Tuyển sinh đại học bằng điểm thi THPT 2020: Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:08, 26/05/2020
Một tiết học môn toán của cô trò lớp 12A11 Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP Hồ Chí Minh)
Điểm chuẩn tăng
Ba năm gần đây, phương thức tuyển sinh của Trường Đại học (ĐH) Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) hầu như ít thay đổi. Tuy nhiên, chỉ tiêu theo từng phương thức lại có sự thay đổi đáng kể.
Nếu như năm 2018 trường này dành 70% chỉ tiêu tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, 10% xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì năm 2019 tỷ lệ xét từ kết quả thi THPT quốc gia giảm còn 50-65%. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy điểm chuẩn của trường từ mức 18,5 đến 23,15 năm 2018 lên đến 21,1 đến 25,7 năm 2019.
Năm nay, trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển điểm đánh giá năng lực lên tối đa 40%. Đó là chưa kể chỉ tiêu cho các phương thức khác nên cơ hội cho thí sinh xét tuyển kết quả tốt nghiệp sẽ càng ít đi.
Trong khi đó, năm 2018 Trường ĐH Kinh tế quốc dân bắt đầu bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp nhưng vẫn dành đến 90% chỉ tiêu tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Điểm chuẩn năm đó dao động từ 20,5 đến 24,35.
Năm 2019 dù tổng chỉ tiêu tăng khoảng 2,7% so với năm 2018 nhưng tỉ lệ chỉ tiêu tuyển bằng kết quả THPT quốc gia giảm còn khoảng 75%. Điểm chuẩn năm 2019 của trường này cao nhất lên đến 26,15, đa số các ngành có điểm chuẩn 23-25, ngành thấp nhất là 22,5. Năm nay, chỉ tiêu tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT tiếp tục giảm, chỉ còn 60% tổng chỉ tiêu.
Tương tự, năm 2019 Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm THPT quốc gia so với năm trước và điểm chuẩn các ngành cũng tăng...
Thiệt thòi cho học sinh
Một trong những điểm đáng lưu ý đối với thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay là việc các trường đa dạng phương thức tuyển sinh, không còn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoại trừ các trường nhóm sức khỏe, hầu hết các trường đều sử dụng từ 3 đến 6 phương thức tuyển sinh khác nhau. Điều đáng nói là ở một số trường lớn, xét kết quả học tập bậc phổ thông lại ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, trong khi những học sinh bình thường là đối tượng ưu tiên cuối cùng. Nếu xét hết các đối tượng ưu tiên trước mà còn chỉ tiêu mới xét đến nhóm đối tượng cuối cùng. Như vậy, cơ hội vào ĐH bằng phương thức này cũng không hề đơn giản.
Trong khi đó, với việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT, hầu hết các trường năm nay đều giảm chỉ tiêu cho phương thức này. Do đó, dự kiến điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay ở các trường sẽ rất cao.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - dự báo điểm chuẩn phương thức điểm tốt nghiệp THPT của trường năm nay có thể cao hơn nhiều so với các năm trước do chỉ tiêu chỉ còn 50%.
"Đa dạng phương thức xét tuyển tạo thêm điều kiện để thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, không ít thí sinh hầu như chỉ biết đến phương thức điểm thi tốt nghiệp. Điều này sẽ thiệt thòi cho chính các em khi cạnh tranh gay gắt hơn vì chỉ tiêu của phương thức này bị cắt giảm mạnh. Các trường không cấm thí sinh xét tuyển nhiều phương thức cùng lúc. Thí sinh nên tham gia xét tuyển bằng nhiều hình thức để tăng cơ hội cho mình" - ông Dũng nói.
Cùng quan điểm, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng với việc các trường đa dạng phương thức xét tuyển, thí sinh nên lưu ý các mốc thời gian để tham gia xét tuyển bằng nhiều cách. Theo ông Lý: "Phương thức nào xét trước thí sinh nên tham gia. Nếu chắc trúng tuyển thì không cần đầu tư cho các phương thức còn lại".
Theo Tuổi trẻ