Công nhân sáng tạo, doanh nghiệp được lợi

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 12:01, 26/05/2020

Những sáng kiến của công nhân xuất phát từ thực tiễn công việc đã làm lợi hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp.


Anh Hiếu kiểm tra việc vận hành của máy rút dây đồng do mình sáng chế


Trong số 4 cá nhân của Hải Dương được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo nhân dịp Tháng Công nhân này có 3 người là công nhân trong các doanh nghiệp. Họ có những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty.

Làm lợi hàng trăm triệu đồng

Đợt này, Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) vinh dự có hai người được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo. Đó là các anh Nguyễn Trọng Hiếu và Cao Văn Cẩn, cùng làm việc tại Phòng Kỹ thuật công ty. Trong quá trình làm việc, hai anh đều có sáng kiến giúp cho hoạt động sản xuất của công ty đạt hiệu quả cao, giảm sức lao động, thích ứng với tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại. Về mặt kinh tế, sáng kiến của hai anh đều làm lợi hơn 800 triệu đồng/năm cho doanh nghiệp.

Sau khi đưa đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đồ gá tiện" của anh Cẩn vào áp dụng, Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát đã đưa ra những con số tính toán hiệu quả kinh tế khá ấn tượng. So với phương pháp sản xuất cũ, sáng kiến này giúp tăng 30% năng suất, giải phóng 40% sức lao động của công nhân và không yêu cầu công nhân vận hành phải có tay nghề cao. Khi sử dụng đồ gá tiện của anh Cẩn, chi phí mỗi sản phẩm làm ra giảm 6.000 đồng. Nếu có đơn hàng đều đặn thì trong vòng 1 năm áp dụng sáng kiến này, doanh nghiệp sẽ thu lợi hơn 800 triệu đồng.

Tương tự, sáng kiến "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy rút dây đồng" của anh Hiếu cũng được công ty đánh giá cao. Nó giúp tăng 30% năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm mặt bằng sản xuất và giảm 15% chi phí tiền lương cho người lao động. Tính toán trong vòng 6 tháng áp dụng đề tài này, Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát thu lợi hơn 400 triệu đồng.

Được Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng trong dịp này còn có anh Nguyễn Văn Nghĩa, công nhân Công ty TNHH Shints - BVT (TP Hải Dương). Đề tài của anh Nghĩa là "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn máy thử nước cho mã hàng quần chống thấm nước". Khi sử dụng thiết bị này ở cùng một công đoạn sản xuất so với phương pháp cũ giúp tăng 90 sản phẩm. Đáng chú ý là chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các khách hàng ở Mỹ và châu Âu. 

Sáng kiến từ nhu cầu sản xuất

Một điểm chung thôi thúc những công nhân trên đề xuất đề tài đó là đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất cộng với trách nhiệm và sự am hiểu nghề nghiệp. Anh Cẩn cho biết máy tiện là thiết bị không thể thiếu đối với ngành sản xuất cơ khí. Các bộ đồ gá tiện được chế tạo dùng cho các loại sản phẩm khác nhau. Qua quan sát, anh Cẩn thấy tất cả các bộ đồ gá của công ty đều sử dụng sức người khi tháo ra lắp vào. Việc này vẫn mang tính thủ công. Sau một thời gian nghiên cứu, cùng với sự trợ giúp của một số đồng nghiệp, anh Cẩn đã chế tạo thành công các loại bộ gá hơi thay cho các loại bộ gá cơ công ty đang sử dụng. Nguyên lý hoạt động của các bộ gá này mang tính tự động cao, giúp giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trước đây, khi chưa áp dụng đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy rút dây đồng" của anh Hiếu, công nhân trực bộ phận rút dây đồng của Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát khá vất vả. Mỗi khi máy hỏng động cơ, công nhân phải trực tiếp dùng tay rút dây đồng, tốn nhiều thời gian và sức khỏe. Quá trình rút dây đồng thủ công cũng dễ gây biến dạng, sứt mẻ thiết bị, ảnh hưởng đến động cơ. Quan sát thấy những hạn chế này, sau giờ làm việc, anh Hiếu thường mày mò tìm hiểu, nghiên cứu tìm biện pháp thay đổi. Sự đam mê với nghề đã giúp anh Hiếu chế tạo thành công máy rút dây đồng điều khiển bằng hệ thống thủy lực chạy tự động hoàn toàn, khắc phục cơ bản các hạn chế kể trên.

Báo cáo thành tích hoạt động khoa học - công nghệ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng của anh Nghĩa dành gần 2 trang nói về những hạn chế trong việc sử dụng phương pháp sản xuất cũ tại doanh nghiệp. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc cải tiến thiết bị sản xuất. Đây là một việc khó, đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức, am hiểu sâu về nghề. "Sau khi nhận ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo công ty, tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm các thiết bị phù hợp để sản xuất giàn máy thử nước. Sau mỗi lần thử máy, tôi lại nghiên cứu điều chỉnh đạt hiệu quả tốt hơn. Giờ đây, mỗi ngày nhìn giàn máy hoạt động hiệu quả tôi thấy không uổng công sức mình bỏ ra", anh Hiếu chia sẻ.

NGỌC THANH