" trước khả năng áp dụng luật an ninh quốc gia sẽ gây ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Họ cho rằng luật an ninh quốc gia có thể sẽ càng tác động đến quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng, khiến Washington dự kiến có hành động trả đũa.
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong đã giảm 1,8% điểm vào sáng 25.5, trước khi phục hồi một chút. "Yên lặng! Thật sự yên lặng!" - Andy Maynard, một nhà chiến lược tại Hong Kong, nói về hoạt động giao dịch ngày 25.5.
Theo Tuổi trẻ